Print Thứ Bảy, 26/01/2019 16:39

Tình trạng xâm nhập mặn, nước biển dâng cao, biển lấn sâu vào đất liền trên địa bàn thành phố đang diễn ra ngày càng nhiều. Đây là hậu quả của sự biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra trên toàn cầu. Đối với Hải Phòng, nếu có giải pháp khắc phục, đồng thời tận dụng, khai thác những lợi thế vị trí địa lý có thể mở ra những cơ hội phát triển mới.

 

Giảm thiểu bất lợi

 

Tiến sĩ Vũ Thắng, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Khu vực Đông Bắc cho biết: Khí hậu Hải Phòng đang biến đổi rất mạnh mẽ. Trong vòng 40 năm qua, mực nước biển trung bình năm tại trạm Hòn Dấu tăng lên gần 20 cm, một con số rất lớn đáng báo động. Không chỉ riêng tại trạm hải văn Hòn Dấu, hầu hết các trạm thuỷ văn tại cửa sông trong khu vực đều ghi nhận mực nước tăng cao. Tại trạm thuỷ văn cửa sông Do Nghi (huyện Thủy Nguyên) và Cửa Cấm (quận Hồng Bàng), mực nước trung bình tại các trạm này đều tăng khoảng 20 cm. Cùng với sự dâng cao mực nước biển, hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng rõ ràng, lưỡi mặn ngày càng vào sâu hơn lên phía thượng lưu sông; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và tài nguyên nước ngọt.

 

Nuôi trồng thủy sản ở vùng nước lợ, trên biển mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân.  Trong ảnh: Thu hoạch tôm                                                                                                        Ảnh: Duy Lê

Nuôi trồng thủy sản ở vùng nước lợ, trên biển mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân. Trong ảnh: Thu hoạch tôm – Ảnh: Duy Lê

 

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: “trong họa thường có phúc”,  BĐKH đối với Hải Phòng không phải chỉ là mối đe dọa mà còn là cơ hội mà nếu tận dụng tốt thì có thể giảm thiểu bất lợi. Cùng quan điểm này, PGS. TS Hà Xuân Thông, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản nhận định: Ứng dụng công nghệ và kỹ thuật mới hoặc học hỏi các cách thức thích ứng có thể tạo ra các tiềm năng và cơ hội mới từ BĐKH. Nơi nào BĐKH làm gia tăng sự  úng ngập, nước biển dâng, biển thâm nhập sâu hơn thì ở đó tạo ra nhiều cơ hội và tiềm năng hơn là các tai hoạ và thách thức. Trước hết, có thể nhận thấy cơ hội phát triển thuỷ sản và giao thông thuỷ, công nghiệp đóng tàu, vận tải biển và du lịch. Đặc biệt là nuôi trồng thuỷ sản, nếu nước mặn là thảm hoạ đối với nghề trồng lúa nước, thì lại cho hiệu quả canh tác cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa. Do đó, có thể chuyển đổi, tận dụng khu vực nước nhiễm mặn từ trồng lúa nước sang nuôi trồng thuỷ sản.

 

Bắt đầu từ thay đổi tư duy…

 

Tuy nhiên, thời gian qua, thành phố chưa có những định hướng rõ nét để khai thác hiệu quả kinh tế từ mực nước dâng cao và xâm nhập mặn. Trong kế hoạch triển khai thực hiện thoả thuận Paris về BĐKH của thành phố, giai đoạn 2017-2020, nhiệm vụ thích ứng với BĐKH chủ yếu tập trung vào các dự án phục hồi và phát triển rừng ven biển; tăng cường việc phòng chống ngập úng đô thị và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, nhưng thiếu vắng những kế hoạch, chương trình phát triển sản xuất để khai thác tình trạng xâm nhập mặn. Tại một số khu vực thường xuyên bị nhiễm mặn chưa có kế hoạch chuyển đổi sản xuất kịp thời. Điển hình là khu vực xã Bát Trang (huyện An Lão), tình trạng nhiễm mặn diễn ra hằng năm, đặc biệt những khu đồng gần cống Trung Trang. Nhưng tại đây, địa phương vẫn duy trì nghề trồng lúa mà chưa chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với đặc điểm nguồn nước.

 

Để có thể biến những bất lợi thành cơ hội phát triển từ BĐKH, theo PGS. TS Hà Xuân Thông: Điều quan trọng nhất là cả chính quyền và người dân buộc phải thay đổi cách tư duy về quản lý và khai thác tài nguyên biển. Chúng ta không chỉ ở bên cạnh biển và đối mặt với biển mà cần chung sống với biển. Hải Phòng phải trở thành thành phố mạnh hơn về kinh tế biển, làm giàu từ biển, phát huy mọi tiềm năng từ biển với tầm nhìn dài hạn.

 

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khẳng định, BĐKH liên quan đến sự bành trướng môi trường biển. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền phải xây dựng chiến lược biển – đảo hợp lý. Quy hoạch phát triển kinh tế biển – đảo của thành phố cần đặt trong tư duy tổng thể phát triển hệ thống đảo và từng vùng biển. Các lĩnh vực kinh tế biển cần quan tâm là: khoáng sản biển-đảo; đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản, và các dịch vụ liên quan; vận tải biển bao gồm vận tải hàng hoá và hành khách, du thuyền, đóng và sửa chữa tàu thuyền; du lịch biển đảo. Thành phố cần sắp xếp ưu tiên các ngành để tập trung đầu tư dứt điểm, tạo đột phá đặc biệt là phải cải thiện đời sống của nhân dân vùng biển – đảo, khuyến khích người dân bám biển.

 

Nhưng trước hết, theo TS Vũ Thắng, Giám đốc Đài khí tượng Khu vực Đông Bắc cho biết: Cần có những nghiên cứu để đánh giá cụ thể, chi tiết hơn mức độ ảnh hưởng của BĐKH đến các ngành kinh tế, công trình kiến trúc, cầu đường của thành phố, để định ra các biện pháp cho phù hợp với những diễn biến mới nhất của khí hậu trong thời gian tới.

 

Trên cơ sở đó, thành phố mới hoạch địch những chính sách, những cơ chế phát triển để có thể khai thác “cơ hội” từ những BĐKH mang lại, đồng thời có hoạt động truyền thông, giáo dục để cộng đồng dân cư đến cơ quan quản lý có nhìn nhận đúng đắn hơn về BĐKH. 

 

(Nguyên Mai – Báo Hải Phòng 02/02/2018)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ứng phó với biến đổi khí hậu: Biến bất lợi thành cơ hội
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác