Pháp luật

Vì sao không nên đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi?

Sáng 21/5, thảo luận trực tuyến về một số nội dung của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), trong đó, các đại biểu nêu nhiều ý kiến tranh luận xung quanh quy định luật hóa đối tượng hộ kinh doanh.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề này, có 2 loại ý kiến.

Toàn cảnh phiên họp.

Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vì các lý do như: nội dung quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo luật dựa trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;

Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và năm 2014 đã có điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết, vì vậy, xét về bản chất thì việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo luật chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh; việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Lý do thứ nhất xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi luật, chứ không thể quy định bằng nghị định.

Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp. Lý do thứ hai là hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần.

Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh; mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, dự thảo chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh.

Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới. Lý do thứ ba là số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn. Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.

Với các ý kiến và lý do được nêu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất lựa chọn loại ý kiến thứ hai.

Cần luật riêng về hộ kinh doanh

Thảo luận trực tuyến về nội dung này, một số quan điểm nhất trí, nhưng đa số không đồng tình và cho rằng cần ban hành một luật riêng. Các đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu), Mai Hồng Hải (Hải Phòng) đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Theo đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu.

Số lượng hộ kinh doanh hoạt động ở nước ta rất lớn với hơn 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó trên 3,5 triệu được cấp mã số thuế. Do vậy, đại biểu ủng hộ quan điểm đưa hộ kinh doanh vào Luật thay vì Nghị định để tăng vị trí pháp lý của hộ kinh doanh. Tuy nhiên, cần tách hộ kinh doanh thành một luật riêng sẽ hợp lý hơn, chứ không nên đưa nội dung này vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vì như vậy Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ không thể bao hàm được hết.

Cùng quan điểm, đại biếu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), ủng hộ việc đưa hộ kinh doanh điều chỉnh bởi văn bản Luật là cần thiết, tuy nhiên đại biểu cho rằng, cách thức hoạt động và quy mô của hộ kinh doanh rất khác so với các doanh nghiệp, nếu chính sách, quy định của chúng ta chưa phù hợp có thể gây khó khăn cho hàng triệu hộ kinh doanh đang hoạt động.

Do vậy, cần xây dựng một Luật riêng cho phù hợp. Còn nếu vẫn quyết định đưa nội dung này vào Luật, đại biểu cho rằng, tên gọi của dự thảo Luật cũng cần phải thay đổi thành Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh để phù hợp với nội dung cũng như phạm vi điều chỉnh.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đồng tình xem xét ban hành luật riêng, vì thực tế việc vận động các hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp đang chưa hiệu quả. Trong khi việc quản lý 5 triệu hộ kinh doanh này là việc lớn, phải có luật để có động lực phát triển.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đề nghị sớm xem xét ban hành luật riêng đối với hộ kinh doanh để tạo sự bình đẳng cho các hộ kinh doanh và nâng cao hiệu quả quản lý.

Mất thêm 3 năm mới xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh

Ở chiều ngược lại, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình), các loại hình được quy định trong luật bao gồm cả pháp nhân và cá nhân, do đó đưa đối tượng hộ kinh doanh vào luật là hoàn toàn phù hợp. Đại biểu cũng đề nghị quy định hộ kinh doanh là doanh nghiệp 1 chủ trong nền kinh tế nước ta.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đưa đối tượng hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp có lợi cho hộ kinh doanh, chứ không cản trở hoạt động của loại hình này.

Bên cạnh đó, việc đưa vào luật cũng khẳng định tính định danh cho loại hình hộ kinh doanh, tạo cơ chế bảo vệ quyền lợi, áp dụng các chương trình hỗ trợ, gỡ bỏ rào cản, vướng mắc trong quản lý các hộ kinh doanh. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ, vấn đề này không làm phát sinh các thủ tục hành chính, đồng thời thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động thành doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, nếu đưa đối tượng hộ kinh doanh vào luật riêng thì sẽ cần ít nhất 3 năm nữa mới xây dựng xong được luật. Do đó, khi nào cần thiết sẽ xây dựng luật trên cơ sở chuyển toàn bộ nội dung được quy định trong Luật Doanh nghiệp sang luật mới.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các đại biểu Quốc hội còn ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) gửi văn bản cho góp ý cho Ban Thư ký. Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp hôm nay, cũng như các ý kiến góp ý gửi về, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban thẩm tra tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.

Công Thọ

Tin khác

Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024

Sáng 13-11, tại Trung tâm hội nghị thành phố, UBND thành phố, Ủy ban MTTQ…

13/11/2024

Tin bão trên biển Đông, cơn bão số 8, cập nhật 11h ngày 13/11/2024

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày…

13/11/2024

Quốc hội chốt chưa tăng lương công chức trong năm 2025

Quốc hội chốt chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo…

13/11/2024

Quy định mới là xử lý trực tiếp phóng viên, Tổng biên tập

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quy định mới bây giờ là xử lý…

12/11/2024

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn

Sáng ngày 12/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các…

12/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More