Việc ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật, giúp đội ngũ cán bộ, nhân viên thú y dễ dàng hơn trong hoạt động nghiệp vụ, người dân cũng yên tâm hơn khi nuôi gia súc, gia cầm…
Bác sĩ thú y, Trạm trưởng Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bênh động vật Bùi Thị Ly nhớ lại, 10 năm trước, các cán bộ, nhân viên thú y khi hoạt động nghiệp vụ rất khó khăn vì chủ yếu các công việc xét nghiệm đều làm bằng phương pháp thủ công. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, việc xét nghiệm nhanh hơn, công việc cũng bớt vất vả hơn. Vơi sự trợ giúp của bộ kít thử, hệ thống máy phân tích Elisa, các cán bộ phòng thử nghiệm có thể xét nghiệm phát hiện, định lượng được kháng thể kháng vi rút của một số loại vi rút gây bệnh trên gia súc, gia cầm, kháng thể lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn… Đặc biệt, trước đây với các biện pháp thủ công, máy móc đơn thuần, phòng thử nghiệm chỉ được Cục Thú y công nhận đủ năng lực xét nghiệm vi trùng với 6 loại vi khuẩn chính thì nay phòng thử nghiệm đã thực hiện xét nghiệm 38 chỉ tiêu thử nghiệm được công nhận là phù hợp với tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 ở cả hai lĩnh vực sinh học và hóa học.
Nổi bật nhất là những tiến bộ kỹ thuật ứng dụng để chẩn đoán, điều trị bệnh động vật đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Theo bác sĩ thú y Vũ Thị Bích Nguyệt, Phó trưởng Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật, trước năm 2011, việc điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm chủ yếu theo kinh nghiệm; tuy nhiên, thời gian gần đây, các bác sĩ thú y được hỗ trợ các phương tiện để có thể điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm chính xác, hiệu quả hơn. Cụ thể, các bác sĩ sử dụng các test thử nhanh để chẩn đoán sớm các bệnh đường ruột, hô hấp ngay từ đầu, nhờ vậy, việc điều trị nhanh hơn, tỷ lệ gia súc, gia cầm rủi ro bị chết giảm hơn trước. Tại các phòng khám thú y hiện nay, các bác sĩ sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật hiện đại đối với việc điều trị bệnh cho thú cảnh như truyền dịch, truyền máu, siêu âm, xét nghiệm nước tiểu… để thực hiện các phẫu thuật như: mổ đẻ, mổ u, nối ruột, bó bột gãy xương… Vì vậy, phần lớn các bệnh kể cả một số bệnh nguy hiểm đối với thú cảnh được các bác sĩ điều trị hiệu quả cao. Việc sử dụng thuốc trong điều trị cũng có nhiều loại kháng sinh thế hệ mới có tác dụng nhanh đối với một số bệnh. Trước đây, khi gia súc, gia cầm bị các bệnh nguy hiểm như bệnh viêm phổi, viêm ruột, việc chữa trị, cứu sống gia súc, gia cầm rất khó, nhưng hiện nay, với sự hỗ trợ của các loại máy móc, thiết bị để chẩn đoán và các phương pháp chữa bệnh hiện đại, nhất là nhờ phương thức truyền dịch, truyền máu, số lượng chó, mèo và thú cảnh mắc bệnh được cứu, chữa khỏi bệnh tăng cao.
Mặc dù có nhiều thuận lợi hơn trong việc chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị bệnh nhưng hiện nay đội ngũ bác sĩ thú y còn mỏng, kiêm nhiệm cả việc chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh nên khó khăn hơn trong hoạt động nghiệp vụ. Hơn nữa, các loại máy móc, thiết bị mới đòi hỏi trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao mới đáp ứng yêu cầu, thực tế công việc. Vì vậy, thời gian tới, để việc chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị bệnh ngày càng hiệu quả hơn, ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ được đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn, kịp thời đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đầu tư thêm cho Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động một số trang thiết bị hiện đại khác như hệ thống máy PCR, máy sắc ký lỏng, máy chụp X-quang để chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh gia súc, gia cầm hiệu quả hơn.
Hải An