Print Chủ Nhật, 12/11/2023 09:00 Gốc

Dùng xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, nên cấm phải đi kèm với giải pháp thay thế.

Thời gian qua, cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn xảy ra do các xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm. Mới đây ngày 7/11, người phụ nữ lái xe máy trên đường 3/2, quận 10 (TP.HCM), bị xe xích lô chở bó sắt tông vào, ngã xuống đường tử vong. Điều đáng nói, theo Nghị định 100/2019, xe thô sơ chở hàng hóa vượt quá giới hạn quy định, không bảo đảm an toàn, gây trở ngại giao thông, che khuất tầm nhìn người lái bị phạt 80.000-100.000 đồng. Trường hợp gây tai nạn ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người khác, tài xế có thể bị phạt tù 3-10 năm.

Mức phạt nặng như vậy nhưng tại sao tình trạng xe chở tôn, thanh sắt dài vẫn diễn ra hằng ngày trên đường phố? Độc giả Chí Lê nhận định: “Theo tôi, vấn đề nằm ở cung-cầu thôi. Phương thức vận chuyển này có chi phí thấp, các cửa hàng bán vật liệu cũng phải cân nhắc, và hơn hết là người mua hàng cũng muốn rẻ. Bây giờ nếu cấm tuyệt đối, khi đó người bán hàng sẽ chuyển qua sử dụng xe tải lớn, chi phí vận chuyển sẽ bị đội lên rất lớn. Khi đó, người tiêu dùng sẽ là người phải trả chi phí này. Thế nên loại hình này rất khó bị triệt tiêu khi mà người tiêu dùng vẫn muốn mua rẻ“.

Cho rằng cần cấm tuyệt đối việc sử dụng các loại phương tiện như xích lô, xe ba gác và các loại xe thô sơ khác để chở sắt thép, hàng hóa cồng kềnh, bạn đọc Nguyễn Hà Lãn Ông nêu quan điểm: “Nên cấm tuyệt đối hình thức vận chuyển các loại vật liệu tôn, sắt, thép, vật liệu xây dựng cồng kềnh bằng xe thô sơ. Hành động này rất nguy hiểm vì đã có những vụ tai nạn thương tâm xảy ra.

Để đảm bảo an toàn giao thông cho cả xã hội, xây dựng đô thị văn minh, phát triển, chúng ta phải cấm triệt để, bắt buộc người dân phải vận chuyển bằng ôtô. Không nên vì lý do ‘thông cảm cho hoàn cảnh mưu sinh’ mà buông lỏng quản lý. Người dân và xã hội sẽ dần tìm được cách tự điều chỉnh và thích nghi“.

Trong khi đó, độc giả Hoàng Thanh lại đặt ra nhiều dấu hỏi: “Cấm là cách xử lý rất đơn giản. Nhưng cái cần là giải pháp vận chuyển các hàng hóa này như thế nào sau khi cấm? Thành phố có hàng triệu hộ dân, chỉ cần một phần trong số đó có nhu cầu sửa chữa là có cả ngàn người có nhu cầu mua sắt thép rồi. Vậy làm thế nào để vận chuyển vật liệu xây dựng khi mà không phải đường nào xe tải cũng có thể vào được?

Hay có trường hợp mua một hai cây sắt giá vài chục ngàn, không lẽ họ phải thuê cả chiếc xe tải để chở, tốn vài trăm ngàn đồng tiền vận chuyển, vậy có hợp lý không? Tôi cho rằng, cần có các quy định cụ thể, thực tế về việc sử dụng các phương tiện vận chuyển này, ví dụ như chỉ cho phép chạy vào khung giờ nhất định, phải gắn tín hiệu cảnh báo nguy hiểm…“.

Cùng chung thắc mắc, bạn đọc Thanhtri bày tỏ: “Ngành giao thông cùng các bộ, ban, ngành liên quan cần phối hợp để ban hành thông tư liên tịch, hướng dẫn cụ thể người dân các hình thức vận chuyển hàng hóa cồng kềnh như thế nào trên đường phố. Chứ hiện nay, tôi thấy việc tồn tại việc xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh là có thật và nó xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân.

Ví dụ có người muốn sửa nhà, mua một thanh sắt dài 6 m, chi phí hơn 100.000 đồng, không thể bắt họ thuê cả chiếc xe tải giá 1,5 triệu đồng để vận chuyển. Điều này là bất hợp lý và gây khó khăn cho người dân. Do vậy, bên cạnh việc cấm, chúng ta cũng phải có giải pháp thay thế, có như vậy người dân mới chủ động tuân thủ“.

Thành Lê tổng hợp

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Vận chuyển sắt, thép thế nào nếu không dùng xe ba gác?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác