Print Thứ Bảy, 26/01/2019 17:18

Trong 9 tháng năm 2018, Thanh tra Sở Xây dựng và các quận, huyện kiểm tra 4.306 công trình xây dựng, phát hiện 301 trường hợp vi phạm, giảm 49% so với cùng kỳ năm 2017. Số vụ vi phạm giảm nhưng tính chất vi phạm phức tạp, gây khó khăn công tác quản lý.

Lực lượng chức năng quận Hải An tuyên truyền các hộ tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn phường Thành Tô.

Ảnh: Hoàng Phước

 

Hơn 73% số vi phạm không có giấy phép xây dựng

Đội trưởng Đội Thanh tra hành chính, Thanh tra Sở Xây dựng Vũ Thế Thủy cho biết, trong số các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn có 62 trường hợp sai phép, 221 trường hợp không có giấy phép xây dựng (GPXD) và 18 trường hợp xây dựng trên đất không được phép xây dựng. Số vụ vi phạm giảm 49% so với cùng kỳ năm trước, việc xử lý vi phạm được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn. Thanh tra Sở phối hợp chính quyền các quận, huyện lập biên bản và ban hành 126 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 4,3 tỷ đồng, thu nộp Kho bạc nhà nước hơn 3,4 tỷ đồng. Qua kiểm tra, rà soát công trình vi phạm, đến nay, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện thực hiện bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với 141 công trình; đôn đốc chủ đầu tư, chính quyền địa phương tổ chức tháo dỡ 35 công trình. Các địa phương ban hành 17 quyết định đình chỉ thi công đối với công trình vi phạm khi chủ đầu tư không chấp hành ngừng thi công.

Một số địa phương có số lượng công trình xây dựng vi phạm nhiều như: quận Ngô Quyền có 123 trường hợp vi phạm; quận Hải An có 48 trường hợp vi phạm; huyện Cát Hải có 49 trường hợp vi phạm; An Dương có 21 trường hợp vi phạm. Trong đó, quận Hải An có tốc độ đô thị hóa cao, số công trình xây dựng cao nhất thành phố. Tại địa phương có những vi phạm trật tự xây dựng trên đất quốc phòng ở phường Thành Tô thời gian qua phức tạp, kéo dài. Sau khi được Bộ Quốc phòng bàn giao khu đất này về thành phố quản lý giữa tháng 10 vừa qua, UBND thành phố đang tập trung chỉ đạo quận và các ngành chức năng giải quyết nhằm lập lại trật tự trong hoạt động xây dựng, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Theo ông Vũ Thế Thủy, các vi phạm chủ yếu không có GPXD, với 221 trường hợp trong tổng số 301 trường hợp vi phạm, chiếm hơn 73% số vụ. Nghịch lý là nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân muốn được cấp GPXD nhưng do thửa đất của chủ công trình chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không được cấp GPXD. Phần đông người dân ngại xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian phải đóng nhiều thuế. Quy trình, thủ tục, hồ sơ xin cấp GPXD các công trình lớn, mặt các tuyến phố chính liên quan đến nhiều ngành, trong đó có thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, thẩm định thiết kế, ý kiến của các cơ quan chủ quản đối với công trình liên quan đến quốc phòng, hành lang đê, hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ công trình giao thông, hành lang điện… Do vậy, việc cấp GPXD cần nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Đội trưởng Đội thanh tra hành chính Vũ Thế Thủy cho biết, liên quan tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tái diễn, là bất cập về chính sách, quy định xây dựng, quy hoạch chưa phù hợp thực tế hiện nay, như: Quy định về mật độ xây dựng tại Quy chuẩn 01:2008/BXD của Bộ Xây dựng, theo đó trên diện tích đất 75 m2 chỉ được xây dựng 90%, 100 m2 chỉ được xây dựng 80%… Công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm của chính quyền cấp xã, huyện nhiều nơi còn cả nể, buông lỏng quản lý. Thậm chí, nhiều thửa đất đủ điều kiện xin cấp GPXD hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng khi làm thủ tục, cán bộ được giao nhiệm vụ thụ lý, giải quyết sách nhiễu, tiêu cực, đòi “bôi trơn”, gây bức xúc. Việc không áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình cố tình vi phạm khiến công tác xử lý vi phạm khó khăn.

Theo Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Xuân Mai, để đạt kết quả cao trong quản lý trật tự xây dựng, yếu tố then chốt là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền và cán bộ phụ trách cấp cơ sở. Làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã, phường phụ trách lĩnh vực xây dựng, cán bộ được giao quản lý địa bàn buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, nhưng không xử lý kiên quyết đối với công trình vi phạm.

Cùng với đổi mới hình thức tuyên truyền về pháp luật và xử lý các vụ vi phạm trật tự xây dựng, nhất là trên phương tiện thông tin đại chúng, để nâng cao tính răn đe, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là cấp xã, phường, quận, huyện, phải xác định công tác quản lý trật tự xây dựng là nhiệm vụ quan trọng, rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong công tác này. Sở Xây dựng, Thanh tra Xây dựng kịp thời kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện xử lý vi phạm trật tự xây dựng, tạo chuyển biến, giảm thiểu vi phạm trật tự xây dựng từ cơ sở.


Phạm Lượng – Báo Hải Phòng 24/10/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố: Còn nhiều phức tạp
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác