Kinh tế

Ưu tiên tăng lương cho những người có mức lương hưu thấp

Mức tăng lương hưu từ cuộc cải cách tiền lương 1.7.2024 hiện đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.

Đề nghị mức tăng lương hưu tỉ lệ 15%

Theo đề xuất mới đây của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, từ ngày 1.7, lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ tăng 15%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng 29,2%, tương ứng tăng từ 2.055.000 đồng/tháng lên 2.655.000 đồng/tháng; tăng trợ cấp xã hội lên 38,9%, tương đương tăng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mức điều chỉnh lương hưu năm 2004, 2005 chỉ khoảng 10%, ở thời điểm thay đổi thang bảng lương toàn diện của người lao động trong khu vực Nhà nước.

Dựa trên những tính toán, xem xét yếu tố trượt giá, tình hình tăng trưởng kinh tế, đơn vị này đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1.7.2024 khoảng 8% là phù hợp. Mức này sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa những người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ ngày 1.7.2024 trở đi.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ông Đào Ngọc Dung, khi cải cách tiền lương, mặt bằng chung tiền lương của người lao động cả nước nâng lên mà lương hưu không được điều chỉnh tốt thì người hưởng lương hưu rất thiệt thòi. Do đó, cần tính toán, cân đối hài hòa; lương hưu phải tăng ít nhất là 15%.

Bà Doãn Thị Ước (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ mong muốn, sau cải cách tiền lương, được hưởng mức tăng lương hưu 15% để đỡ gánh nặng về tài chính.

Người dân nhận lương hưu. Ảnh: Minh Hà

Tăng thêm lương hưu cho những người có mức dưới chuẩn

Thời điểm hiện tại, xuất hiện 2 luồng ý kiến của dư luận xã hội. Một luồng ý kiến cho rằng, những người đang hưởng lương hưu mức thấp thì hưởng mức tăng cao hơn để đảm bảo khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước. Luồng ý kiến còn lại lại cho rằng, mức tăng cần như nhau để đảm bảo công bằng, bởi đây là chính sách chung của Nhà nước.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Xã hội của Quốc hội khẳng định, điều chỉnh tiền lương, Nhà nước luôn ban hành tỉ lệ bình quân. Chẳng hạn, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương.

Song, không phải bất kỳ đối tượng công chức, viên chức nào cũng được hưởng mức tăng bình quân này. Nhà nước sẽ xây dựng bảng lương riêng của từng nhóm đối tượng, vị trí việc làm. Lấy ví dụ cho việc điều chỉnh lương hưu cho những người về hưu, đối tượng bảo trợ xã hội.

Giả sử bình quân chung mức tăng là 10%, có thể người về hưu sau năm 1995 đến nay mức tăng chỉ trong khoảng từ 6-7%. Phần chênh lệch 4% sẽ dành cho những người được hưởng lương hưu trước năm 1995 bởi họ là những đối tượng được hưởng lương hưu rất thấp”, ông Lợi phân tích.

Ông Lợi đánh giá, với cách tăng lương hưu theo từng nhóm đối tượng như vậy, vừa đảm bảo chính sách an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu đảm bảo cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Nhưng đồng thời, theo đúng nguyên tắc bất di bất dịch của bảo hiểm xã hội: Có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao đóng thấp hưởng thấp.

Về việc điều chỉnh lương cho người về hưu, chuyên gia này cho rằng, tăng lương hưu 15% hay 8% dựa trên cơ sở thực tiễn. Song, ông cũng đề nghị cơ quan chức năng tính toán thận trọng, kỹ lưỡng về mức tăng lương, đảm bảo giá trị tuyệt đối của lương nâng lên đồng nghĩa với đời sống của người dân được tăng lên thực sự.

Quan trọng, khi cải cách tiền lương, trượt giá chắc chắn sẽ tăng. Hiện nay, khi chưa cải cách, nhưng giá đã tăng. Không chỉ cán bộ công chức đang làm việc, kể cả người về hưu cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài tăng lương, cần tập trung phát triển thị trường trong nước, cung ứng sản phẩm hàng hoá tốt. Làm sao để đảm bảo đủ hàng hoá cung cấp cho 100 triệu người dân Việt Nam, kiềm chế tăng giá. Có như vậy, mới cải thiện đời sống, văn hoá, xã hội”, ông Lợi chia sẻ.

Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam hiện có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, nhưng chỉ có 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng từ Quỹ BHXH và 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách Nhà nước. Người Việt Nam hưởng hưu trí tối đa 75%, tuy nhiên tiền lương tính đóng bảo hiểm thấp, nên lương hưu bình quân chỉ đạt 5,4 triệu đồng/tháng.

MINH HÀ

Nguồn tin: Báo Lao động

Tin khác

Giới trẻ “xuyên không” hóa thân thành công chúa, quý phi ở Bảo tàng Hải Phòng

Bảo tàng Hải Phòng đang thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt…

16/05/2024

Tăng cường các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết

Thời gian gần đây, tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tình hình dịch…

15/05/2024

Chính thức ra mắt Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam thành phố Hải Phòng

Ngày 3/4/2024 tại Trung tâm Văn hóa thành phố, Quỹ Hỗ trợ và Bảo tồn…

15/05/2024

Ngày mai, giá xăng có thể đồng loạt giảm mạnh

Giá xăng trong nước dự kiến được điều chỉnh giảm tiếp vào ngày mai (16.5),…

15/05/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More