Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu với sự đột phá của công nghệ số. Tại Việt Nam, toàn bộ hệ thống chính trị, chính quyền địa phương các cấp đang tập trung đẩy mạnh công cuộc Chuyển đổi số. Có rất nhiều việc cần làm, nhiều vấn đề đang đặt ra, trong đó tắt sóng 2G là việc làm cần thiết nhằm thúc đẩy chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Nhìn lại quá trình phát triển, công nghệ mạng di động phát triển đến nay đã trải qua 5 thế hệ: Thế hệ 1G (1980), công nghệ phát tín hiệu tương tự (Analog), tốc độ 2,4 Kbps (rất thấp); Thế hệ 2G (1990), chuyển sang phát tín hiệu số (Digital), tốc độ 64 Kbps (cao gấp 27 lần so với 1G); Thế hệ 3G (2000), tốc độ từ 2-100 Mbps, truy nhập website thuận tiện, dễ dàng; Thế hệ 4G (2010), tốc độ đạt 2 Gbps, sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone); Thế hệ 5G (2020), tốc độ đạt 20 Gbps (gấp 10 lần 4G), các thiết bị thông minh sẽ được kết nối với nhau. Như vậy trải qua 44 năm, qua 5 thế hệ, công nghệ di động thay đổi rất nhanh, đặc biệt là tốc độ truy nhập mạng (upload/dowload).
Mạng 2G (công nghệ mạng di động 2G) là thế hệ tiếp theo của mạng di động, được ra đời vào năm 1990-1992. Điểm đặc biệt nhất của mạng này là tín hiệu mạng đã được chuyển từ tín hiệu tương tự (Analog) sang tín hiệu số (Digital) và có những ưu điểm như: Cho phép người dùng gọi thoại với tín hiệu đã được mã hóa dưới dạng tín hiệu số (công nghệ 2G này bảo đảm tính bảo mật thông tin); Cho phép người dùng gửi và nhận tin nhắn văn bản (mà công nghệ 1G những năm 1980 không có, chỉ gọi/nghe); Các thiết bị thu/phát được thu nhỏ đi rất nhiều; Tốc độ truyền tải dữ liệu đạt 64 Kbps, tốc độ cao so với công nghệ 1G (2,4Kbs).
Về lý do vì sao phải tắt sóng 2G, việc tắt sóng 2G với mục đích để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia ( sóng 2G không hỗ trợ kết nối Internet). Vì vậy, cần tắt sóng công nghệ cũ để tối ưu hóa vận hành và dành nguồn lực, băng tần cho công nghệ mới.
Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030, đặt mục tiêu phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh tại Việt Nam; Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông tầm nhìn năm 2050, đưa ra định hướng về phát triển hạ tầng viễn thông, trong đó yêu cầu thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ (2G/3G) và Thúc đẩy việc triển khai chương trình “Mỗi người dân một máy điện thoại thông minh” là nội dung quan trọng của phương án phát triển Băng rộng di động đến người sử dụng.
Vì vậy, Việt Nam chọn cách tắt sóng 2G để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước./.
Nguyễn Vũ Long