Kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố khóa 16 xem xét, thông qua một số chính sách an sinh mới của Hải Phòng. Trong đó có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2022-2025. Người dân thành phố rất vui mừng, phấn khởi trước tin vui này và càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Thêm một lần nữa, Hải Phòng thể hiện quyết tâm: chính sách an sinh luôn đi trước sự phát triển KTXH. Đây cũng là minh chứng cho thấy tiềm lực kinh tế ngày càng mạnh mẽ của Hải Phòng, cho phép thành phố có điều kiện chăm lo tốt hơn cho cuộc sống nhân dân.
Hỗ trợ để không ai bị bỏ lại phía sau
Nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố xác định mục tiêu: đến năm 2025 không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Theo kết quả rà soát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2021, Hải Phòng là một trong 6 tỉnh, thành phố không có hộ nghèo (cùng với Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh). Tuy nhiên, để duy trì kết quả giảm nghèo, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố xác định, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù riêng của Hải Phòng để giảm nghèo bền vững là cần thiết. Cụ thể, có chính sách hỗ trợ thu nhập hàng tháng cho người nghèo không còn khả năng lao động, phù hợp với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Với tinh thần đó, tại kỳ họp thứ 6 tổ chức từ ngày 18 đến 20/7, HĐND thành phố xem xét thông qua nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo là đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng để bảo đảm tổng thu nhập từ nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ bằng với mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 là 1,5 triệu đồng/tháng/người đối với khu vực nông thôn; 2 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị.
Đây cũng là mức hỗ trợ được áp dụng đối với người nghèo, cận nghèo là trẻ em dưới 16 tuổi, người mắc bệnh ung thư, suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo, xơ gan giai đoạn mất bù, suy tim độ 4 và người thuộc hộ cận nghèo là người cao tuổi cô đơn, người nhiễm HIV/AIDS không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng.
Người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên đến 80 tuổi) thuôc hộ nghèo, cận nghèo nhưng hoàn cảnh khó khăn, già yếu, ốm đau thường xuyên, chưa đủ điều kiện được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng… được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Thành viên hộ nghèo sau khi được công nhận thoát nghèo, đồng thời thoát cận nghèo; thành viên hộ cận nghèo sau khi được công nhận thoát cận nghèo trong vòng 36 tháng được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế, thời gian hỗ trợ 36 tháng kể từ khi được công nhận thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Với chính sách này, trong giai đoạn 2022-2025, nguồn lực từ ngân sách thành phố sẽ chi khoảng hơn 727 tỷ đồng, bình quân mỗi năm hơn 181 tỷ đồng. Đây là sự quan tâm rất thiết thực và sự chăm lo chu đáo của thành phố để không ai bị bỏ lại phía sau.
Những chính sách ưu việt, nhân văn
Như vậy, một lần nữa, Hải Phòng lại gây tiếng vang đối với cả nước vì những chính sách ưu việt, nhân văn, vì nhân dân. Trước đó, Hải Phòng là địa phương duy nhất hỗ trợ học phí cho học sinh từ mầm non tới bậc THPT. Sau 2 năm học triển khai Nghị quyết HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp, học sinh toàn thành phố ở cả 3 cấp học được hỗ trợ hơn 340 tỷ đồng học phí từ ngân sách thành phố.
Hải Phòng cũng dành hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ về nhà ở cho người có công; hộ nghèo có khó khăn về nhà ở. Hải Phòng đi đầu cả nước về nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội; hỗ trợ cho người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng núi, hải đảo được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, Hải Phòng dành hàng nghìn tỷ đồng tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo nhân dịp lễ, Tết. Mức tặng quà bình quân 5 triệu đồng/hộ chính sách; 1-1,2 triệu đồng/hộ nghèo, cận nghèo của Hải Phòng hiện ở mức cao nhất của cả nước, mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho nhân dân.
Mỗi người dân thành phố càng vui mừng, phấn khởi khi điều kiện sống, sinh hoạt, đi lại của người dân mỗi ngày được nâng cao. Chính sách hỗ trợ xi măng, gạch lát hè, cây xanh, pha đèn chiếu sáng trong xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang, cải tạo ngõ ngách đô thị đã phát huy tác dụng to lớn, Nhà nước bỏ một, nhân dân bỏ mười, từ đó làm ra hàng nghìn km đường thôn xóm, đường nội đồng; cơ bản xóa bỏ ngõ ngách đô thị xuống cấp, úng lụt.
Chính sách an sinh ưu việt còn được thể hiện rất rõ ràng trong quyết tâm cải tạo, xây dựng chung cư, xây dựng nhà ở xã hội với cách làm riêng của Hải Phòng và quan điểm nhất quán vì người dân. Hơn thế nữa, các công trình phúc lợi công cộng mọc lên ngày càng nhiều, từ Công viên cây xanh Tam Kỳ, Tố Hữu, Nguyễn Trãi tới chương trình mỗi phường 1 công viên cây xanh. Hai bên bờ sông Tam Bạc được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để nhanh chóng tạo nên một không gian mới cho người dân thành phố nghỉ ngơi, thư giãn…
Để được như vậy, những năm qua, thành phố luôn tập trung cao phát triển KTXH, tăng nhanh tiềm lực kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao; số thu ngân sách nội địa tăng nhanh, bình quân tăng 4.000-6.000 tỷ đồng/năm là nguồn lực cơ bản để thành phố đầu tư phát triển, chăm lo an sinh xã hội.
Như thế, người dân thành phố đã cảm nhận rất rõ ràng, sự phát triển của thành phố không phải mơ hồ chung chung mà đã nhìn thấy được, sờ tận tay, để mỗi phần trăm GRDP tăng trưởng thêm được chuyển hóa vào mức tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; vào mức sống ngày càng được nâng cao của gia đình chính sách, người có công; là nỗ lực giảm nghèo bền vững; là những công trình nâng cao vị thế, hình ảnh Hải Phòng, để rồi khẳng định rõ ràng nhất chân lý: tất cả vì sự lớn mạnh của thành phố, vì cuộc sống nhân dân, người dân được thụ hưởng chính những thành quả mà tăng trưởng kinh tế mang lại.
Hồng Thanh