Kinh tế

Vai trò động lực phát triển của Hải Phòng: Ngày càng lan tỏa

Càng về những ngày cuối năm 2019, không khí lao động trên công trường xây dựng cầu sông Hóa càng khẩn trương. Các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, phương tiện, hối hả ngày đêm để cây cầu được đưa vào sử dụng trong năm 2019. Như vậy, chỉ sau chưa đầy 8 tháng, cây cầu đầu tiên, dự án đầu tiên được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết (NQ) 45 của Bộ Chính trị hoàn thành- tốc độ “chóng mặt”. Đây là minh chứng sinh động, cho thấy NQ 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhanh chóng đi vào cuộc sống. Vai trò động lực phát triển của Hải Phòng mà nghị quyết xác định đang được khẳng định và ngày càng lan tỏa.

Tốc độ và hiệu quả cao

Ngày 24-1-2019, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt bút ký chính thức ban hành NQ 45 về Hải Phòng. Chưa đầy 24 giờ sau đó, đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành chủ trì các cuộc họp để triển khai nghị quyết tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân với tinh thần quyết liệt, khẩn trương nhằm nhanh chóng chuyển hóa các nội dung của nghị quyết vào cuộc sống, biến thành nguồn lực thực tế để phát triển Hải Phòng đúng như mong đợi của Trung ương và ước nguyện của người dân thành phố. Sau đó 2 ngày, ngày 26-1-2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình để triển khai kế hoạch hợp tác, kết nối vùng theo tinh thần NQ 45 với nhiều chương trình cụ thể. Trong đó, cầu sông Hóa nối huyện Vĩnh Bảo với tỉnh Thái Bình được xác định làm trước, làm ngay và phấn đấu hoàn thành ngay trong năm 2019. Trên thực tế, vóc dáng cây cầu dần hoàn thiện thể hiện “sức nóng” của nghị quyết, sự quyết tâm, quyết liệt của Hải Phòng để thực hiện thành công NQ 45 ngay từ những ngày đầu, năm đầu.

Các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, cùng lãnh đạo các bộ, ngành, Trung ương, thành phố Hải Phòng, các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên dự khánh thành cầu sông Hóa.

Có thể thấy, trong 1 năm qua, tinh thần, nội dung NQ 45 đã rất “thấm”, rất “ngấm”, hòa quyện trong tất cả chương trình, kế hoạch, công trình, dự án của Hải Phòng. Chưa có nghị quyết nào được triển khai với tốc độ nhanh đến thế, với cách làm rất mới, hiệu quả cao của Hải Phòng. Theo đó, thành phố vừa tổ chức tuyên truyền sâu rộng nghị quyết tới tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân bằng nhiều hình thức; vừa kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù với Hải Phòng để tạo điều kiện, hỗ trợ thành phố theo tinh thần NQ 45; vừa khẩn trương xây dựng chương trình hành động kết tinh, hội tụ đầy đủ nhất trí tuệ, tầm nhìn và quyết tâm phát triển của Hải Phòng. Đồng thời, bắt tay thực hiện ngay những công trình, dự án theo tinh thần của nghị quyết. Bởi thế, sau NQ 45, Hải Phòng có Nghị quyết số 108 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện NQ 45, thể hiện rõ vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ trong thực hiện NQ 45, xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ và các bộ, ngành, thành phố Hải Phòng, các tỉnh trong vùng thực hiện. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Chương trình hành động số 76 trên cơ sở nghiên cứu, thấm nhuần từng chữ, từng câu trong nghị quyết, để mỗi nội dung, chương trình, mỗi công việc phải làm đều rất chi tiết, cụ thể, rõ ràng, định tính, định lượng đầy đủ, từ đó giúp người dân thành phố hình dung được tương lai phát triển của Hải Phòng và xác định rõ trách nhiệm đóng góp của mình. Suốt gần 1 năm qua, khí thế thực hiện NQ 45 hừng hực trên tất cả lĩnh vực của thành phố, lan tỏa sâu rộng từ thành thị tới thôn quê, kể cả vùng sâu vùng xa, hải đảo.

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng liên tiếp làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội, các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương… xác định rõ hàng trăm công việc cần làm và xúc tiến thực hiện ngay. Sau cầu sông Hóa, ngay trong năm 2020 sẽ là cầu Dinh, cầu Quang Thanh và một loạt dự án kết cấu hạ tầng mang tính kết nối liên vùng khác được thực hiện. Vai trò động lực phát triển của cả vùng, cả miền Bắc và cả nước của Hải Phòng được khẳng định rõ hơn bao giờ hết. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình cho biết: “Thực hiện NQ 45 của Bộ Chính trị, tỉnh Thái Bình chuyển hướng phát triển từ trục Nam Định trước kia về phía Hải Phòng, kéo theo đó là một loạt cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và thực hiện các dự án, công trình lớn tại các địa bàn giáp ranh với Hải Phòng”. Đây cũng là suy nghĩ, là tinh thần hành động của các tỉnh, thành phố trong vùng bởi “Hải Phòng phát triển thì đất nước sẽ phát triển”, “Việc phát triển Hải Phòng không chỉ là của Hải Phòng mà còn là trách nhiệm của Trung ương và các địa phương khác”, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.

Vươn tới những chân trời mới

Điều người dân thành phố Hải Phòng đang cảm nhận rất rõ ràng là “sức nóng” của NQ 45 đã biến thành sức hấp dẫn của Hải Phòng. Không phải ngẫu nhiên, trong năm 2019, các tập đoàn kinh tế lớn liên tục tìm về Hải Phòng và đặt vấn đề thực hiện những dự án lớn, tầm cỡ quốc tế, trị giá hàng tỷ USD. Đó là các tập đoàn: FLC, Geleximco, Nguyễn Hoàng, Lavifood… bên cạnh Vingroup, Sun Group đã và đang gắn liền với sự phát triển của Hải Phòng. Những bến cảng nước sâu, cảng hàng không quốc tế, những con đường cao tốc tỏa đi muôn nơi, tuyến đường sắt tốc độ cao, hàng trăm cây cầu mới, những khu đô thị mới văn minh, hiện đại, những tòa tháp cao chót vót, những khu du lịch đẳng cấp cao, khách sạn 5 sao, thành phố giáo dục quốc tế, bệnh viện quốc tế… đang dần hiện hữu. Khát vọng, niềm tin phát triển đang bừng sáng trên thành phố Cảng.

Khát vọng, niềm tin ấy hoàn toàn có cơ sở, bởi theo đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, NQ 45 là nền tảng tư tưởng của Ban Chấp hành Trung ương đối với sự phát triển của Hải Phòng với những định hướng rất rõ ràng, cụ thể, với những cơ chế, chính sách đủ mạnh để thành phố phát huy mọi tiềm năng, lợi thế; là nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất quý báu cho Hải Phòng, mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển mạnh mẽ, tăng tốc, bứt phá. Bắt đầu từ bây giờ, người dân Hải Phòng có thể nghĩ tới một thành phố Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóahiện đại hóa, động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistic; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học- công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng- an ninh được giữ vững.

Trên chặng đường ấy, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố vững tin bởi bên cạnh nỗ lực tự thân, phát huy nội lực là chính, Hải Phòng có sự ủng hộ, giúp đỡ thiết thực của Trung ương; sự đồng hành của các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài… Hơn thế nữa, Hải Phòng còn có nền tảng khá vững chắc, có tốc độ phát triển bứt phá trong những năm qua và đặc biệt là sự đổi mới tư duy và hành động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, quyết tâm thực hiện thành công NQ 45, đưa Hải Phòng vươn tới những chân trời mơ ước. Với NQ 45, sau 5-6 năm nữa, quy mô và tiềm lực kinh tế của Hải Phòng tăng gấp 2- 4 lần so với hiện nay và đến năm 2030 tăng gấp 5-7 lần. Từ NQ 45, khí thế mới, động lực phát triển mới đang lan tỏa trên khắp thành phố Cảng./.

Đồng chí TRẦN VIỆT TUẤN, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Hải Phòng: Cơ chế, chính sách đặc thù có ý nghĩa quan trọng

 Một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết (NQ) 45 của Bộ Chính trị là đề nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành hệ thống cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho Hải Phòng. Trong đó, thành phố đề xuất với Trung ương tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn, tăng quyền chủ động trong lĩnh vực tài chính, ngân sách mang tính đặc thù, dành riêng cho Hải Phòng; cho phép thành phố áp dụng các cơ chế, chính sách đang áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố, cùng một số cơ chế khác liên quan tới phát triển liên kết vùng; đề xuất Chính phủ đầu tư xây dựng một số công trình, dự án hạ tầng giao thông trọng điểm…

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Kế hoạch – Đầu tư phối hợp chặt chẽ các ngành liên quan tích cực tham mưu, đề xuất với thành phố, với Trung ương các nội dung cụ thể liên quan tới các cơ chế, chính sách nêu trên. Trong năm 2019, Sở Kế hoạch – Đầu tư phối hợp các ngành, đơn vị liên quan dự thảo Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện NQ 45 của Bộ Chính trị; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch – Đầu tư dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, đã được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26-11-2019. Năm 2020, Sở Kế hoạch – Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp các ngành, các đơn vị liên quan, bám sát các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình hành động của Chính phủ, đặc biệt là bám sát Bộ Kế hoạch – Đầu tư xây dựng đề án báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá cho thành phố; triển khai lập, trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với điều chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch ngành, lĩnh vực theo quy định của Luật Quy hoạch, phù hợp quy hoạch tổng thể của quốc gia, quy hoạch vùng; xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả cao các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội thiết yếu, phục vụ việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu được xác định trong NQ 45 của Bộ Chính trị.

Đây được coi là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để Hải Phòng thực hiện thành công NQ 45 của Bộ Chính trị, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa, hoàn thành trong năm 2025 và đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Đồng chí HÀ VĂN TRƯỜNG, Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng: Phấn đấu tăng thu ngân sách nội địa 11- 29%/năm

 Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu đến năm 2025, số thu ngân sách nội địa đạt 75.000 tỷ đồng, năm 2030 đạt 140.000 tỷ đồng. Năm 2019, tổng thu ngân sách nội địa của thành phố đạt 27.000 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi năm phải đạt tốc độ tăng thu 11- 29% mới hoàn thành được mục tiêu nêu trên. Trước mắt, năm 2020, thành phố xây dựng dự toán thu nội địa 33.000 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với số thực thu năm 2019, số tuyệt đối tăng tới 6.000 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ tiêu thu ngân sách nội địa được giao ở mức rất cao và tăng liên tục. Đây là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, với nền tảng phát triển kinh tế được thành phố tạo dựng trong những năm qua, với đà tăng trưởng cao và liên tục, với những thời cơ, vận hội lớn do Nghị quyết 45 mang lại và quyết tâm chính trị cao của cả thành phố, chắc chắn, Hải Phòng sẽ hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nội địa ở mức cao.

Với vai trò là lực lượng chủ lực trong thu ngân sách, Cục Thuế Hải Phòng đã sẵn sàng tâm thế và các điều kiện cần thiết để vượt qua mọi thử thách, góp phần hoàn thành toàn diện chỉ tiêu thu ngân sách nội địa hằng năm. Theo đó, Cục Thuế tiếp tục cải cách hành chính, hiện đại hóa; sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp; không ngừng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ công chức; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế; huy động kịp thời các khoản thu vào ngân sách… Cùng với đó, Cục Thuế tham mưu với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố các giải pháp tăng thu ngân sách từ các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn của các tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, FLC, Geleximco… Cán bộ công chức Cục Thuế tập trung cao công tác thu ngân sách năm 2020 ngay từ ngày đầu, tháng đầu, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu 33.000 tỷ đồng.

Đồng chí NGUYỄN ĐỨC THỌ, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Hải Phòng: Hải Phòng giữ vai trò đầu mối giao thông khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, kết nối trong nước và quốc tế

Thành phố Hải Phòng có vị trí quan trọng của vùng Bắc bộ và cả nước, là đầu mối giao thông đường biển phía Bắc, đóng vai trò là đầu mối giao thông khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, kết nối trong nước và quốc tế.

Với mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa thực hiện vai trò này trong kết nối liên vùng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, từ năm 2020, ngành Giao thôngVận tải Hải Phòng tham mưu với Bộ Giao thông- Vận tải và thành phố phối hợp chỉ đạo tập trung hoàn thiện các dự án trọng điểm có tính kết nối cao như: các bến cảng tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; nâng cấp các tuyến quốc lộ (QL): 37, 10 và 17B; mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cải tạo đường thủy nội địa nối với một số địa phương Bắc bộ, các tuyến đường sắt nối với cảng biển, cảng bốc dỡ nội địa, nghiên cứu khảo sát tuyến đường sắt Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định- Ninh Bình, cải tạo các tuyến đường tỉnh; xây dựng các tuyến đường kết nối liên tỉnh Hải Phòng với Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, tuyến đường nối QL10 với QL5…

Trong phạm vi thành phố, toàn ngành đẩy nhanh việc triển khai thủ tục, sớm khởi công dự án: cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2, cầu Nguyễn Trãi, cầu Vật Cách, cầu Vũ Yên 2, các trung tâm logistics lớn gắn với cảng biển… Trước mắt, tập trung hoàn thiện 3 đường vành đai và các đường hướng tâm trong mạng lưới đường đô thị; nghiên cứu xây dựng một số nút giao thông tại các cửa ô để giảm ùn tắc giao thông đô thị. Trong công tác quản lý giao thông và phát triển hạ tầng giao thông, ngành Giao thông-Vận tải Hải Phòng hướng đến áp dụng công nghệ giao thông thông minh (ITS) trong quản lý, điều hành giao thông đô thị; sử dụng công nghệ GPS, vé điện tử (E-ticket) trong vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, tiếp tục hiện đại hoá hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên xây dựng các bến xe liên tỉnh, các tuyến xe buýt, bãi đỗ xe, bến tàu khách du lịch… Ngành Giao thông-Vận tải tham mưu thành phố dành nguồn vốn và quỹ đất để triển khai hiệu quả cao các chương trình, mục tiêu, quyết tâm xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố văn minh, hiện đại, đảm nhiệm vị thế kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Thanh Thanh

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

Bí thư Thành ủy thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Hải Phòng nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2024

Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

20/12/2024

Thiệt hại 1,5ha rừng do cháy rừng tại núi Mã Chàng, xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên)

Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…

20/12/2024

Tổng kết và trao giải Báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” năm 2024

Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…

20/12/2024

Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ thông xe đường Đỗ Mười kéo dài

Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…

20/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More