Print Thứ Tư, 13/03/2019 09:49

Được phát động từ tháng 11-2018, cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật (VHNT) về thành phố với chủ đề “Hải Phòng-khát vọng vươn lên” là cuộc thi có giá trị giải thưởng cao nhất từ trước đến nay trong cả nước, nhận được sự chú ý, quan tâm của nhân dân và giới văn nghệ sĩ. Tính đến ngày 7-3, Ban tổ chức tiếp nhận 93 bài dự thi của 90 tác giả, trong đó có 66 tác giả là người Hải Phòng.

Sự phát triển mạnh mẽ của Hải Phòng thời gian qua tạo cảm hứng, chất liệu để các văn nghệ sĩ sáng tác. Ảnh: Đỗ Hiền

Không “đứng ngoài cuộc”

Tại buổi phát động cuộc thi sáng tác VHNT về thành phố với chủ đề “Hải Phòng – khát vọng vươn lên”, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Trần Thị Hoàng Mai cho rằng, cuộc thi là cơ hội thể hiện vị trí, vai trò của những người làm VHNT không “đứng ngoài cuộc” trong dòng chảy, nhịp sống sôi động của thành phố. Sau 4 tháng phát động, cuộc thi nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của giới văn nghệ sĩ thành phố.

Nhà văn Đinh Quyền, hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng là người tâm huyết, lăn lộn với đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn và từng gặt hái thành công với các tác phẩm bút ký khi viết về đề tài này. Tham gia cuộc thi sáng tác VHNT về thành phố, ông gửi đến Ban tổ chức tác phẩm “Những con đường kỳ tích một miền quê”, có nội dung viết về việc thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới ở huyện Vĩnh Bảo, cụ thể là việc làm đường giao thông nông thôn theo Đề án “Hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn của thành phố”. Để có tư liệu viết ký, nhà văn trực tiếp “ăn cùng, ở cùng” với cán bộ thôn, xã và người dân bởi: “Những gì “bố” nhìn thấy chỉ là lộ diện bề ngoài, còn muốn biết chiều sâu bên trong, “bố” phải ở đây tôi kể “bố” nghe những người, những việc, những chuyện đời làm nên những con đường ấy thì bố mới thấm…”, nhà văn Đinh Quyền kể khi gặp người bạn chí cốt – nguyên sĩ quan quân đội về hưu, nay là trưởng thôn của một xã huyện Vĩnh Bảo. Bước chân nhà văn qua nhiều xã: Tân Liên, Cộng Hiền, Đồng Minh, Hưng Nhân, An Hòa, Hiệp Hòa, Hùng Tiến…Có “chất liệu” tốt, trong bút ký dự thi, nhà văn thể hiện sinh động những câu chuyện “mắt thấy, tai nghe” về người thương binh hạng 2/4 Phạm Phú Tấn vận động con ủng hộ 200 triệu đồng, trực tiếp điều hành việc làm đường dài hơn 300 m; hay ông Tuấn phá dỡ toàn bộ tường rào, bếp và công trình phụ trị giá hàng trăm triệu đồng, hiến 80 m2 đất để cải tạo đường thôn…

Nhà thơ Thi Hoàng gây ấn tượng với bài thơ “Đến với niềm mơ ước”. Là một trong số “nhà cách tân” thơ đương đại, từng đoạt giải thưởng Nhà nước về VHNT, trong tác phẩm “mới ra lò” gửi dự thi, một số câu thơ của nhà thơ có ngôn từ độc đáo: “Những cây cầu lặng im mà vùng lên hùng biện/Chính trị và triết học gặp nhau ở nền móng công trình/ Thời sự và thời đại cùng phả hơi ấm vào làn gió sớm”. Đồng thời, cũng thể hiện sự nhạy cảm của người làm thơ với tương lai, vận mệnh của thành phố khi lồng vào thơ những sự kiện mang tầm quyết định tương lai của Hải Phòng: “Trước mặt ta là biển. Là Nghị quyết 45/Tầm nhìn đến 2045 thế đứng một trăm năm dựng nước/Thể xác với tâm hồn, tinh thần và vật chất/Mỗi câu chữ như bậc thềm để đặt chân bước lên phía trước/Ý tứ thật ân tình Bộ Chính trị trao ta”.

Trong số tác giả gửi tác phẩm dự thi, ngoài nhà thơ Thi Hoàng, nhà văn Đinh Quyền, còn có nhiều tên tuổi khác, như: nhà văn Vũ Hoàng Lâm, Trần Lưu Ly, Mai Văn Phấn, Dư Thị Hoàn…

Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá về cuộc thi

Là đơn vị được Ban Thường vụ Thành ủy giao chủ trì tổ chức cuộc thi, kể từ tháng 11- 2018 đến nay, Ban Tuyên giáo Thành ủy làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và quảng bá về mục đích, ý nghĩa, chủ đề, nội dung, hình thức và giải thưởng của cuộc thi tới giới văn nghệ sĩ trong, ngoài thành phố và những người quan tâm. Ngoài việc phối hợp, đôn đốc các cơ quan báo chí, sở, ngành liên quan, Ban Tuyên giáo Thành ủy còn đề nghị hỗ trợ thông tin, tuyên truyền từ Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Ban Tuyên giáo và Hội VHNT các tỉnh, thành phố và các hội chuyên ngành để truyền tải thông tin về cuộc thi, bảo đảm công tác tuyên truyền, quảng bá về cuộc thi. Đồng thời, thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả và tiến độ triển khai, thực hiện với Ban Thường vụ Thành ủy; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tiếp thu các ý kiến tham gia để nâng cao chất lượng công tác tổ chức, triển khai cuộc thi. Tổ giúp việc Ban Tổ chức thực hiện phân loại, mã hóa tác phẩm dự thi; xây dựng dự thảo tiêu chí chấm, chọn; tham vấn ý kiến của các chuyên gia về việc thành lập Hội đồng giám khảo và hoàn thiện tiêu chí chấm, chọn tác phẩm bảo đảm khoa học, khách quan và mang tính chuyên môn cao.

Theo Trưởng Phòng Văn hóa, văn nghệ (Ban Tuyên giáo Thành ủy) Hàn Ngọc Trang, trong số các tác phẩm gửi dự thi, số lượng lớn thuộc về lĩnh vực văn học, như: thơ, truyện ngắn và ký; các tác phẩm thuộc loại hình mỹ thuật, nhiếp ảnh số lượng hạn chế, chưa có tác phẩm sân khấu và điện ảnh. Một số tác phẩm thơ, âm nhạc có ý tưởng chủ đề tốt, bảo đảm yêu cầu về nội dung và tính nghệ thuật, thể hiện sự lăn lộn tìm hiểu thực tế cuộc sống, phản ánh, tôn vinh, quảng bá những thành tựu đột phá, nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố như nhà văn Đinh Quyền, tuy nhiên tính bứt phá chưa cao.

Vì thế, thời gian tới, Ban Tổ chức tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài thành phố để khuyến khích, động viên các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia hưởng ứng, nhất là các lĩnh vực còn ít tác phẩm tham gia. Qua đó, khuyến khích nhân dân, giới văn nghệ sĩ quan tâm, gửi nhiều tác phẩm dự thi. Đồng thời, xây dựng kế hoạch quảng bá tác phẩm thông qua các hình thức tổ chức triển lãm, xuất bản sách, tổ chức biểu diễn văn nghệ, sân khấu…

Đông Hải – Báo Hải Phòng

 

 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Văn nghệ sĩ hứng khởi tham gia cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật về thành phố với chủ đề “Hải Phòng – Khát vọng vươn lên”
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác