Print Thứ Hai, 03/05/2021 07:43 Gốc

Về Đồ Sơn, nếu thấy một ngư dân ôm khư khư cái bụng bự từ biển bước lên thì chắc chắn bên trong là loại sản vật quý giá tìm được từ biển khơi mà dù dành cả ngày ngụp lặn dưới biển vất vả đến đâu, ngư dân vẫn vui mừng nhờ trúng “lộc biển”.

Những ngày này, tại nhiều khu vực bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng) đang nhộn nhịp khung cảnh hàng trăm ngư dân từ già đến trẻ đua nhau câu còng, đánh hầu và… bắt quéo.

Ngày nước cạn, ngư dân làng biển ngụp lặn đánh bắt hải sản ngay tại bãi đá gần bãi biển khu 2 Đồ Sơn (Hải Phòng).

Ở Đồ Sơn, quéo (tên gọi địa phương của loài vẹm xanh) thường sinh sống ở những vùng bãi đá gần mép nước. Quéo là loài nhuyễn thể chỉ sinh sống tự nhiên, tập trung nhiều nhất là ở những bãi đá ngập nước quanh năm.

Theo kinh nghiệm của ngư dân, càng ở những khe đá xa bờ, quéo càng to và đầy mình.

Để đánh bắt những loài nhuyễn thể sinh sống ở những cồn đá này, ngư dân phải chờ những ngày nước ròng, đây là những ngày trong tháng mà theo lịch thủy triều là những thời điểm nước cạn sâu, trơ những bãi đá. Khi ấy, những thợ lặn mới có thể ra xa bờ đánh bắt được. Lẽ đơn giản, bãi đá xa bờ ẩn chứa những chùm quéo to, đầy mình thay vì những con quéo bé ở dọc khe đá sát bờ.

Trong lúc bắt những chùm quéo bám vào bờ đá, người dân cũng có thể thu hoạch được một số loài nhuyễn thể khác như hầu bạ.
Con quéo ở những kè đá gần bờ bám đầy phù sa cần đãi rửa sạch.

Dụng cụ đánh quéo khá đơn giản, những thợ lặn thường trang bị “bảo hộ” là bộ quần áo dài tay, giầy vải, găng tay và 1 cái đục. Đi nhiều, kinh nghiệm cũng nhiều hơn, những thợ lặn thường mặc thêm một cái áo phông bên ngoài rồi thắt chặt ở thắt lưng để tiện đựng quéo mỗi khi lặn xong, khi “đầy bụng” mới lên bờ đổ quéo ra để đánh bắt tiếp.

Niềm vui được mùa của người ngư dân.
Quéo đánh bắt được xa bờ sạch hơn, có thể đóng vào bao, chuyển vào bờ để về bán.

Con quéo bám thành từng chùm vào bờ đá. Ngư dân có kinh nghiệm khi phát hiện ra quéo có thể nhẹ nhàng gỡ được cả chùm đang ngậm rong rêu ra khỏi đá. Chùm lớn có thể tới hàng chục con, chùm nhỏ cũng vài ba con.

Mặc dù phương thức đánh bắt tương đối vất vả (phải ngâm mình nhiều giờ đồng hồ trong nước) nhưng người ngư dân tỏ ra không hề mệt mỏi, đều đặn cứ sau khoảng 30-40 phút ngư dân lại lên bờ đổ quéo, mà theo cách gọi đùa của họ là một lần “đẻ“. Một buổi xuống biển cỡ chừng chục lần lên bờ, xuống biển như vậy là túi cũng đầy.

Một ngư dân mắc kẹt với cái “bụng bầu” quá lớn.
Vẹm xanh được người dân địa phương gọi là quéo chỉ có trong tự nhiên.

Nghề “đầu đội đất, chân đạp trời” (cách người ngư dân miêu tả hình ảnh mỗi khi lặn xuống để vặn con quéo) chỉ diễn ra trong khoảng 2-3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm). Đây là giai đoạn quéo trưởng thành với kích thước lớn, nước vừa đủ ấm áp để xuống biển. Mùa đông sẽ khó đánh bắt vì nước lạnh, khó lặn.

Những ngư dân có kinh nghiệm biết được địa thế những hang đá, khu vực quéo sinh sống nhiều. Có sức khỏe, người ngư dân lặn được sâu, được xa, sẽ bắt được nhiều, quéo cũng to hơn. Nhưng nếu không lặn sâu dược, chờ nước rút sâu mà bám theo các kè đá vào đúng mùa vụ cũng có thể bắt được quéo. Bởi thế, những phụ nữ đi đánh hầu, câu còng cũng tranh thủ đánh bắt vào vụ mùa bắt quéo ở Đồ Sơn.

Mỗi năm 2 – 3 tháng thu hoạch nhưng loài quéo đang mang lại giá trị kinh tế rất lớn cho người dân địa phương.

Theo ông Hoàng Đình Bồng, ngư dân nhiều kinh nghiệm ở phường Hải Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng: Những ngày này, trung bình một thợ lặn có thể đánh bắt được 30-40kg/buổi. Với những người có sức khỏe, lặn tốt, biết địa hình, có thể đánh bắt tới 50kg/buổi.

Những ngày đúng vụ như thế này, giá quéo tại chợ Đồ Sơn từ khoảng 20.000-40.000 đồng/kg (tùy theo kích cỡ to nhỏ). Cũng có những thời điểm được giá khi đông khách du lịch, giá quéo lên tới 70.000-80.000 đồng/kg. Vì vậy, chuyện ngày kiếm cả tiền triệu sau khoảng 5-6 tiếng lặn bắt quéo cũng là không hiếm. Người ngư dân miệt mài bắt quéo đến khi nào nước lên mới thôi.

Quanh năm bám biển, mùa nào thức nấy, mỗi người dân ở biển vẫn sẽ tìm ra cách mưu sinh cho mình.

Ruột quéo sau khi chế biến sẽ có màu nâu vàng, vị béo ngậy, thơm ngon. Cùng với giá trị dinh dưỡng cao, quéo Đồ Sơn ngày càng được khách du lịch ưa thích.

Xem clip người ngư dân Đồ Sơn say mê lặn bắt “lộc biển”:

Quanh năm bám biển, mùa nào thức ấy, mỗi người dân ở biển vẫn sẽ tìm ra cách mưu sinh cho mình. “Kho báu từ đại dương” trong đó có loài quéo luôn là điều bất ngờ mà tự nhiên dành tặng con người biết gìn giữ môi trường sinh thái đồng hành cùng sự phát triển kinh tế, du lịch của mỗi người dân vùng biển.

Loài quéo có vỏ màu xanh chứa trong mình rất nhiều dưỡng chất.

Theo một số tài liệu y học, vẹm xanh (green mussels) là loài trai có hai mảnh vỏ, thường được tìm thấy ở vùng biển châu Á-Thái Bình Dương. Vẹm xanh được xem là một trong những loài hải sản bổ dưỡng nhất bởi nó rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là sắt, protein, các vitamin, khoáng chất và Omega-3, bên cạnh đó vẹm lại còn chứa ít chất béo, calories và cholesterol, giúp hạn chế nguy cơ bệnh tim mạch, mỡ máu tăng cường hoạt động não bộ, giúp chống lại bệnh Azheimer và làm chậm quá trình mất trí nhớ ở người cao tuổi, đặc biệt là giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp như bệnh viêm xương khớp, thấp khớp, loãng xương, thoái hóa khớp.

Theo sách Tuệ Tĩnh: “Má dao-con vẹm vị cay tính hàn không độc, tác dụng lợi thủy tiêu đàm, trị bướu, tiểu ra sỏi, bạch đới và chứng nóng ngoài da”. Vẹm xanh rất tốt với người đau nhức xương khớp, tiểu buốt, dắt, tiểu ra sỏi, phù thũng, ho khan, đàm nhiệt kết tụ, bướu cổ, phụ nữ ra nhiều khí hư, người da nóng khô sần lở ngứa và các chứng liên quan đến thấp nhiệt.

Bài, ảnh, clip: L. Sơn/Báo Tin tức

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Về Đồ Sơn xem đàn ông bắt quéo ‘mang bầu’
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác