Mạng xã hội cho phép người dùng cập nhật thông tin liên tục. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng người dùng tự do đăng tải khiến thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) trở nên “thật giả lẫn lộn”.
Chia sẻ và tiếp nhận thông tin – bài học không của riêng ai
Trong vài tuần qua, thông tin về dịch bệnh nCoV lan nhanh chóng trên không gian mạng và được nhiều người đón nhận, chia sẻ.
Trong số những thông tin về nCoV trên mạng xã hội thời gian qua, có không ít bị lợi dụng để câu like, câu view và bán hàng.
Chị Nguyễn Thị Bích, nhân viên văn phòng tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đang có bầu 4 tháng, liên tục nhận được tin nhắn, quảng cáo qua mạng xã hội mua nước xịt họng, thuốc bổ có thể phòng chống virus Corona.
Bác sĩ Kiều Văn Đồng, Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Bưu điện) cho biết: “Một số thai phụ cho tôi xem các tin nhắn, lời giới thiệu trên mạng xã hội để xin tư vấn nhưng tất cả thông tin sản phẩm giới thiệu trên mạng xã hội đều không đúng sự thật. Nhiều thông tin về cách dùng thậm chí còn nguy hại cho sức khỏe của bà bầu. Do đó, khuyến cáo việc phòng dịch phải tuân theo chỉ định cơ quan chức năng và thông tin chính thống“.
Một trường hợp khác là chị Mai Cẩm Nhung, nhân viên văn phòng, vừa quyết định hủy tour du lịch Nhật Bản vì lo ngại dịch và cũng vì trong muôn vàn thông tin đó, chị chưa tìm được thông tin về các biện pháp đảm bảo an toàn. Chị Nhung cũng như không ít khách du lịch khác đã phải chấp nhận thiệt hại khi mà thông tin tư vấn cũng khá mơ hồ từ các doanh nghiệp du lịch.
Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban truyền thông Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: Trên một số diễn đàn nghề nghiệp về hướng dẫn viên, điều hành… bên cạnh thông tin về tour tuyến, hủy đoàn…, còn có không ít thông sai lệch về dịch nCoV, phương thức lây dịch… Nhiều thông tin theo kiểu phong trào, không kiểm chứng, thậm chí cố tình sai lệch.
Điều này khiến không chỉ du khách hoang mang mà các doanh nghiệp du lịch cũng thiệt hại không nhỏ bởi khách hàng huỷ tour hàng loạt.
Theo ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, truyền thông xã hội được đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Điểm dễ nhận thấy là truyền thông xã hội dựa trên các dịch vụ trực tuyến nên các tin tức được lan truyền chóng mặt. Điểm này khác truyền thông truyền thống với những tiêu chuẩn quy định về giá trị nội dung của thông tin tin. Trong khi đó, trong môi trường truyền thông xã hội, những tin giải trí, giật gân, nhỏ lẻ cá nhân được gọi là “phi tin tức” ngày càng xuất hiện nhiều với khái niệm mới là tin tức xã hội và chiếm lĩnh không gian “ảo”. Cùng với dòng thác thông tin này, tin giả ngày càng nhiều và lan truyền nhanh nhờ mạng xã hội.
Mặc dù, lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều vụ tung tin giả nhưng theo ghi nhận tình trạng này vẫn chưa giảm. Đáng chú ý trong tuần qua là cuộc làm việc giữa Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vào ngày 6/2. Đến tối cùng ngày, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chính thức công khai cải chính thông tin sai và chụp biên bản làm việc đăng trên fanpage cá nhân. Trong đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng viết: “Ở thời điểm ban đầu khi bắt đầu đối diện với dịch Corona, cũng vì quá lo lắng cho nguời thân bạn bè, các fan… tôi đã hấp tấp, chưa kiểm chứng thông tin nên đã vô tình truyền đi những thông tin tiêu cực chưa chuẩn xác.Vậy nên tôi cũng mong quý vị đừng vội vã đón nhận những thông tin thêu dệt, không có căn cứ về tôi…“.
“..Tôi đã tìm thấy bài học dành riêng cho mình ở sự cố, tai nạn nghề nghiệp lần này. Tôi đã không ngần ngại chủ động liên lạc với cơ quan quản lý để trình bày sự việc và lắng nghe sự tư vấn cũng như thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của một công dân khi vi phạm pháp luật. Nộp phạt hành chính nghiêm túc và rút kinh nghiệm cho bản thân. Tôi sẽ chọn lọc và kiểm chứng kỹ các nguồn tin trước khi chia sẻ với mọi người. Ở những thời điểm như thế này, chúng ta phải luôn bình tĩnh và tỉnh táo để cảm nhận thật sâu sắc những thứ đang diễn ra. Giữ gìn sức khoẻ và luôn cập nhật những thông tin chính thống nha mọi người“, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng viết.
Chia sẻ của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng là điều nhắc nhở với nhiều người dùng mạng xã hội hiện nay. Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Từ Lương, Sở đã gửi thông tin mời diễn viên Ngô Thanh Vân, Cát Phượng và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lên làm việc về thông tin sai sự thật về dịch bệnh nCoV trên facebook cá nhân (có tích dấu xanh). Tuy nhiên, đến ngày 6/2 mới có ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến làm việc, sớm hơn lịch hẹn ban đầu, với thái độ tích cực. Trong khi đó, diễn viên Ngô Thanh Vân cử đại diện đến làm việc nhưng Sở chỉ ghi nhận sự có mặt của đại diện và đề nghị đúng người được mời tới làm việc.
“Sở muốn làm việc trực tiếp với các nghệ sĩ để có những trao đổi tích cực hơn, không chỉ cho vụ việc này mà có thể phòng ngừa các sự kiện khác“, đại diện Sở TT&TT Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm.
Cùng với mời những cá nhân đã rõ chủ sở hữu các địa chỉ trên facebook, những đối tượng tung tin giả cũng đã được ngành công an điều tra xử lý. Đơn cử tại Hà Nội, đầu tháng 2, Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã triệu tập Nguyễn Quý Trọng (sinh năm 1990 trú tại Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai) để làm rõ vụ việc đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh nCoV xuất hiện trên địa bàn Thạch Thất và phát tán thông tin gây hoang mang dư luận. Tại cơ quan Công an, Trọng khai nhận trước đó, đã đăng tải bài viết sai sự thật về dịch bệnh nCoV trên trang Facebook cá nhân.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nCoV Hà Nội, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cho biết đang lập danh sách những đối tượng phát tán tung tin giả sai sự thật để xử lý.
Chề tài với đi đôi với giáo dục
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020 NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/4/2020. Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh), trong thời đại công nghệ 4.0, chỉ cần một cú “click chuột” thì phát ngôn của mỗi người có thể chia sẻ đến xã hội thông qua mạng. Do đó, Nghị định 15/2020 được ban hành phù hợp với thực tiễn hướng tới giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi vi phạm trên môi trường không gian mạng.
“Có thể thấy, mặc dù mức phạt tiền tại Nghị định 15/2020 quy định tại khoản 1 Điều 101 với mức phạt từ 10 triệu đồng – 20 triệu đồng có thể ít hơn mức phạt tiền của Nghị định số 174/2013 nhưng quy định về hành vi vi phạm được chi tiết hóa, cụ thể và rõ ràng hơn. Không chỉ vậy biện pháp khắc phục hậu quả của Nghị định 15/2020 cũng cụ thể hơn”, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết.
Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh Bộ TT&TT cũng cho biết: Nghị định 15/2020 sẽ có vai trò quan trọng trong việc xử lý việc lợi dụng mạng xã hội tung tin giả của các cá nhân giai đoạn hiện nay mà còn hướng đến ngăn chặn các sự vụ thời gian tới.
Về ứng xử văn hóa trên không gian mạng, PGS.TS Nguyễn Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Nhiều người dùng mạng xã hội đang chịu tác động tâm lý của đám đông và sử dụng thông tin không kiểm chứng, nguồn tin không đáng tin cậy dẫn đến thông tin thật giả lẫn lộn. Do đó, người dùng cần kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ và cơ quan chức năng cần hình thành tiêu chí khi dùng mạng xã hội. Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu những tiêu chí này theo “Chương trình internet và xã hội” từ hơn 2 năm qua và cơ quan chức năng có thể tham khảo.
Tin giả, tin không kiểm chứng là một trong những nguyên nhân khiến khách hủy tour trong gần tháng qua, dù một số điểm đến an toàn. Do đó, ông Nguyễn Công Hoan cho rằng để phòng chống tin giả, thông tin chưa kiểm chứng thì một mặt cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm những người tung tin giả nhưng đồng thời báo chí chính thống đẩy mạnh luồng thông tin xác thực. Thực tế khi thông tin “đồn thổi” ngày càng nhiều thì người đọc đang có xu hướng kiểm tra thông tin tại báo chính thống. Bên cạnh đó, một số diễn đàn mạng lớn thì các admin cũng phải kiểm duyệt thông tin, cảnh báo thông tin vi phạm.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, Sở đã có kế hoạch tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng khi tham gia môi trường mạng giai đoạn 2018-2020; trong đó tập trung tới đối tượng học sinh cấp THCS-THPT trên địa bàn; đồng thời cũng có xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền để hướng dẫn với các tổ chức, đoàn thể.
“Báo chí chính thống cần phát huy vai trò trong việc định hướng thông tin, cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực. Các nhà báo cũng thể hiện trách nhiệm trên mạng xã hội, tỉnh táo trước những dòng thông tin lệch lạc; tuân thủ bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội của Hội Nhà báo Việt Nam“, ông Hồ Quang Lợi cho biết.
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Bộ TT&TT và các đơn vị được giao phối hợp với Bộ Công an để cùng phát hiện, có trách nhiệm xử lý hành chính việc tung tin giả liên quan đến dịch bệnh nCoV. Các Sở TT&TT và Công an các tỉnh xử lý nhiều các đối tượng tung tin sai lệch. Những biện pháp của cơ quan chức năng không phải chỉ là tìm đối tượng tung thông tin giả. Đối với các cá nhân tung thông tin giả ở nước ngoài và những trang tin tung thông tin giả phải gỡ những thông tin như vậy. Hiện các mạng xã hội như Facebook hiện nay đã đăng tải những thông tin chính thống, như thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam. Google cũng đã xác nhận sẽ đẩy những thông tin chính thống về dịch cúm tại Việt Nam lên mục đầu. Facebook cũng đã hỗ trợ gỡ tất cả những thông tin giả mạo về dịch cúm. “Trong thời kỳ dịch bệnh này rất cần những thông tin chính thống, hạn chế tin giả bằng nhiều cách khác nhau”, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng khẳng định đang hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng theo yêu cầu của Quốc hội và coi đây như một đạo luật đạo đức về ứng xử của không gian mạng. Nếu cả xã hội chung tay thì cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thông tin xấu độc trên không gian mạng sau khi hệ thống văn bản pháp luật được đầy đủ.
Hiện Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông đang được giao hoàn thiện Bộ quy tắc này theo tinh thần “ngắn – gọn – rõ” để ai cũng có thể hiểu được. Đây được coi là quy định “mềm” mang tính hướng dẫn song song với chế tài xử phạt.
XC/Báo Tin tức