Print Thứ Bảy, 26/01/2019 21:33

Hằng năm, cứ đến rằm tháng tám, phố phường lại rộn ràng với đèn ông sao, đèn cá chép cùng tiếng trống lân rộn ràng.Thế nhưng với những em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn, có được niềm vui giản dị ấy không hề dễ dàng. Vì vậy chỉ cần một món quà nhỏ, một cử chỉ yêu thương của những “người lạ” cũng đủ khiến cho vầng trăng trong các em trở nên tròn đầy…

Những vầng trăng chưa tròn

Đầu tháng, chuông điện thoại reo vang, Phó giám đốc BHXH quận Hồng Bàng Phạm Thị Ngọc Minh thông báo: “Bên em có chương trình đi thăm, tặng quà một số trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn BHXH quận nhân dịp Tết Trung thu. Chị đi cùng chúng em thăm các con nhé!”.

Sau nhiều lần lên lịch, chờ nhà trường sắp xếp, cuối cùng vào một chiều trung tuần tháng 9, chúng tôi có dịp đến tận nơi để thăm những hoàn cảnh đặc biệt này.

Đoàn thanh niên BHXH quận Hồng Bàng thăm, tặng quà gia đình em Trương Tấn Phát

Gia đình Trương Tấn Phát, học sinh lớp 3C4, ở Cao Thắng, là địa chỉ đầu tiên mà chúng tôi tới thăm. 3 thế hệ, 9 con người với 3 gia đình chen chúc trong căn hộ gần 30m2 nên đồ đạc phải xếp chồng xếp lớp. Mọi sinh hoạt cá nhân của các gia đình được ngăn cách bởi tấm màn mà mỗi khi có gió thổi qua lại cuốn bay như cánh buồm no gió.

Mẹ của Phát, chị Hoàng Ánh Hồng cho biết, gia đình chị thuộc hộ nghèo của phường. Cách đây 6 năm, chồng chị bị tai nạn điện giật bỏ mẹ con chị khi Phát mới tròn 3 tuổi. Mọi lo toan, vất vả của gánh nặng gia đình giờ đây dồn cả lên vai người phụ nữ nhỏ bé phải chăm 2 đứa con nhỏ và người mẹ bị bệnh thần kinh không tự chủ được việc sinh hoạt.

Chị Hồng tâm sự: “Nhiều lúc tôi cũng muốn đi làm công nhân ở khu công nghiệp kiếm lương 5-7 triệu đồng/tháng lo cho gia đình. Thế nhưng mẹ già thì lẫn, hai con buổi trưa đi học về ai lo cơm nước nên đành nhận công việc lao công với lương tháng 3 triệu. Mẹ con, bà cháu cứ vậy nhì nhằng nuôi nhau.

Cô xem, nhà chật, mấy gia đình cùng chen chúc sinh hoạt thế này trong khi các cháu đang ở tuổi ăn tuổi lớn bất tiện lắm nhưng “cái khó bó cái khôn” nên đành chịu. Miễn là hằng ngày thấy con cái mạnh khỏe, bình an đến trường là yên tâm rồi”…

Trong các hoàn cảnh khó khăn thì có lẽ trường hợp của Cao Mỹ Anh – học sinh lớp 4D5 – khiến các thành viên trong đoàn xúc động nhất. Mẹ Mỹ Anh sinh năm 1979, nghĩa là gần 40 mà trí óc chị vẫn như đứa trẻ lên mười. Trả lời những câu hỏi thăm của đoàn về sức khỏe bản thân, vậy mà có câu chị trả lời được, có câu lúc lắc đầu nghĩ mãi mà không ra.

Món quà nhỏ mang niềm vui cho em Cao Mỹ Anh dịp Tết Trung thu

Bà Đào Thị Phinh, bà ngoại Mỹ Anh cho biết: “Mẹ cháu không may sinh ra bị thiểu năng trí tuệ. Vì vậy khi xảy ra cơ sự gia đình không biết ai là bố cháu bởi có hỏi cũng cứ ú ớ không biết là ai. Mẹ cháu sức khỏe yếu nay ốm mai đau, Mỹ Anh thì đang tuổi ăn tuổi lớn, giờ đây cả gia đình trông vào công việc đi nhặt ve chai của tôi.

Làng xóm nhiều người thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn thương cảm nhận mẹ Mỹ Anh làm bưng bê, rửa bát cho quán ăn để kiếm thêm thu nhập nhưng do sức khỏe yếu, lại ngây ngô nên mới làm được nửa buổi là mẹ cháu cứ thế tưng tửng bỏ về nhà, kệ ai gọi lại thì gọi. Mọi người vẫn cười chuyện này suốt”.

Đang đà câu chuyện, bỗng nhiên bà Phinh trầm lắng: “Hôm nay được các cô chú trong đoàn BHXH quận đến thăm, tặng quà cháu dịp tết Trung thu chúng tôi xúc động lắm. Nói ra không phải kể khổ đâu nhưng đúng là từ khi cháu Anh ra đời, từ quần áo, giày dép đến đồ dùng của cháu tôi chưa mua cho cháu cái mới nào. Toàn là quà của bà con xóm phố, bạn bè đùm bọc cả đấy.

Cái tủ lạnh, tivi này cũng là do chị bạn đến thăm thấy mình khổ quá liền cho. Trước đây mỗi lần muốn xem phim hoạt hình, nhà không có tivi, Anh cứ phải lấp ló ngoài cửa sổ nhìn ké con nhà xóm, thấy cháu kiễng chân nhìn qua song cửa tội lắm” – bà Phinh nghẹn lời. 

Vầng trăng đầy cho em

Người ta sinh ra không ai lựa chọn được hoàn cảnh. Có những người may mắn chào đời trong những gia đình có điều kiện, nhưng cũng đâu đó trong cuộc đời này, còn rất nhiều số phận không may với những hoàn cảnh éo le.

Phát, Anh hay Ngọc… là những trường hợp khó khăn mà chúng tôi gặp được trong chuyến đi thăm, tặng quà của Đoàn thanh niên BHXH quận Hồng Bàng nhân dịp Tết Trung thu. Tuy nhiên, qua câu chuyện hỏi thăm, điều khiến chúng tôi cảm động là những con người tưởng như khó khăn chồng chất ấy không đơn độc chống chọi với vất vả của cuộc đời. Dù ít, dù nhiều, ở những điều kiện khác nhau, quanh họ còn có bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng và chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ.

 Rời nhà Phát, tiếng rủ rỉ tâm sự của chị Hồng khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng: “Gia đình thuộc hộ nghèo nên nhiều khoản đóng góp của các cháu đều được nhà trường miễn giảm. Ba mẹ con lại được nhà nước cấp cho thẻ BHYT hộ nghèo nên nếu chẳng may có ốm đau cũng không phải quá lo lắng. Giờ tôi chẳng mong ước gì ngoài có sức khỏe để nuôi con, chăm mẹ, như vậy cũng đã là quá tốt rồi”.

Các cô nhìn nhà như vậy có được không – bà ngoại Mỹ Anh tiếp chuyện – nếu cách đây vài năm đoàn đến đây gặp trời mưa thì phải xắn quần mà lội đấy. Ngày ấy trên đầu thì mưa dột long tong, dưới đất nước ngập đến đầu gối, ba mẹ con bà cháu ngồi trên cái giường sắt chân cao như giường của bệnh viện. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, năm 2009, phường đã hỗ trợ kinh phí cho chúng tôi sửa chữa lại nhà, giờ thì trời mưa yên tâm không lo lội nữa rồi…

Còn cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Lan thì cho biết: Do hoàn cảnh gia đình ảnh hưởng đến tâm lý nên ở lớp Mỹ Anh cũng rất trầm lắng, không thích các hoạt động tập thể. Nhà trường và chi hội phụ huynh rất thương cháu nên thường xuyên quan tâm động viên, an ủi cả về vật chất và tinh thần; đồng thời liên tục khuyến khích cháu giao lưu, hòa đồng cùng bạn bè trong cả lớp.

Niềm vui đón Tết trung thu đầu tiên trên bờ của em Đinh Thị Ngọc càng thêm trọn vẹn

Trong niềm vui nhận được sự quan tâm của cộng đồng, xã hội ấy có lẽ gia đình cháu Đinh Thị Ngọc, học sinh lớp 2B5, ở Bến Đò, là lớn lao nhất. Những ai đã từng trải nghiệm giây phút lênh đênh trên một con thuyền giữa mênh mang sông nước mới cảm nhận được cảm giác hạnh phúc khi có được một giấc ngủ yên lành trên chiếc giường không còn chòng chành bởi sóng nước. Và 5 tháng nay, gia đình Ngọc vẫn lâng lâng cảm giác hạnh phúc tưởng chừng chỉ có trong mơ ấy.

Anh Đinh Như Thủy, bố Ngọc cho biết: Tôi là dân vạn chài ở Phả Lễ, Thủy Nguyên. Cách đây 6 năm, vợ tôi mất, bỏ lại 3 bố con với con thuyền nhỏ. May mắn từ tháng 3 đến giờ chúng tôi được phường thuê cho căn nhà làm nơi tạm cư, chỉ phải trả tiền điện nước sinh hoạt thôi.

Hạnh phúc lắm cô ạ! Sung sướng nhất là lúc mình có đi làm không còn nơm nớp lo sợ con bị đuối nước như hồi sống trên thuyền nữa. Từ hồi các cháu ra đời đến giờ, lật thuyền cũng phải đến 4 lần, mình tôi hì hục cứu các con lên bờ cả. Hãi lắm!

Niềm vui được định cư trên bờ vẫn còn ánh ngời trên đôi mắt của người đàn ông nhỏ bé có nước da rám nắng chai sạm. “Giờ thì bố có đi làm cũng thấy yên tâm các con ở nhà có cửa khóa then cài. Vì thế cái thuyền kia tôi không bán mà cho người khác, thuyền ông ấy hỏng rồi, họ giờ vẫn còn khổ hơn mình”…

Chia tay Phát, Anh, Ngọc cùng gia đình họ, cảm giác ấm áp về tình người cứ lan tỏa trong mỗi chúng tôi. Phó giám đốc BHXH quận Hồng Bàng Phạm Thị Ngọc Minh xúc động chia sẻ: “Có đi thực tế mới biết còn nhiều hoàn cảnh khó khăn và xã hội còn rất nhiều tấm lòng nhân ái. Tuy giá trị phần quà trong chuyến đi này không lớn nhưng đây là tấm lòng thiện nguyện thể hiện tinh thần nhân ái của tuổi trẻ BHXH quận muốn chia sẻ phần nào khó khăn với các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nơi đây.

Đây còn là cơ hội để đoàn viên thanh niên chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống và con người nơi đây. Qua đó góp phần động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục nỗ lực vươn lên trong học tập và rèn luyện, từ đó xây dựng hơn nữa mối đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng, xã hội”.

Bùi Hạnh – An ninh Hải Phòng 21/9/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Vầng trăng tròn cho em
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác