Lênh đênh trên những con thuyền nhỏ trôi nhẹ nhàng trên đầm Áng Dài, đắm mình trong sắc xanh ngút ngàn của cây sú, cây bần vươn cao trong nắng vàng rực rỡ của hàng nghìn ha rừng ngập mặn của xã Phù Long, hay thư thái với những vòng xe quay đều, hít thở căng lồng ngực tràn ngập hương thơm của lúa khi về với làng Việt Hải, huyện Cát Hải. Đó là chính là những điều làm nên sức hút không thể dứt của những miền quê “đáng sống” này đối với những ai đã có cơ hội đến đây dù chỉ là một lần. Và đó chính là kết quả của một “chuyện tình” đẹp, một lối “ứng xử văn minh” giữa con người đối với biển, với rừng và mảnh đất quê hương…
Du khách đi thăm rừng ngập mặn tại xã Phù Long, Cát Hải
Nhiều du khách đến với xã Phù Long, Cát Hải, coi việc được tự tay trồng thêm 1 cây bần, cây sú trong những khu rừng ngập mặn như được hưởng sự “đặc ân”.
Lý do không phải bởi họ được hưởng chút lợi ích trả công mà thấy hạnh phúc khi được góp sức mình xây dựng nên “bức tường xanh” vững vàng trước sóng, trước gió, trước biển khơi bao la.
Mỗi ngày, người dân nơi đây đều đội nón lá, chèo thuyền đưa khách du lịch chạy giữa những tán rừng ngập mặn xanh ngăn ngắt mà họ đã dày công trồng rừng, bảo vệ bao năm nay; chiêm ngưỡng đầm Áng Dài tuyệt đẹp và tự tay trồng từng cây sú, cây bần.
Họ tự hào giới thiệu về vẻ đẹp kì diệu thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này như hang động kì thú Mả Treo, động Thiên Long, những bãi Giai, bến Đầu Voi cùng nhiều sản vật từ rừng, từ biển…
Sinh ra từ một vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Bà, lại là xã thuần nông với nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản nên đời sống người dân nơi đây không những khó khăn, mà còn thường phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại về tài sản, tính mạng nơi đầu sóng ngọn gió.
Nhưng từ năm 2012, mô hình du lịch cộng đồng được hình thành và phát triển thì không chỉ giúp bà con tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ môi trường.
Anh Vũ Hồng Hưng, Tổ trưởng Tổ Du lịch sinh thái cộng đồng xã Phù Long, huyện Cát Hải chia sẻ: Tổ Du lịch sinh thái cộng đồng xã Phù Long được hình thành từ năm 2012, đến nay có 10 hộ dân tham gia kinh doanh các dịch vụ lưu trú, ăn uống, đưa đón. Với mô hình này, người dân Phù Long đã xác định đây là một trong những nguồn thu nhập chính với phương châm “Phát triển để bảo tồn, bảo tồn để phát triển”.
Du khách đến với Phù Long sẽ được nghỉ ở những căn nhà đủ kiểu từ ba gian lợp ngói nam, nhà ống, nhà gỗ, được nghe sóng biển hát ru và gió biển chờ hầu quạt, được thưởng thức các món ăn dân dã từ sản vật địa phương như canh hà nấu chua, bông thùa xào rau cần, cua đá rang lá lốt, phi phi hấp chấm nước…
Những kỷ niệm khó quên đối với du khách đến nơi này bởi còn được trải nghiệm lý thú khi đánh lưới bắt cá ở các bãi Giai, bến Đầu Voi, sông lạch Cái Viềng, cào ngao, bắt sò hái quả rừng, trồng cây trong rừng ngập mặn…
Còn trong suốt hành trình của tour, du khách sẽ được ngồi xuồng chạy giữa những tán rừng ngập mặn; chiêm ngưỡng đầm Áng Dài duyên dáng, hiền hòa và chờ gặp “những người bạn” voọc đầu trắng nằm trong Sách đỏ; thăm các hang động kì thú như hang Mả Treo, động Thiên Long…
“Những lợi ích của hình thức kinh doanh du lịch cộng đồng không chỉ làm thay đổi cuộc sống người dân nơi đây, mà còn có những đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền bảo vệ môi trường, trồng cây bảo vệ rừng ngập mặn. Đó cũng chính là tình cảm của người dân đối với mảnh đất quê hương, là cách ứng xử văn minh mà những người làm du lịch như các anh nên làm và cần làm”. Anh Hưng chia sẻ thêm.
Mô hình du lịch cộng đồng tại xã Việt Hải
Nằm yên bình trong một thung lũng thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Bà, cách trung tâm huyện Cát Hải khoảng 15 km đường biển, xã Việt Hải với không gian văn hóa đậm nét đẹp nguyên sơ của làng quê Bắc bộ cũng là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài, ưa thích loại hình du lịch trải nghiệm, gắn với cuộc sống sinh hoạt của người dân bản địa.
Đến với Việt Hải, du khách được ở trong khu nghỉ dưỡng Homestay với lối thiết kế theo kiểu nhà tranh tre, mái lứa, được khám phá, trải nghiệm các tour du lịch sinh thái đường biển Bến Bèo-vịnh Lan Hạ-Việt Hải; trèo thuyền kyak tại cửa vào Việt Hải; tour khám phá xuyên rừng quốc gia Cát Bà-Việt Hải, kết nối trải nghiệm nghỉ dưỡng, trải nghiệm lao động cùng cộng đồng theo phương thức truyền thống như: cùng làm vườn, cày ruộng, xay lúa, giã gạo, câu cá suối, đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ…
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã lên kế hoạch hỗ trợ người dân trong việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, tăng cường áp dụng khoa học kĩ thuật, tạo dựng thương hiệu cho những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Việt Hải như: Khoai sọ Mún ốc, khoai Lang, rau cái Khe, cá suối, ếch đồng, gà đồi…nhằm đang dạng hóa các các sản phẩm phục vụ khách du lịch.
Đặc biệt trong thời gian tới, tiếp tục đấy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện Bộ quy tắc Ứng xử văn minh du lịch, giúp bà con nâng cao nhận thức, giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp.
Anh Soraw, 1 du khách người Ấn Độ đã vô cùng thích thú sau một chuyến du lịch trải nghiệm tại Việt Hải: “Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, không gian làng quê thanh bình, đậm chất văn hóa Việt Nam, khí hậu trong sạch mát lành, con người hiền hòa, dễ mến, tất cả thật quá tuyệt vời, tôi rất yêu nơi này”.
Có thể nói mô hình du lịch cộng đồng gắn với ứng xử văn minh, bảo vệ môi trường ở Phù Long và Việt Hải đã bổ sung vào sự đa dạng các hoạt động du lịch ở Cát Bà nói riêng và du lịch Hải Phòng nói chung, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch bền vững.
Xuân Hạ – An ninh Hải Phòng 05/09/2018
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Viettel tri ân khách hàng sử dụng…
Sáng 9/1, đồng chí Đào Khánh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng…
Sáng 9-1, Đoàn Bộ Ngoại giao, Hội nhập khu vực và Kiều dân nước Cộng…
Đã có những thông tin tương đối cụ thể về hướng tuyến và vị trí…
UBND thành phố vừa có Quyết định 18/QĐ-UBND chuyển 310 thôn thành 310 tổ dân…
Chiều 8/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường tiếp Đoàn đại biểu…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More