Mua bán, chuyển nhượng đất không sổ đỏ có thể bị phạt tiền tới 100 triệu đồng.
Mua bán, chuyển nhượng đất không có sổ đỏ có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, theo quy định tại Nghị định 123/2024/NĐ-CP.
Cụ thể, Nghị định 123/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Đất đai quy định mức phạt nghiêm khắc đối với hành vi chuyển nhượng đất không có giấy tờ hợp pháp. Căn cứ vào tính chất và đối tượng vi phạm, mức phạt được phân chia như sau:
Đối với cá nhân vi phạm: Phạt tiền từ 30.000.000 đến 50.000.000 đồng.
Đối với tổ chức vi phạm: Phạt tiền từ 60.000.000 đến 100.000.000 đồng.
Nghị định 123/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 04.10.2024, thay thế cho Nghị định 91/2019/NĐ-CP trước đó. Quy định này nhằm tăng cường tính răn đe, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và đảm bảo trật tự trong quản lý đất đai.
Việc giao dịch đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua, bao gồm nguy cơ mất trắng tài sản, tranh chấp pháp lý hoặc không được pháp luật công nhận quyền sử dụng đất. Chính vì vậy, người dân cần cẩn trọng, chỉ thực hiện giao dịch đất đai khi có đầy đủ giấy tờ hợp pháp.
Để tránh vi phạm, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên kiểm tra kỹ tính pháp lý của mảnh đất, liên hệ cơ quan chức năng để xác minh thông tin, và thực hiện giao dịch tại các văn phòng công chứng hoặc cơ quan thẩm quyền.
Nghị định 123/2024/NĐ-CP không chỉ đưa ra mức phạt nặng mà còn thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc nâng cao ý thức pháp luật về đất đai. Các hành vi vi phạm, bao gồm phân lô bán nền trái phép, lấn chiếm đất công hoặc chuyển nhượng đất không hợp pháp, đều sẽ bị xử lý nghiêm.
Người dân cần chủ động tìm hiểu quy định pháp luật, đảm bảo các giao dịch đất đai được thực hiện đúng quy trình và hợp pháp, nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình và góp phần xây dựng một thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.
Trao đổi với PV Lao Động, Luật sư Trương Anh Tú (Công ty Luật TAT Law Firrm) cho biết: “Ngoài phạt tiền, bên vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục như khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất; Buộc nộp lại toàn bộ số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Việc chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Do đó, trước khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, người sử dụng đất cần hoàn thiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xin phép cơ quan có thẩm quyền theo quy định“.
Phương Anh