Print Thứ Tư, 13/11/2019 08:41

Cơn bão tín dụng đen đang càn quét và gây ra những hệ lụy rất lớn tới đời sống của người dân. Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của mình đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp tích cực, song tình trạng này vẫn tồn tại. Mới đây, Công an TP.Hải Phòng vừa tạm giữ hình sự 7 đối tượng cho vay 50 triệu đồng mà siết nợ lên tới 1,3 tỷ đồng là một ví dụ điển hình.

Các đối tượng bị tạm giữ liên quan đến việc cho vay 50 triệu siết nợ 1,3 tỷ đồng tại Hải Phòng (Ảnh: P.V)

Tín dụng đen là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất do pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Hoạt động của tín dụng đen có thể gắn với hoạt động của tội phạm có tổ chức và núp dưới các vỏ bọc là cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cơ sở kinh doanh tài chính, doanh nghiệp, công ty được cấp phép hoặc không phép.

Ngoài ra, đối tượng cho vay tín dụng đen con sử dụng hình thức chơi hụi họ, phường, kinh doanh đa cấp, sử dụng ứng dụng di động, cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng (P2P)… để mời chào người vay vốn với lãi suất cao. Thậm chí tín dụng đen còn xuất hiện ngay trong những xới bạc mà lực lượng công an đã từng triệt phá.

“Đầu ra” của tín dụng đen rất đa dạng. Đó là sinh viên, học sinh, người kinh doanh nhỏ lẻ, công chức và cả gái mại dâm, dân cờ bạc lô đề, cá độ, buôn lậu, buôn hàng cấm, cò mồi bất động sản, người dân cần tiền cấp bách để chi tiêu…

Ngân hàng bơm tín dụng “đỏ”, hạn chế tín dụng đen

Tại nhiều Hội nghị của ngành ngân hàng nhằm tìm giải pháp hạn chế tín dụng đen, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú thừa nhận, thời gian qua, tín dụng đen đã gây ra những hệ lụy rất lớn tới đời sống của người dân.

Vì vậy, nhằm hạn chế tín dụng đen đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là người nghèo/người thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, NHNN trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của mình đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp tích cực.

Cụ thể, NHNN đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phù hợp với thực tiễn; ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, sau đó là Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và gần đây nhất là Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7.9.2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với nhiều cơ chế ưu đãi đột phá.

NHNN cũng đã rà soát sửa đổi các quy định về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống để tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng các sản phẩm, kênh cho vay phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với các tổ chức tổ chức vi mô và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, phát huy vai trò quan trọng trong việc gia tăng mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng ; đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay cho các đối tượng xã hội đen cho vay nặng lãi.

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của NHNN, Agribank đã tích cực triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày. Ngân hàng Chính sách xã hội – ngân hàng của người nghèo cũng đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo…

Ngân hàng bơm tín dụng “đỏ”, hạn chế tín dụng đen

Kết quả, đến ngày 30/9/2019, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Đến tháng 8/2019, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 24,26% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 13,92%, chiếm 20,69%;

6 tháng đầu năm 2019, đã có trên 272 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã được tổ chức trên toàn quốc, doanh số giải ngân cho vay mới gần 517.000 tỷ đồng cho gần 118.000 doanh nghiệp và một số khách hàng khác; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ) đối với trên 8.540 doanh nghiệp và một số khách hàng khác với dư nợ trên 2.700 tỷ đồng và thực hiện các hình thức hỗ trợ khác (điều chỉnh giảm lãi suất, giảm phí,..) trên dư nợ 102.000 tỷ đồng cho gần 2.400 doanh nghiệp và một số khách hàng khác.

Những con số này là một minh chứng cho thấy những chính sách của NHNN thời gian qua đã phần nào phát huy tác dụng. Nhiều lãnh đạo chính quyền địa phương trên cả nước cũng phải thừa nhận, nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của ngành ngân hàng số vụ tín dụng đen trên địa bàn đã giảm đáng kể so với trước đây.

Xử lý nghiêm của người vay và người cho vay

Các ngân hàng triển khai rất tốt chương trình vay vốn, tăng khả năng tiếp cận cho người dân, nhưng vì sao tín dụng đen tồn tại?

Lý giải về vấn đề này, đại diện một lãnh đạo ngân hàng khẳng định, hầu hết những vụ tín dụng đen xảy ra trong thời gian gần đây đều liên quan đến những nhu cầu vay không chính đáng. Mới đây nhất  là 1 vụ việc xảy ra tại Hải Phòng liên quan đến việc một người dân vay 50 triệu, bị siết nợ lên tới hơn 1 tỷ đồng

“Nói về sự việc này, chúng ta không thể nhìn vào hiện tượng sự việc mà cần phải nhìn đúng vào bản chất,. Câu hỏi đặt ra là, nạn nhân vay 50 triệu để làm gì, chắc chắn là mục đích không đàng hoàng mà là mục đích mờ ám. Xin khẳng định luôn như thế. Bởi không ai có mục đích đàng hoàng mà chấp nhận vay với lãi suất cắt cổ hàng trăm hàng nghìn phần trăm như thế.

Chưa kể, mức lãi suất cao như thế thì chỉ cần văn hóa lớp một thôi cũng có thể hiểu được những rủi ro xảy ra nếu vay theo hình thức này. Làm sao có chuyện vay với mục đích chính đáng mà phải chấp nhận vay 50 triệu rồi phải trả cả tỷ đồng. Nghe đã thấy vô lý rồi, điều này là không chấp nhận được”.

Còn nhớ, tại phiên chất vấn Quốc hội diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay tội phạm đã lợi dụng quan hệ dân sự – kinh tế giữa người vay và người đi vay để tiến hành hoạt động tội phạm. Theo Bộ trưởng, người đi vay có dấu hiệu liên quan đến hoạt động tội phạm. Bởi nếu sản xuất kinh doanh bình thường thì rất khó có điều kiện, đủ điều kiện kinh doanh trả lãi cao lên tới 300%.

“Người đi vay cũng có mục tiêu để vi phạm pháp luật không lành mạnh như: Cờ bạc, buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại, hoặc lừa đảo. Những người cho vay đằng sau là những tổ chức tội phạm, đằng sau bản thân cũng là đối tượng hình sự, nếu không thì cũng nuôi, chăm sóc đối tượng hình sự để phục vụ cho tín dụng đen của mình. Tín dụng đen là giới hạn phạm vi của tội phạm hình sự. Từ quan hệ dân sự, diễn biến trở thành quan hệ hình sự. Từ người vay và cho vay đều có dấu hiệu của tội phạm”, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đề cập

Đặt trong bối cảnh này, ngành ngân hàng với vai trò là trung gian tài chính chỉ giải quyết nhu cầu tiêu dùng chính đáng. Những đối tượng vay tiền sử dụng không có mục đích chính đáng sẽ không có chính sách hỗ trợ. Chính vì vậy, tín dụng đen đâu đó vẫn tồn tại.

Cũng phải nói thêm rằng, để góp phần hạn chế tín dụng đen nhất là tại địa bàn nông thôn, một mình ngành ngân hàng không thể giải quyết được nếu không có sự tham gia đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội để đạt được hiệu quả cao nhất nhằm ngăn chặn tín dụng đen.

Do đó, cũng đã không ít lần, NHNN đề xuất, về phía Bộ Công an, cần tăng cường trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm minh đối tượng tín dụng đen bất hợp pháp các tổ chức đòi nợ thuê tín dụng đen, thông qua lực lượng Công an cơ sở tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại tín dụng đen.

Với những sự việc như vừa xảy ra tại đất cảng Hải Phòng, có những ý kiến cho rằng cần phải xử nghiêm người cho vay.  Kể cả xử lý người vay để có tính răn đe. Có như thế mới hy vọng đẩy lùi được tín dụng đen.

Nguồn. Dân Việt

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Vay 50 triệu siết nợ 1,3 tỷ: Bơm tín dụng “đỏ”, sao tín dụng đen vẫn tồn tại?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác