Print Thứ Ba, 24/09/2019 11:10

Năm học 2019-2020 vừa bắt đầu, chuyên mục Qua đường dây nóng Báo Hải Phòng nhận được phản ánh của nhiều cha mẹ học sinh về một số trường học vận động tài trợ giáo dục chưa đúng quy định và còn hiện tượng gượng ép, cào bằng.

Trường tiểu học Minh Đức (huyện Thủy Nguyên) tạm dừng vận động tài trợ giáo dục vì một số cha mẹ học sinh chưa đồng thuận.

Dừng vận động tài trợ vì chưa đồng thuận cao

Ngày 16-9, Ban giám hiệu Trường tiểu học Minh Đức, thị trấn Minh Đức (huyện Thủy Nguyên) phải nhắn tin tới toàn thể cha mẹ học sinh của trường thông báo dừng việc tài trợ kinh phí mua máy vi tính và máy chiếu các phòng học của khối học sinh lớp 1. Lý do, một số cha mẹ học sinh chưa đồng thuận việc này. Cô giáo Vũ Thị Oanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học trước, khối lớp 1 có 4/7 phòng học được cha mẹ học sinh tài trợ lắp đặt máy vi tính, máy chiếu phục vụ dạy và học. Năm học 2019-2020, khối lớp 1 có 6 lớp với 214 học sinh. Nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy và học, ngày 8-9, nhà trường tổ chức họp với cha mẹ học sinh khối lớp 1 để phổ biến và xin ý kiến về việc vận động tài trợ để mua sắm máy vi tính và máy chiếu. Dự toán mỗi lớp sẽ đầu tư khoảng 40 triệu đồng để mua thiết bị trên, sử dụng cho 5 năm học tiểu học. Nhà trường không vận động tài trợ đối với học sinh hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn. Song, đây mới là buổi họp bàn với cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận trước khi nhà trường trình Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Thủy Nguyên phê duyệt. Sau 1 tuần, khi nhận được ý kiến cha mẹ học sinh về việc phải đóng 1,2 triệu đồng/học sinh, nhà trường tạm dừng việc xã hội hóa trên.

Trước đó, việc vận động tài trợ để mua máy điều hòa nhiệt độ của Trường mầm non Hoàng Động (huyện Thủy Nguyên) cũng chưa nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo cha mẹ học sinh. Được biết, trường được ngân sách huyện cấp 12 máy điều hòa nhiệt độ cho 12 phòng học. Tuy nhiên, phòng học rộng, số học sinh đông, nên công suất của 1 máy điều hòa không đáp ứng nhu cầu. Do đó, các cha mẹ học sinh đề nghị hỗ trợ trường lắp thêm 1 điều hòa trị giá khoảng 12 triệu đồng/phòng. Song, vào năm học mới với nhiều khoản đóng góp nên việc thu vận động tài trợ sẽ gây khó khăn cho nhiều gia đình.

Trước đó, vào tháng 8-2019, tại quận Hồng Bàng, một số cha mẹ học sinh khối lớp 1, Trường tiểu học Ngô Gia Tự chưa đồng tình khi giáo viên yêu cầu đóng tiền tài trợ giáo dục trong thời gian 1 tuần (từ ngày 28-7 đến 5-8) với mức trung bình 5 triệu đồng/học sinh để mua sắm trang thiết bị dạy học và sửa chữa một số các hạng mục cho lớp học, công tác bán trú. Ngay sau đó, UBND quận Hồng Bàng có văn bản yêu cầu nhà trường tổ chức kiểm điểm giáo viên chủ nhiệm lớp 1 phổ biến chưa đầy đủ về thời gian tiếp nhận tài trợ, gây bức xúc trong cha mẹ học sinh; ban giám hiệu nhà trường họp tự kiểm điểm về công tác quản lý để xảy ra vi phạm.

Công khai, minh bạch, không ép buộc

Thông tư số 16 năm 2018 của Bộ Giáo dục – Đào tạo về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nêu rõ: Việc tài trợ phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu. Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục được nhận tài trợ. Việc quản lý, sử dụng các khoản tài trợ phải theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích và không để thất thoát, lãng phí… Thông tư nêu rõ, các cơ sở giáo dục không lợi dụng việc vận động tài trợ để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Thực tế, thời gian qua trên địa bàn thành phố, do việc vận động tài trợ giáo dục không thực hiện đúng quy định, gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, năm 2018, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Cương (huyện An Dương) Lê Thị Thu Thủy bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do tổ chức thu nhiều khoản đóng góp của cha mẹ học sinh chưa được phê duyệt của cấp trên. Tổng số tiền thu trái quy định này từ năm 2015 đến năm 2017 lên đến 6,7 tỷ đồng, trong đó chi sai mục đích là 1,3 tỷ đồng.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Thủy Nguyên cho biết, phòng yêu cầu các trường thận trọng và thực hiện đúng quy định về vận động tài trợ giáo dục. Nhà trường thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh ở lớp, trường và giáo viên xây dựng dự toán các công việc cần vận động bảo đảm phù hợp với thực tế. Sau đó phổ biến, lấy ý kiến đồng thuận của cha mẹ học sinh và phải được sự phê duyệt của Phòng Giáo dục – Đào tạo mới triển khai thực hiện. Khi triển khai vận động tài trợ, nhà trường phải thành lập tổ tiếp nhận tài trợ gồm đại diện nhà trường, cha mẹ học sinh… để công khai thu, chi tới cha mẹ học sinh của trường.

Việc vận động tài trợ giáo dục sẽ giúp các trường có điều kiện nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. Tuy nhiên, để công tác này phát huy hiệu quả, tránh phát sinh sai phạm, các nhà trường cần huy động tài trợ giáo dục đúng quy định và trên cơ sở đồng thuận cao nhất của cha mẹ học sinh. Phòng Giáo dục- Đào tạo cần thường xuyên thanh tra, giám sát việc thu, chi của các trường để bảo đảm các khoản xã hội hóa đúng quy định ngăn chặn, phòng ngừa các vi phạm, đồng thời xử lý nghiêm nếu phát hiện cơ sở giáo dục sai phạm.

Bài và ảnh: Mạnh Quang

Nguồn: Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Vận động tài trợ giáo dục: Không lạm dụng, ép buộc đóng góp
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác