Diễn biến giao dịch vàng trong tuần qua đã tạo ra hàng loạt kỷ lục về bước tăng, kỷ lục về mức giá, kỷ lục về mức chênh lệch giá mua-giá bán và kỷ lục về sự đắt đỏ so với vàng thế giới.
Các chuyên gia cho rằng việc để giá vàng trong nước và thế giới quá cách biệt còn làm tăng nguy cơ buôn lậu vàng. Vì vậy, cơ quan quản lý cần theo dõi hiện tượng đầu cơ, làm giá hoặc nhập lậu vàng để có thể can thiệp kịp thời.
Giá vàng như tàu lượn siêu tốc
Diễn biến tăng giảm như tàu lượn của giá vàng trong nước tuần qua đã thực sự gây sốc cho người dân lẫn giới đầu tư. Cuộc rượt đuổi ở mức giá vô tiền khoáng hậu của vàng miếng SJC ở vài thời điểm đã gây ra xáo trộn trên thị trường kim loại quý này. Diễn biến này phần nào tác động lên thị trường tài chính và đầu tư khác.
Sự điên loạn của giá vàng trong nước cũng là từ khóa được giới đầu tư nhắc đến nhiều trong các diễn đàn tài chính tuần qua. Những ngày này, cùng với những biến động thất thường từng phút, từng giờ, trong biên độ lớn, thị trường vàng mang nhiều yếu tố rủi ro.
Điều này cũng dễ hiểu khi nhìn lại diễn biến tăng giảm không tưởng của giá kim loại này. Nếu như ngày thứ 2 đầu tuần (7/3), giá vàng miếng SJC lập kỷ lục về mức tăng 70 triệu đồng, rồi xác lập mức 71-72-73,5 triệu đồng và nhảy vọt lên 74,4 triệu đồng vào ngày 8/3.
Ngay sau đó nhiều nhà đầu tư bán ra chốt lời ồ ạt nên đến chiều ngày 9/3 các doanh nghiệp phải hạ giá vàng xuống còn quanh mức 70 triệu đồng/lượng và tiếp tục xả vào sáng 10/3 thêm đến gần 3 triệu đồng nữa, chỉ còn 65,5 triệu đồng mua vào và bán ra 67,5 triệu đồng.
Như vậy nếu “đu đỉnh” mua vàng ở mức 74,4 triệu đồng/lượng và bán lại ở thời điểm này, người mua sẽ lỗ 6,9 triệu đồng và nếu bán sáng 10/3 thì sẽ lỗ 8,9 triệu đồng/lượng.
Khi giá vàng tăng cao cũng là lúc tái diễn cảnh một số người xếp hàng mua bán tại cửa hàng vàng. Lâu nay, người mua vàng trong nước thường chạy theo tâm lý đám đông, tranh thủ “lướt sóng” khi vàng tăng. Tuy nhiên, lần lướt sóng này khiến nhiều nhà đầu tư nhận “trái đắng” khi chưa kịp chốt lời, vàng đã lao dốc thẳng đứng.
Lắc đầu ngao ngán trước “cơn điên” của giá vàng trong nước, chuyên gia Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank đặt câu hỏi không biết thị trường có bị thao túng giá không mà trong nước cao hơn thế giới lên đến gần 30% vẫn có lực mua?
“Từ nhiều năm trở lại đây, người dân không mấy quan tâm đến vàng như trước. Thế nên lượng vàng trên thị trường dù có giao dịch cũng không thể nào đẩy giá tăng mạnh đến như vậy”, chuyên gia nêu.
Có thể thấy, những bước nhảy của giá vàng trong tuần qua đã đẩy các nhà đầu tư rơi vào thế “việt vị” liên tiếp khi tham gia vào thị trường này.
Đã rất nhiều lần các chuyên gia kinh tế đưa ra lời khuyên nhà đầu tư không nên mua vàng để lướt sóng lúc giá vàng lên cao bởi lẽ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang quá cao. Nếu “găm” vàng, người mua phải trả với mức giá đắt hơn cả chục triệu đồng mỗi lượng so với giá thế giới và sẽ gặp rủi ro lớn nếu thị trường đảo chiều.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc tăng nóng của giá vàng trong nước không có sự bền vững, giá có tăng sẽ có giảm, nên trong ngắn hạn mua vàng lúc này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đối với hoạt động của một nền kinh tế, giá vàng bị đẩy lên quá nhanh làm cho không ít người đổ xô vào mua bán vàng lướt sóng, kiếm lời và từ đó một lượng tiền lớn sẽ chuyển vào kinh doanh vàng. Việc chuyển nguồn vốn vào vàng sẽ làm giảm nguồn vốn để đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của nền kinh tế.
Cần vào cuộc bình ổn giá vàng
Giá vàng tăng cao dẫn đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước thế giới có thời điểm lên tới 19 triệu đồng mỗi lượng, điều này đẩy rủi ro lớn về phái các khách hàng.
Theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh vàng để mức chênh lệch lên tới 14, 15 thậm chí 19 triệu đồng/lượng sẽ khiến nhà đầu tư phải gánh rủi ro rất lớn. Đáng lưu ý, cùng với đó, để giảm bớt rủi ro về phía mình, các doanh nghiệp đã để mức chênh lệch giữa mua và bán ở mức cao từ 1,8-2 triệu đồng mỗi lượng, thậm chí có ngày con số này là 2,3 triệu đồng, cao hơn bình thường hơn 1-1,3 triệu đồng mỗi lượng. Điều này càng đẩy thêm rủi ro về phía các nhà đầu tư.
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới thừa nhận thị trường vàng ổn định thời gian qua góp phần hiệu quả cho công cuộc chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế. Đây cũng cơ sở để trả lại thị trường vàng về bản chất như một loại hàng hóa thông thường, bởi vàng hiện không còn là phương tiện thanh toán, các tổ chức tín dụng cũng không được huy động, cho vay vàng từ khi có Nghị định 24. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay giá vàng SJC cách biệt với giá thế giới lên tới hàng chục triệu đồng mỗi lượng là quá vô lý.
“Nhiều năm qua, Hội đồng Vàng thế giới đã liên tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần sớm có giải pháp can thiệp để kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới. Mức chênh lệch quá này trở thành “hiện tượng kỳ cục” của giá vàng, trong khi những người có nhu cầu mua vàng thương hiệu quốc gia lại bị thiệt vì giá bị đẩy lên quá cao“, ông Khánh nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng cho rằng sau khi đã ổn định thị trường, đây là thời điểm Ngân hàng Nhà nước nên nghĩ đến việc làm thế nào giảm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Bởi khoảng “lệch” về giá quá lớn sẽ tạo ra tâm lý “buôn vàng”.
Cụ thể, theo ông Lực, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét từng khâu dẫn đến đội chi phí như nhập vàng, chế tác, bảo quản… để từ đó có những định hướng giúp giảm chi phí đầu vào cho vàng…
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng thẳng thắn: “Tôi cho rằng, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần vào cuộc để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng thế giới đi sát với giá vàng trong nước cũng như để khoảng cách giá mua và bán gần nhau hơn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cần quan sát, theo dõi xem có hiện tượng đầu cơ, làm giá hay có nhập lậu vàng hay không để có thể can thiệp kịp thời”.
Các chuyên gia cho rằng việc để giá vàng trong nước và thế giới quá cách biệt còn làm tăng nguy cơ buôn lậu vàng. Vì vậy, cơ quan quản lý cần theo dõi hiện tượng đầu cơ, làm giá hoặc nhập lậu vàng để có thể can thiệp kịp thời./.
Thúy Hà (Vietnam+)
Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…
Cơ quan khí tượng dự báo không khí lạnh mạnh sắp tăng cường sẽ gây…
Các trường THCS vẫn có thể đánh giá trực tiếp học sinh khi xét tuyển…
Sáng 10/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường tiếp Đoàn đại biểu…
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều khó khăn chung, nhưng…
Cơ quan chức năng đã tạm giữ đối tượng hành hung cảnh sát giao thông…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More