Vẫn thi giáo viên dạy giỏi – có tạo sự đồng thuận?

Đã có thời điểm dư luận quyết liệt yêu cầu Bộ GDĐT phải bỏ những cuộc thi giáo viên dạy giỏi bởi nó tạo ra áp lực cho giáo viên, căn bệnh chạy theo thành tích và hình thức. Thế nhưng thông tư mà bộ này đang soạn thảo và chuẩn bị lấy ý kiến rộng rãi lại tiếp tục giữ các cuộc thi này và chỉ bỏ những liên hoan giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp quốc gia. Việc cố gắng duy trì một cuộc thi đã từng gây bức xúc dư luận liệu có tạo ra được sự đồng thuận trong xã hội và trong cả lực lượng giáo viên?

Từng công khai muốn bỏ thi giáo viên dạy giỏi

Điển hình cho nỗi bức xúc của dư luận chính là hồi đầu năm 2019, khi trường Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Hải Phòng) ra thông báo bằng tin nhắn rằng chỉ những học sinh được giáo viên chọn mới được tham gia tiết dạy của giáo viên dự thi, còn lại (chủ yếu những học sinh kém) thì phải nghỉ ở nhà. Kết quả, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong toàn trường có 1.892 học sinh, số học sinh đi học trong những ngày thi giáo viên giỏi là 1.229 em, số nghỉ học là 663 em. Có một số lớp số học sinh phải nghỉ học chiếm phân nửa sĩ số.

Rõ ràng một cuộc thi như vậy đã không còn đảm bảo yếu tố giáo dục, thành một cuộc diễn đầy áp lực với chính các giáo viên và đối với những em vì học yếu mà không thể tham gia tiết dạy của giáo viên dự thi cũng chịu những tổn thất về tâm lý.

Một lớp học tham dự thi giáo viên dạy giỏi. Ảnh: P.V

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Quốc Vương – Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) thẳng thắn nhận định: “Sự vô lý trong cách thức tổ chức và nhìn nhận đơn giản về đánh giá giáo viên, thi giáo viên giỏi đã trở thành “cơn ác mộng” của cả giáo viên và học sinh”.

Thầy Vương phân tích: Việc thi giáo viên giỏi đi kèm với lựa chọn, sàng lọc, chấm thi, xếp loại, xét thi đua, đưa vào điều kiện thăng tiến… đã tạo ra “đội thắng” và “đội thua” trong chính đội ngũ giáo viên trong nhà trường. Ngoài ra, thi giáo viên giỏi trở thành thứ “tra tấn” tinh thần cho cả thầy và trò khi họ phải ôn thi, luyện thi, thi và… diễn. Đó là chưa kể, khó có thể nói có công bằng ở các cuộc thi khi người thi phải lụy vào ban giám khảo – mà ban giám khảo này không bị công luận và ban giám sát độc lập nào theo dõi, kiểm soát.

Trước những bức xúc của phụ huynh và dư luận, Bộ GDĐT đã có Công văn số 558/BGDĐT-NGCBQLCSGD về việc chấn chỉnh, lưu ý một số vấn đề liên quan đến tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó nhấn mạnh: “Giáo viên dự thi không được tập dượt dạy thử, dạy trước, không được “gà bài” trước cho học sinh; khi thao giảng cần phải được giữ nguyên trạng số lượng học sinh của lớp…”. Thậm chí, chính lãnh đạo bộ cũng đã đưa ra phương án có thể sẽ bỏ những cuộc thi giáo viên dạy giỏi từ năm học 2019 – 2020.

Bỏ cũng không dễ

Thực chất, qua nhiều vụ việc, dư luận và đặc biệt các phụ huynh lại có xu hướng nhìn vào những điểm tiêu cực của các cuộc thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi mà chưa nhìn vào những điểm tích cực. Đó là những cuộc thi như vậy, nếu tổ chức tốt, công bằng thì lại là cơ hội tạo động lực cho đội ngũ giáo viên, cũng là cơ hội để những kinh nghiệm hay, những sáng kiến mới trong việc truyền thụ giáo dục được phát huy, lan tỏa trong ngành.

Mặt khác, việc được công nhận là giáo viên giỏi cũng là quyền lợi của những thầy, cô giáo có tâm huyết với nghề.

Đó là chưa kể, đã có hàng loạt quy định cho vấn đề này, cụ thể là Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên hay Thông tư 59/2012/TT-BGDĐT do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký năm 2012 ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mà trong đó tiêu chuẩn để các trường đạt chuẩn phải có tỉ lệ giáo viên dạy giỏi tương ứng. Bỏ thi thì sẽ phải thay đổi những quy định tại các thông tư này.

Tháng 4.2019, tại một cuộc tọa đàm về vấn đề trên, đã có ý kiến cho rằng sẽ bỏ thi giáo viên giỏi, thay vào đó là các quy định điều kiện xét công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, huyện và tỉnh thông qua các tiêu chí. Sẽ có một Hội đồng sẽ kiểm tra hồ sơ, minh chứng của giáo viên, nghiên cứu chất lượng đạt được của các hồ sơ và họp lấy ý kiến bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trường hợp được 2/3 thành viên của hội đồng trở lên nhất trí thì công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi.

Thế nhưng nảy sinh vấn đề là “tiêu chí thế nào? Những người xét có đủ đảm bảo khách quan, công bằng và không diễn ra tiêu cực? Đó là chưa kể việc xét này dẫn đến nguy cơ làm đẹp hồ sơ để chạy theo thành tích.

Vẫn thi nhưng sẽ có nhiều thay đổi

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo Thông tư quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Bà Cù Thị Thủy – Phó trưởng phòng, phụ trách phòng Phát triển đội ngũ Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo), thành viên Ban soạn thảo Thông tư – cho biết: “Chúng ta không thể phủ nhận toàn bộ hiệu quả của hoạt động này, vì qua hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi vẫn có những mặt tích cực đáng ghi nhận. Qua hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi tạo nên khí thế thi đua, tạo ra “sân chơi” lành mạnh để những giáo viên dạy giỏi thật (đã được tôn vinh) tâm huyết chia sẻ/truyền kinh nghiệm cho đồng nghiệp tham khảo, học tập. Theo đó, tạo phong trào thi đua dạy tốt”.

Theo bà Thủy, chủ trương của Bộ GDĐT vẫn là duy trì việc thi công nhận giáo viên giỏi nhưng cách thức gọn nhẹ và hiệu quả hơn. Cụ thể, thông tư sẽ bãi bỏ hết các bất cập đã nêu trên, bỏ Liên hoan giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi toàn quốc, chỉ còn công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh.

Nhằm hạn chế những bất cập, dự thảo thông tư quy định rõ các cuộc thi này phải dựa trên nguyện vọng tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia Hội thi; Đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan. Tuyệt đối không có hành vi vụ lợi trong hội thi. Nghiêm cấm tổ chức Hội thi trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành; nghiêm cấm lợi dụng danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi của cá nhân giáo viên để vụ lợi cho thành tích của nhà trường.

“Điều quan trọng là cần tạo cơ hội để giáo viên phấn đấu, rèn luyện và trau dồi kỹ năng, kiến thức chuyên môn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Ngoài việc, dự giờ lên lớp và báo cáo biện pháp giảng dạy/giáo dục đã thực hiện có hiệu quả tại cơ sở giáo dục công tác, cần có bộ công cụ đánh giá khách quan, thực chất năng lực của giáo viên cả về phẩm chất, đạo đức lẫn chuyên môn nghiệp vụ trong một quá trình, đó là Chuẩn nghề nghiệp giáo viên” – bà Cù Thị Thủy nhấn mạnh.

* Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phan Long – nguyên Hiệu trưởng trường THCS Hồng Bàng (Hải Phòng): “Không thể phủ nhận mặt tích cực của những cuộc thi giáo viên giỏi. Thực tế, nhiều giáo viên trưởng thành thực sự qua những cuộc thi này. Danh hiệu giáo viên dạy giỏi động viên rất nhiều đối với giáo viên ở mọi ngành học, cấp học. Nghĩa là cần xem xét công nhận theo quá trình làm việc trong một khoảng thời gian với những tiêu chí, căn cứ. Theo tôi nên thông qua một số kênh như đánh giá của đồng nghiệp, ý kiến học sinh, đánh giá của phụ huynh học sinh. Chúng ta biết rằng cái tốt lan tỏa rất nhanh. Sự tín nhiệm của phụ huynh học sinh đối với thầy cô đang trực tiếp dạy dỗ con mình là điều hết sức quan trọng”.

* Ông Trần Đức Cường – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Hưng (Thái Bình): Các kỳ thi giáo viên dạy giỏi đánh giá tương đối toàn diện năng lực giáo viên song có tình trạng “gà nòi” nên không lột tả hết được quá trình, hiệu quả công tác cũng như tạo thành áp lực thành tích cho giáo viên.

* Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân (Hà Nội) – bà Nguyễn Mỹ Hảo: “Đối với việc xét cả quá trình, ở cấp tiểu học dễ dàng hơn vì chỉ có 1 giáo viên chính. Nhưng ở các cấp học từ THCS trở đi thì rất khó bởi mỗi môn học lại là một giáo viên khác nhau. Từ đó, đánh giá nhìn nhận của phụ huynh học sinh cũng khác. Đối với đánh giá từ đồng nghiệp thì thường căn cứ vào kết quả cuối cấp là rõ ràng nhất, còn những lớp đầu cấp đánh giá qua kết quả bài thi học kỳ, điểm trung bình chung thì cũng không thể toàn diện học sinh khác nhau”. ĐỨC THÀNH

2.700

Tháng 4.2019, Hà Nội đã tổng kết Hội thi giáo viên dạy giỏi được tổ chức từ cấp cơ sở tới cấp thành phố. Hội thi cấp cơ sở thu hút gần 2.700 giáo viên dự thi 2 vòng cấp trường và cấp quận, huyện, thị xã (với giáo viên THCS); cấp trường và cụm trường (với giáo viên THPT). Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã tặng Giấy khen cho 281 giáo viên, trong đó có 37 giáo viên cấp THCS và 18 giáo viên cấp THPT đoạt giải Nhất. P.V

Những thay đổi cơ bản tại dự thảo thông tư

1.Bãi bỏ hết các bất cập đã nêu trên, bỏ Liên hoan giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi toàn quốc, chỉ còn công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh.

2.Về điều kiện công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh: Đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên mức khá (giáo viên dạy giỏi thì yêu cầu tiêu chí chuyên môn phải ở mức tốt; đối với giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi thì tiêu chí về giáo dục đạt mức tốt).

3. Về phần thi: Đối với giáo viên dạy giỏi: Thực hành một hoạt động chơi – tập (đối với giáo viên nhà trẻ), một hoạt động học (đối với giáo viên mẫu giáo) theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Thực hành dạy học một tiết dạy (đối với giáo viên phổ thông) theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra Hội thi.

Đối với giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi: Thực hành một tiết tổ chức hoạt động trải nghiệm (tiết sinh hoạt lớp hoặc tiết hoạt động trải nghiệm tổng hợp) trong kế hoạch giáo dục của trường và của giáo viên tại thời điểm diễn ra Hội thi.

4. Nguyên tắc của Hội thi: Dựa trên nguyện vọng tự nguyện của GV; không ép buộc, không tạo áp lực cho GV tham gia Hội thi; Đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan. Nghiêm cấm lợi dụng danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi của cá nhân giáo viên để vụ lợi cho thành tích của nhà trường.

5.Giao quyền tự chủ cho địa phương về quy định số lượng giáo viên tham gia Hội thi các cấp.

6.Việc sử dụng kết quả Hội thi là minh chứng để đánh giá, xếp loại thi đua của cá nhân. Danh hiệu GV dạy giỏi là căn cứ để xem xét, thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên.

P.V Theo Báo Lao động

Nguồn tin: Báo Lao động

Tin khác

Thông tin về vụ cháy ở một công ty sản xuất nội thất ở xã An Đồng, huyện An Dương

Hồi 18h11' ngày 31/10/2024 Trung tâm 114, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận tin…

31/10/2024

Bệnh nhân ở Hải Phòng bị tăm tre xuyên thủng đại tràng

Bệnh viện Kiến An vừa phẫu thuật nội soi ổ bụng cho bệnh nhân bị…

31/10/2024

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế: Kiểm tra 2 bếp ăn trường học ở huyện An Dương

Nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an toàn thực…

31/10/2024

Thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ xét biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu thành phố Hải Phòng năm 2024

Thực hiện Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 25/10/2024 của Ủy ban nhân dân thành phố…

31/10/2024

9 tháng năm 2024, Hải Phòng xảy ra 176 vụ cháy, làm chết 4 người

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Hải Phòng, trong 9…

31/10/2024

Hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí tuần 44 năm 2024

Chiều 31/10, Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà…

31/10/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More