Đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho Hải Phòng
Theo Tờ trình tóm tắt của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, việc xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù cho Hải Phòng là nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển của TP. Hải Phòng có 5 lĩnh vực, trong đó có việc cho tổ chức nghiên cứu và triển khai xây dựng Khu thương mại tự do ở thành phố này.
Trước đó, ngày 23.8.2021, UBND TP. Hải Phòng đã có đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư về Đề án thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách có tính đột phá, đặc thù cho phát triển TP. Hải Phòng, để Bộ trình Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua và trình Quốc hội để ban hành Nghị quyết.
Theo đó, TP. Hải Phòng đã triển khai xây dựng Đề án thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách mới, có tính đặc thù, đột phá cho phát triển TP. Hải Phòng; Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm Đề án. Đề án gồm 5 nhóm cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố gồm: Cơ chế quản lý phát triển, Cơ chế, chính sách về quản lý đất đai; Cơ chế quản lý về quy hoạch đầu tư, Quản lý tài chính-ngân sách nhà nước và Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý.
Trong các nhóm đề xuất mới lần này, Hải Phòng đề xuất “Tổ chức nghiên cứu, xây dựng Khu thương mại tự do TP. Hải Phòng” trên cơ sở đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay trong nước và quốc tế, đặc biệt các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các Khu thương mai tự do thành công trên thế giới.
Vì sao đề xuất xây Khu thương mại tự do tại Hải Phòng?
Theo Đề án của TP. Hải Phòng, sự cần thiết xây dựng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, đặc thù cho Hải Phòng, là do: Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, có vị trí quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc, là đầu mối giao thông quan trọng với đủ các loại hình giao thông (đường bộ, sắt, cảng hàng không trong nước và quốc tế) và là cửa chính ra biển giao thương với quốc tế của tỉnh phía Bắc, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Để Hải Phòng phát triển, thời gian qua, Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều nghị quyết, cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố này. Tuy nhiên, dù đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhưng trước bối cảnh yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của quá trình hội nhập quốc tế, Hải Phòng vẫn còn một số hạn chế. Vai trò, đóng góp cho cả nước còn dưới mức tiềm năng, lợi thế. Quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa thực sự mạnh, chưa phát huy tốt là cực tăng trưởng mạnh của khu vực kinh tế Bắc Bộ, quy hoạch, đô thị và đất đai còn nhiều hạn chế…
Trong khi đó, Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định sẽ “Xây dựng Hải Phòng trở thành một thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hóa, động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước, ngang tầm với các thành phố Châu Á…”.
Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, đặc thù trong một số lĩnh vực khác so với quy định hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển Hải Phòng là cần thiết, để thành phố có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, phát triển nhanh, bền vững.
Theo tờ trình của Chính phủ, qua nghiên cứu cho thấy, các nước thiết lập ra Khu thương mại tự do như một công cụ chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy và thuận lợi hóa thương mại. Bản chất là xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh trên một khu vực nhất định (thông thường là ở gần cảng biển, cảng hàng không hay khu vực biên giới) với cơ chế chính sách vượt trội thuận lợi, tự do và an toàn hơn, ưu đãi cao hơn so với các phần còn lại của đất nước.
Hiện nay, khu thương mại tự do chưa được áp dụng ở Việt Nam. Việc xây dựng thí điểm khu thương mại tự do ở Hải Phòng là cần thiết vì địa phương này đáp ứng đủ hai yêu cầu. Một là, Hải Phòng có vị trí địa kinh tế, chính trị chiến lược (có cảng biển nước sâu quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, kết nối dễ dàng với khu vực và quốc tế); Hai là, Hải Phòng có “hậu phương công nghiệp” vững vàng, tiềm năng lớn hậu thuẫn phía sau, gồm các KCN và Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải…
Việc xây dựng thí điểm thành công mô hình Khu thương mại tự do tại TP. Hải Phòng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng mô hình thành công này của các nước trên thế giới tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; Tạo động lực khai thác toàn diện tiềm năng, thế mạnh của cảng biển nước sâu cửa ngõ phía Bắc; thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao quy mô kinh tế của thành phố và cả nước.
“Việc đề xuất cho phép nghiên cứu, xây dựng khu thương mại tự do tại TP. Hải Phòng là phù hợp với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong giai đoạn mới và cụ thể hóa mục tiêu, định hướng, chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 45-NQ/TW”, tờ trình của Chính phủ nêu rõ.
Hoàng Hoan
Năm Ất Tỵ 2025 có đến hai tháng 6 và dài tổng cộng 384 ngày.…
Trong tình hình giá bất động sản liên tục biến động, không ít người mua…
Sáng 12-1, Liên minh Hợp tác xã (HTX) thành phố tổ chức hội nghị tổng…
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Khoảng 23 giờ ngày 11/1, trên tuyến đường trục phường Lê Thiện (quận An Dương)…
Ngày 10/1 tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More