Cùng với Tiên Lãng, Vĩnh Bảo là 1 trong 2 địa phương có truyền thống trồng thuốc lào cũng như có diện tích thuốc lào lớn nhất thành phố. Nếu xứ Tiên có thương hiệu “thuốc lào tiến vua” nổi tiếng khắp cả nước, người dân Vĩnh Bảo cũng tự hào chẳng kém với loại thuốc lào nổi tiếng êm say được trồng tại xã Lý Học, nơi có Đền thờ Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm…
Về quê Trạng một sớm đầu tháng 4, bầu không khí trong lành thấm đẫm hơi sương thoảng vị nồng nồng, ngái ngái đặc trưng của lá thuốc lào tươi. Đây là thời điểm người trồng thuốc lào chuẩn bị vào mùa thu hoạch mới sau bao vất vả “một nắng hai sương” ươm trồng, chăm sóc cây. Trên các cánh đồng chung quanh Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, các thửa ruộng thuốc lào nối tiếp nhau trải dài ngút tầm mắt. Bên những luống thuốc lào xếp hàng đều tăm tắp cao gần quá đầu người, thấp thoáng bóng người lúi húi làm cỏ, tỉa lá úa. Thi thoảng, bắt gặp những bông hoa thuốc lào vượt hẳn lên như chú cò trắng vươn cao chiếc cổ dài kiếm tìm tôm tép.
Trên cánh đồng bạt ngàn thuốc lào ở thôn Tiền Am (xã Lý Học), chúng tôi gặp bà Đỗ Thị A đang chăm sóc cây thuốc lào ruộng nhà. Chỉ vào những đóa hoa nhỏ xíu, trắng muốt, bà A cho biết, trong rất nhiều giống thuốc lào, người dân nơi đây chủ yếu trồng giống ré đen. Mặc dù năng suất không cao bằng một số giống khác, nhưng giống thuốc lào này cho hương vị đậm đà, hút êm say. Bao đời nay, để tự chủ nguồn giống cho những vụ sau, trước thời điểm thu hoạch (từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 âm lịch), khi cây ra khoảng 20 lá, người trồng ngắt ngọn để cây tập trung chất dinh dưỡng vào lá, chọn cây to khỏe để lại phần ngọn ra hoa, đậu quả lấy hạt. Mỗi cây giống cung cấp đủ hạt để gieo trồng khoảng 3 sào. Vì thế, mỗi nhà chỉ cần để 5-7 cây làm giống là đủ.
Đầu tháng 10 âm lịch, hạt giống được ươm để đầu tháng 11 đem trồng. Sau hơn 5 tháng “một sương, hai nắng” chăm sóc, đến kỳ thu hoạch. Dù vất vả, chi phí cao hơn, nhưng bù lại, trồng thuốc lào đem lại thu nhập cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. Được mùa, mỗi sào cho 50-60 kg thuốc với giá bán trung bình 200 đến 250 nghìn đồng/kg. Những chân ruộng đặc biệt cho loại thuốc hạng nhất, giá bán lên tới 400-500 nghìn đồng/kg, thậm chí hơn 1 triệu đồng/kg. Năm nào được mùa, được giá, thu nhập từ 1 sào thuốc lào bằng 5-7 sào lúa, còn mất mùa, giá thấp, cũng gấp 2-3 lần cấy lúa. Vì thế, bao đời nay, người dân nơi đây gắn bó, “ăn đời ở kiếp” với cây thuốc lào. Cùng với lúa, thuốc lào là cây trồng chủ lực của xã, huyện. Vụ xuân năm 2021, 80% số hộ dân xã Lý Học trồng thuốc lào với diện tích hơn 100 ha. Toàn huyện Vĩnh Bảo, trong số hơn 2.450 ha cây trồng vụ xuân của huyện Vĩnh Bảo (ngoài lúa), có tới hơn 700 ha trồng thuốc lào.
Để có thuốc lào ngon, người trồng thuốc lào xã Lý Học nói riêng, huyện Vĩnh Bảo nói chung rất cẩn thận từ khâu chọn giống, xem chân ruộng, chăm sóc đến thu hoạch, chế biến và bảo quản. Thuốc lào tuy dễ trồng nhưng kén đất. Không phải chân ruộng nào cũng cho thuốc ngon. Ruộng phải cao, đất thịt phải có độ chua phù hợp.
Những chân ruộng đất cát, ngọt, thuốc lào thường có vị nồng (nóng), khó hút. Trước kia, người trồng thuốc lào bắt rầy bằng cơm nếp giã dẻo nắm thành nắm rồi lăn trên lá nhiễm rầy, bắt sâu đục thân bằng tay mây. Giờ thay bằng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng trước khi thu hoạch khoảng 1 tháng, dù ruộng có bị sâu bệnh đến mấy, họ cũng không dùng để bảo đảm sức khỏe cho người dùng mà trước hết là bản thân, gia đình. Những công đoạn quan trọng nhất để tạo ra loại thuốc lào ngon được người dân nơi đây trân trọng gìn giữ. Lá thuốc lào sau khi hái được cuốn chặt thành từng bó to cỡ bắp chân người trưởng thành rồi ủ trước khi thái. Trước khi thu hoạch, nếu gặp trời mưa, thời gian ủ thuốc khoảng 3-4 đêm. Nếu nắng gắt, phải ủ liên tục 5-6 đêm thuốc mới lên màu cánh gián đẹp mắt, khi hút vào êm say. Sau khi thái, dùng tay đánh tơi sợi thuốc rồi bày ra mẹt phơi 5-6 nắng. Trời mưa, làm sàn đặt lên, dùng rơm đốt đuổi từ trong ra ngoài để thuốc khô.
Trước đây, người dân quê Trạng chủ yếu dùng mẹt để phơi thuốc lào. Nay, họ chuyển sang dùng phên thuận tiện hơn. Khác nhiều vùng thuốc lào khác dùng phương pháp “hồ” để tăng hương vị đậm đà cho thuốc lào, người dân Vĩnh Bảo chủ yếu để thuốc lào “mộc” theo truyền thống cha ông. Không chỉ là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, thuốc lào trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân quê Trạng. Ngoài tên thuốc lào, loài cây này còn được gọi với tên khác đầy mỹ miều là “cỏ tương tư” (cỏ thương nhớ). Bởi, nếu trót quen, gắn bó, chỉ cần vài ngày không được thưởng thức khói thuốc lào là ruột gan cồn cào, tâm trí rối bời chẳng khác gì… nhớ người yêu. Vì thế, người dân nơi đây, từ trẻ nhỏ đến cụ già 80-90 tuổi, ai ai cũng nằm lòng câu ca: “Thuốc lào chồng hút vợ say/ Thằng con châm điếu lăn quay ra nhà/ Có anh hàng xóm đi qua/ Hít phải khói thuốc say ba bốn tuần…”. Trong miếng trầu ăn hằng ngày, các chị, các cô, các mẹ, các bà nơi đây thường véo thêm vài sợi thuốc lào cho vị trầu thêm đậm đà, để đôi môi thêm thắm, hàm răng thêm chắc khỏe. Còn với cánh mày râu, chẳng gì thú hơn sau mỗi buổi làm đồng vất vả, bên ấm chè đặc, cùng nhau thưởng thức hơi thuốc lào, bao muộn phiền, mệt nhọc dường như tan biến.
Từ quê Trạng, những bịch, những gói, những bao, những chuyến xe ô tô tải lèn chặt thuốc lào theo chân thương lái vào Nam, ra Bắc. Đến đâu, “cỏ tương tư” cũng được nồng nhiệt đón chào. Rồi cứ đến cuối tháng 3, đầu tháng 4, khi hơi lạnh theo làn gió xuân muộn ùa về các cánh đồng, hay tháng 5, tháng 6, khi nắng hè bắt đầu gay gắt, các tuyến đường quê Trạng lại nườm nượp bước chân du khách gần xa. Trong đó, nhiều người tìm về theo thói quen chỉ để đắm mình trong bầu không khí quê hương trong lành, thưởng thức hương thơm của hoa, của lá tươi, của những mẻ thuốc lào mới thái bày ra phên, ra mẹt phơi kín dọc các lối đi…/.
THÁI PHAN. ẢNH: PHAN TUẤN