Không riêng gì tội phạm ma túy mà hiện nay các loại tội phạm khác như hình sự, mua bán người, đánh bạc, kinh tế… đều lợi dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an là không để bị động bất ngờ, không đi sau tội phạm, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã có những giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy sử dụng công nghệ cao.
Nhân Tháng hành động phòng chống ma túy, Ngày quốc tế và Ngày toàn dân phòng chống ma túy (26/6), Báo điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an).
Thủ đoạn, phương thức của tội phạm ma túy trong bối cảnh 4.0
Được biết, trong thời đại hiện nay, tội phạm ma túy đã triệt để lợi dụng công nghệ 4.0 để hoạt động. Thiếu tướng có thể cho biết rõ hơn về tình hình này?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: Phải nói rằng, không riêng gì tội phạm ma túy mà các loại tội phạm khác như kinh tế, hình sự, mua bán người, đánh bạc… đều lợi dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội. Đây là quy luật hoạt động của tội phạm trong bối cảnh 4.0 hiện nay.
Trong đó, tội phạm ma túy thu được những khoản lợi nhuận kếch sù từ mua bán ma túy, do vậy càng có điều kiện để mua sắm, trang bị nhiều loại thiết bị, công nghệ hiện đại.
Đặc biệt các đối tượng chủ mưu, cầm đầu của tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đã triệt để lợi dụng công nghệ 4.0 để hoạt động với những thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, khiến tình hình tội phạm ma túy diễn biến hết sức phức tạp.
Các ông trùm, bà trùm cư trú ở trong nước cũng như nước ngoài thường núp dưới danh nghĩa hoạt động kinh doanh để chỉ đạo toàn bộ đường dây. Do có sự phát triển của khoa học kỹ thuật nên không cần chỉ đạo trực tiếp (không cần ra mặt), ở bất cứ nơi đâu cũng có thể điều hành toàn bộ đường dây mà khó có thể bị phát hiện, bắt giữ.
Bà trùm Vũ Hoàng Oanh (tức Oanh “Hà”) là ví dụ điển hình trong việc sử dụng công nghệ 4.0 điều hành toàn bộ đường dây phạm tội ma túy hoạt động từ nước ngoài về Việt Nam và tiếp tục chỉ đạo các mắt xích ở trong nước tiếp tục hoạt động vận chuyển, mua bán ma túy, trong đó có cả đi nước thứ 3 tiêu thụ.
Hay có những chuyên án, lực lượng công an phải “đối đầu” với các đối tượng rất am hiểu và giỏi công nghệ cao. Điển hình như vụ triệt phá đường dây tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản vào ngày 8/1/2021 tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP. Hà Nội.
Kết quả điều tra cho thấy, đây là tổ chức tội phạm mang tính chuyên nghiệp, được tổ chức chặt chẽ liên quan đến nhiều tội danh khác nhau như mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về xuất, nhập cảnh; tổ chức môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
Nhóm chủ mưu, cầm đầu có trình độ, am hiểu công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, phương thức thủ đoạn che giấu rất tinh vi. Chúng lợi dụng mạng Internet, các trang mạng xã hội để liên lạc, giao dịch nên khó xác định được địa bàn cụ thể, danh tính, địa chỉ thật.
Có thể nói, chúng ta cố gắng phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ thì tội phạm lại thay đổi sang phương thức, thủ đoạn mới. Vậy những công nghệ 4.0 nào đang được các ông, bà trùm ma túy sử dụng và thủ đoạn, phương thức nào mới, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: Qua đấu tranh với chuyên án ma túy trong những năm gần đây cho thấy, công nghệ 4.0 được các ông, bà trùm sử dụng đó là: Hệ thống các mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội máy chủ đặt ở một nước thứ 3, có tính bảo mật cao như Facebook, Instagram, Viber, Telegram, WhatsApp, Line, Wechat, Signal…, sử dụng sim số điện thoại của nước ngoài như: Anh, Mỹ, Campuchia… để kết nối toàn cầu, hầu như không để lại dấu tích phạm tội trên điện thoại thông minh khi bị phát hiện bắt giữ hoặc rất khó để áp dụng biện pháp nghiệp vụ đối với các hoạt động của các đối tượng đó.
Các đối tượng cũng dùng “xe ôm công nghệ” để nhận và vận chuyển ma túy trong nước; sử dụng các công ty vận tải để nhận và vận chuyển ma túy xuyên quốc gia (giấu ma túy trong các container hàng hóa như hạt đậu, hạt nhựa PP, dạ dày lợn…).
Các đối tượng cũng dùng tên giả, cải trang hoặc bịt mặt khi trực tiếp sử dụng videocall chỉ đạo “đàn em” hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy. Mỗi đối tượng quan trọng trong đường dây, tổ chức đều được đặt một biệt danh để tránh cơ quan chức năng có thể tìm được, nhận dạng được khi bị phát hiện.
Lợi dụng chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước; hoạt động kinh doanh, giao thương khu vực biên giới giữa Việt Nam và các nước; lợi dụng chính sách quản lý rủi ro của thủ tục hải quan (làn xanh, làn đỏ, làn vàng), các đối tượng thuê các công ty logictic làm thủ tục hải quan điện tử để cất giấu ma túy vào các kiện hàng hóa, vận chuyển về Việt Nam qua đường hàng không, đường biển và đường bộ.
Đối tượng cầm đầu, chủ mưu luôn tìm mọi cách để tạo bằng chứng “ngoại phạm” chối tội khi bị bắt giữ hoặc lợi dụng những “sơ hở” của pháp luật để gây khó khăn cho công tác điều tra như: Giả tâm thần, khai báo không thành khẩn, quanh co, “nhỏ giọt“, thông cung, thậm chí tự sát…
Tội phạm ma túy ngày càng có xu hướng cấu kết chặt chẽ trong từng khâu nhưng triệt để sử dụng thủ đoạn “ngắt đoạn” trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, điều này sẽ tiếp tục gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý triệt để.
Không để bị động bất ngờ, không đi sau tội phạm
Vậy chúng ta có cách ứng phó như thế nào với tội phạm ma túy sử dụng công nghệ cao, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: Tội phạm sử dụng công nghệ cao đòi hỏi chúng ta phải cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, am hiểu về công nghệ để áp dụng vào phòng chống có hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an là không để bị động bất ngờ, không đi sau tội phạm, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã có những giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy sử dụng công nghệ cao.
Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an (Kỹ thuật hình sự, An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao); các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển; các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng tăng cường theo dõi, phát hiện, giám sát các tổ chức, đường dây tội phạm hoạt động trên không gian mạng để xác lập chuyên án đấu tranh.
Đồng thời đẩy mạnh việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, máy soi chiếu chuyên dùng để phát hiện, bắt giữ tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không, bưu điện và các dịch vụ chuyển phát nhanh.
Tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản xuyên suốt theo 5 lĩnh vực của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, sớm nhận diện, đưa vào danh sách quản lý nghiệp vụ đối với nhóm đối tượng có khả năng, điều kiện lợi dụng khoa học công nghệ để phạm tội về ma túy; tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây tội tội phạm ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài có xu hướng hoạt động gắn với tội phạm công nghệ cao, tội phạm kinh tế… từ sớm, từ xa.
Hiện nay Cục đang tích cực phối hợp với Viện Khoa học và công nghệ, Bộ Công an để tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong chế tạo, sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.
Chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, năng lực về công nghệ cho cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng nghiệp vụ chuyên trách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhất là các thiết bị kỹ thuật hiện đại sử dụng trong thông tin liên lạc, phát hiện, thu thập các loại chứng cứ điện tử, nguồn thông tin tội phạm ma túy, trang thiết bị tiên tiến để giám định, phát hiện các chất ma túy mới.
Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế với lực lượng phòng, chống ma túy các nước phát triển, các tổ chức quốc tế để tranh thủ kinh nghiệm, trình độ khoa học kỹ thuật phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm ma túy.
Để thực hiện chỉ đạo về “chặn cung, giảm cầu” của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch UBQG phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm tại Hội nghị triển khai công tác phòng, chống ma túy năm 2023 của Ủy ban quốc gia, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện: Đối với giảm cầu, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương làm tốt công tác rà soát, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý; tăng cường lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và khuyến khích cai nghiện tự nguyện.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, nhất là trách nhiệm quản lý thanh, thiếu niên trước tình trạng sử dụng trái phép ma túy tổng hợp đang có chiều hướng gia tăng, gắn với tuyên truyền thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.
Để giảm cung, chúng tôi tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma tuý, bóc gỡ triệt để các đường dây; triệt xoá các điểm, tụ điểm phức tạp về ma tuý; tăng cường xác minh truy bắt đối tượng truy nã về ma tuý; khai thác, điều tra mở rộng các vụ án đã khám phá, bắt giữ bằng được đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Quá trình thực hiện, chúng tôi quán triệt nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Bộ Công an là phải “triệt phá được cả đường dây, ổ nhóm tội phạm, bắt giữ bằng được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, không đánh khúc giữa“.
Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển tại khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển trong công tác trao đổi thông tin, xác lập và đấu tranh chuyên án chung, phối hợp ngăn chặn nguồn ma túy thẩm lậu từ nước ngoài qua biên giới vào Việt Nam.
Ngoài ra, công tác hợp tác quốc tế cũng cần được đẩy mạnh đặc biệt là với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, trong đó tập trung truy bắt đối tượng truy nã, xác lập và đấu tranh chuyên án chung…
Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Hoàng Giang (thực hiện)