Nghị định 100/2019 thay thế Nghị định 46/2016 có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều so với quy định hiện hành đối với nhiều lỗi vi phạm giao thông, đặc biệt là hành vi uống rượu bia lái xe.
Ngày 30-12, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ với nhiều điểm mới. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.
Nghị định sửa đổi 21 điều với 39 hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi, mô tả lại; 55 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung; 21 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung, mô tả lại theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 46. Đặc biệt, dự thảo tăng mức xử phạt đối với 50 hành vi, nhóm hành vi vi phạm.
Đáng chú ý, Nghị định 100 tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi uống rượu bia lái xe (từ điều 5 đến điều 8).
Cụ thể, đối với người điều khiển xe ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Nghị định phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 22 – 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ. Nghị định 46/2016 trước đây quy định xử phạt đối với các hành vi nêu trên chỉ từ 16 – 18 triệu đồng và tước GPLX 4 – 6 tháng.
Đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy, sẽ bị phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400-600 ngàn đồng nếu điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc; gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn; điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe đạp, xe thô sơ tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi điều khiển xe đi vào đường cao tốc còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện.
Nghị định 100 cũng bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm (tại khoản 11 Điều 80 Nghị định).
Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng sửa đổi quy định về xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (tại khoản 8 Điều 80 Nghị định).
Theo đó, chủ phương tiện có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng khi phương tiện có liên quan đến hành vi vi phạm, nếu không hợp tác, không chứng minh hoặc giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện.
Văn Duẩn