Bác Nguyễn Văn Tuấn, ở phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền) phản ánh: Thời hội nhập, người dân dần quen với các tấm biển quảng cáo có chèn thêm vài dòng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật… Tuy nhiên, ở nhiều tuyến phố, nhất là phố Văn Cao, các biển quảng cáo dày đặc tiếng nước ngoài. Những chữ viết này in hoa, in đậm, làm đủ cách để tạo ấn tượng với người xem. Trong khi đó, dòng chữ tiếng Việt lại nhỏ, trông “lép vế” đơn điệu, lạc lõng. Đi giữa đường phố Hải Phòng mà ngỡ như lạc phải con phố nào ở Hàn Quốc, Nhật Bản vậy.
Khảo sát thực tế trên tuyến phố Văn Cao thuộc địa phận hai phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền) và phường Cát Bi (quận Hải An), dễ dàng nhận thấy, phản ánh của người dân hoàn toàn có cơ sở. Trên con phố sầm uất này, nhà hàng, quán ăn, các điểm mát-xa, giải trí, các cửa hàng tiện lợi mọc lên san sát. Kèm theo đó là những tấm biển quảng cáo đua nhau khoe sắc, cái nào cũng phải có điểm nhấn độc, lạ để thu hút khách hàng. Trừ một số cửa hàng đồ gỗ hay một số quán hàng nhỏ, hầu hết các tấm biển quảng cáo ở đây đều chi chít những dòng chữ nước ngoài. Tấm biển quảng cáo của Công ty cổ phần thương mại Bách Chang My ở địa chỉ 155 phố Văn Cao có một dòng chữ Hàn rất to chính giữa. Trên cửa kính và hai tấm pano căng dọc quán đều là những dòng chữ tiếng Hàn. Cửa hàng tiện lợi (siêu thị mini) ở địa chỉ 183 phố Văn Cao cũng trương tấm biển rất to với dòng chữ K-mart (tạm hiểu là siêu thị Hàn Quốc) và một dòng chữ tiếng Hàn rồi mới tới 4 chữ cửa hàng tiện lợi bằng tiếng Việt. Một loạt cửa hàng ăn, thời trang Nhật Bản, Hàn Quốc ở các địa chỉ 86, 87, 138 cùng phố đều trưng biển quảng cáo dày đặc chữ tiếng Hàn, Nhật, tiếng Anh. Thậm chí, cửa hàng bán ô mai “Tinh hoa quà Việt” ở địa chỉ số 88 biển quảng cáo cũng dày đặc tiếng Hàn, tiếng Trung. Nhà hàng Hàn Quốc Arirang ở địa chỉ số 191 mới khai trương nhưng hầu hết các dòng chữ, biển hiệu quảng cáo ở các mặt tòa nhà đều là chữ tiếng Hàn. Đặc biệt, tấm băng – giôn thông báo thời gian khai trương cửa hàng căng ngang ngay ngã ba ngõ 193 dày đặc chữ tiếng Hàn và tiếng Anh, không có một dòng tiếng Việt nào. Đây không phải là tấm băng – giôn duy nhất không có chữ tiếng Việt đang được treo trên tuyến phố này.
Ở trên nhiều tuyến phố sầm uất hoạt động kinh doanh buôn bán khác như Lê Lợi (quận Ngô Quyền), Quang Trung, Điện Biên Phủ, Lý Thường Kiệt (quận Hồng Bàng), Trần Nguyên Hãn, Tô Hiệu, Lạch Tray (quận Lê Chân)… cho thấy các biển quảng cáo chèn thêm chữ tiếng nước ngoài cũng diễn ra khá phổ biến. Ngôn ngữ nước ngoài chủ yếu là tiếng Anh, một số biển hiệu chèn thêm chữ tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tại điều 18 Luật Quảng cáo quy định, trừ trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc từ ngữ quốc tế hóa không thể thay thế, các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung được thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp sử dụng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ¾ khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt. Đối chiếu với quy định này, rõ ràng, rất nhiều các biển hiệu quảng cáo vi phạm nhưng vẫn tồn tại năm này qua năm khác.
Trao đổi về tình trạng này, Phó chủ tịch UBND phường Đằng Giang Bùi Thị Thanh Hải cho biết: Biển quảng cáo cửa hàng, cửa hiệu sử dụng ngôn ngữ nước ngoài không đúng quy định trên các tuyến phố, trong đó có phố Văn Cao diễn ra từ khá lâu. Địa phương nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh khắc phục các sai phạm. Đến nay, phần lớn các biển hiệu quảng cáo đều chấp hành quy định đặt dòng chữ tiếng Việt lên trên dòng chữ nước ngoài, nhưng chưa thực hiện đúng quy định về khổ chữ. Tuy nhiên, việc xử lý sai phạm gặp nhiều khó khăn do nhiều chủ cơ sở lách luật, dùng các thủ thuật để đánh bóng, làm nổi các dòng chữ tiếng nước ngoài, át đi dòng chữ tiếng Việt.
Theo đại diện Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với các biển hiệu quảng cáo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc trách nhiệm của các địa phương. Tuy nhiên, khi nhận được phản ánh của người dân, Thanh tra Sở sẽ phối hợp cùng kiểm tra, chấn chỉnh.
Tình trạng sử dụng tiếng nước ngoài trên các biển hiệu quảng cáo không mới. Đặc biệt, trong bối cảnh thành phố ngày càng phát triển, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, thành phố đón rất nhiều người nước ngoài tới sinh sống, làm việc và tham quan, du lịch. Việc sử dụng song song tiếng nước ngoài và tiếng Việt trên các biển hiệu tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt người nước ngoài tại Hải Phòng, đồng thời giúp các cơ sở kinh doanh, nhà hàng dễ dàng tiếp cận nhóm khách hàng này. Tuy nhiên, việc lạm dụng, để tiếng nước ngoài “lấn lướt” tiếng Việt ngay trên những tấm biển hiệu treo ở cửa hàng là trái quy định, gây phản cảm, cần được chấn chỉnh quyết liệt. Vì vậy, Sở Văn hóa – Thể thao, chính quyền các địa phương cần quan tâm, sớm xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn tình trạng trên./.
Bài và ảnh: Thành Lê
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch…
Chiều 26/11, Công an huyện Vĩnh Bảo thông tin, sáng 26/11, khách hàng Nguyễn Quốc…
Chiều 26/11, tại Hải Phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) phối hợp UBND…
Thuộc khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia - Techfest Việt Nam…
Sáng 26/11, UBND quận Ngô Quyền tổ chức Hội nghị trao Quyết định giao đất…
Thuộc khuôn khổ Techfest Việt Nam 2024, sáng 26-11, tại khách sạn Pullman, Hiệp hội…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More