Print Thứ sáu, 03/04/2020 16:54 Gốc

Hàng loạt doanh nghiệp chăn nuôi lớn như: CP Việt Nam, Mavin, Dabaco… đã thông báo giảm giá thịt lợn hơi từ 75.000 đồng xuống còn 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4, nhưng đến nay, giá thịt không những không giảm, mà còn tăng cao. Khâu trung gian bao gồm hàng loạt chi phí giết mổ, lưu kho, phân phối… chiếm gần 40% giá thành, cộng với sức mua tăng, khiến giá thịt thành phẩm chưa “hạ nhiệt”.

Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức tại một số chợ lớn của Hà Nội như: Chợ Hôm, Bắc Qua, Thanh Hà, Hàng Da… giá thịt lợn từ ngày 1 – 2/4 vẫn được bán ở mức cao, dao động ở mức 210.000 – 250.000 đồng/kg. Thậm chí, do nhiều người mua, một số chợ đã xảy ra tình trạng khan hiếm thịt lợn cục bộ, “sốt hàng”, khiến các tiểu thương đẩy giá lên.

Đến ngày 3/4, khảo sát tại các chợ trên, giá thịt lợn đã dần “hạ nhiệt”, dao động ở mức 160.000 – 180.000 đồng/kg.

Thịt lợn tại các siêu thị vẫn giữ giá ổn định Ảnh: Hiền Anh.

Chị Tuyết Thanh, phố Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, giá thịt lợn rọi (ba chỉ) được mua ở chợ dân sinh là 150.000 đồng/kg, giá không thay đổi so với trước. Trong khi ở hệ thống siêu thị, giá thịt lợn cũng chưa hạ so với trước. Tại Coopmart Hà Đông, thịt ba rọi CP vẫn ở mức 176.000 đồng/kg, sườn heo 203.000 đồng/kg; thịt nạc dăm 177.000 đồng/kg… Còn mỗi kg sườn thăn của Meat Deli là 252.000 đồng, thịt heo xay 150.000 đồng…

Chị Nguyễn Thu Hương, chủ cửa hàng bán đồ ăn tại ngõ Tô Hiến Thành cho hay, cửa hàng chị có nhà cung cấp lâu dài, nên giá thịt cung cấp không bị biến động nhiều. Tuy nhiên, có thời điểm cửa hàng cũng phải mua với giá 180.000 đồng/kg, cao hơn bình thường 30.000 đồng/kg. Các loại thịt rọi quế, sườn non, tai lưỡi, móng… vẫn đang bán ở mức cao, hiếm hàng, nên giá bán lẻ từ 170.000 – 180.000 đồng/kg, thịt vai xay 160.000 đồng/kg… Ngày 3/4, giá các loại thịt này giảm nhẹ, nhưng vẫn cao hơn so với thời điểm trước ngày 1/4 khoảng 20.000 đồng/kg…

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, việc giá thịt lợn không giảm theo cam kết của các doanh nghiệp từ ngày 1/4 là do trên thực tế, thị trường luôn có độ trễ giảm giá của thịt lợn thành phẩm so với giá lợn hơi. Nhất là khâu trung gian trong cung ứng thịt vẫn cao và các cơ sở giết mổ, chế biến còn tồn kho lượng lớn thịt lợn hơi.

Bên cạnh đó, các thông tin chưa chính xác được lan truyền trên các mạng xã hội những ngày qua, cộng với nhận thức chưa đúng của không ít người dân, khiến thị trường xuất hiện tình trạng mua tích trữ thực phẩm, trong đó có mặt hàng thịt lợn đã đẩy giá thịt trên thị trường tăng lên“, đại diện Vụ thị trường trong nước cho hay.

Giá lợn hơi và các sản phẩm thịt lợn duy trì ở mức cao căn bản là do nguồn cung giảm so với cùng kỳ các năm. Sản lượng thịt lợn quý I/2020 giảm 19,3% so với 2019 và giảm 17,3% so với cùng kỳ 2018.

Qua tìm hiểu, Bộ Công Thương đã theo dõi sát tình hình thị trường, cung cầu, giá cả mặt hàng thịt lợn để có biện pháp hoặc đề xuất giải pháp điều hành kịp thời. Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc.

Về giải pháp thời gian tới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, có kế hoạch bảo đảm nguồn cung, tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an ninh xã hội; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài chủ động tìm kiếm thông tin, kết nối nguồn nhập khẩu thịt lợn với các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn trong nước và phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hoạt động nhập khẩu, để đa dạng hóa nguồn cung…

Thu Trang – Minh Phương/Báo Tin tức

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Vì sao lợn hơi giảm mà giá thịt lợn vẫn cao?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác