Print Thứ Bảy, 27/06/2020 19:46 Gốc

Theo đánh giá của Cục Công nghệ thông tin (CNTT) Bộ Giáo dục-Đào tạo, Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý giáo dục, hỗ trợ hoạt động dạy và học. Song, để CNTT thực sự là giải pháp trọng tâm đổi mới toàn diện trong giáo dục, rất cần sự đầu tư tập trung, lựa chọn các giải pháp thông minh, phần mềm hữu ích và cơ chế, chính sách phù hợp.

Nhiều giải pháp, ứng dụng hiệu quả cao

Sau thời gian dài nghỉ học do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, học sinh Trường THCS Đông Hải (quận Hải An) quay trở lại trường học và làm quen với cách điểm danh mới. Theo đó, học sinh điểm danh trên máy thông qua thẻ điểm danh, được tích hợp máy đo thân nhiệt cũng tự động đo thân nhiệt của học sinh trước khi vào lớp. Ngay sau đó, các thông tin về học sinh như thời gian đến lớp, tình trạng sức khỏe được lưu lại, gửi về ứng dụng trên điện thoại thông báo tới cha mẹ học sinh. Theo cô giáo Trần Thị Thắng, Hiệu phó Trường THCS Đông Hải, việc ứng dụng CNTT tạo sự kết nối chặt chẽ cha mẹ học sinh với giáo viên chủ nhiệm, thông tin hai chiều nhanh chóng, hỗ trợ tối đa trong công tác quản lý của nhà trường.

Từ năm học 2019-2020, chị Lê Thị Thu Hương, có con học Trường THCS Lương Khánh Thiện (quận Kiến An) chỉ cần nhập mã số vào phần mềm sổ liên lạc điện tử là có thể biết được kết quả học tập của con. Từ đó, chị Hương có thể chủ động trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để nhắc nhở việc học của con. Đồng thời, việc triển khai sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử giúp giáo viên giảm bớt ghi chép sổ sách, dành thời gian nâng cao chất lượng bài giảng.

Ứng dụng CNTT được coi là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Đến nay, 100% các trường trên địa bàn Hải Phòng được lắp đường truyền cáp quang FTTH tốc độ cao (16 và 32Mbps) phục vụ công tác quản lý và giảng dạy, tập trung đầu tư phòng tin học, trang bị máy tính, máy chiếu hoặc ti vi phục vụ cho việc giảng dạy. Tháng 1-2020, Sở Giáo dục- Đào tạo khai trương hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Việc đầu tư hạ tầng CNTT này chứng tỏ hiệu quả cao khi trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua, các trường đều tổ chức dạy trực tuyến, bảo đảm không để gián đoạn việc học. Bên cạnh đó, các trường luôn chú trọng ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Không còn là những bài giảng truyền thống, nhiều giáo viên chủ động nghiên cứu, xây dựng bài giảng E-Learning, sử dụng phần mềm trình chiếu, phần mềm hỗ trợ soạn giảng tương tác, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, phần mềm dạy học để đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, giúp học sinh dễ hiểu, hứng thú với bài học.

Tăng cường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc

Để tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT, Sở Khoa học-Công nghệ vừa phối hợp Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức hội thảo “Ứng dụng các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong các cấp giáo dục phổ thông”. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, các nhà trường cần quan tâm đổi mới công nghệ ngay từ bây giờ; đồng thời các cấp, ngành, đơn vị liên quan và nhà trường thể hiện trách nhiệm cao đối với việc đổi mới dạy và học bằng cách phối hợp tìm ra mô hình công nghệ phù hợp nhất, khả thi nhất, ứng dụng trong thực tiễn. Tại hội thảo, nhiều giải pháp thông minh, phần mềm hữu ích ứng dụng khoa học công nghệ trong giáo dục đào tạo được giới thiệu, như: giải pháp trường học thông minh, giải pháp tích hợp phòng học tương tác thông minh đa phương tiện giáo dục Stem trong các cấp giáo dục phổ thông, chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục và thanh toán không dùng tiền mặt tại trường học…

Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng để đầu tư ứng dụng CNTT trong giáo dục đồng bộ, trọng tâm, hiệu quả cao rất cần sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Bởi, trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế, việc xã hội hóa đầu tư CNTT trong giáo dục là giải pháp hữu hiệu. Ngoài việc tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ, còn cần những cơ chế, chính sách phù hợp. Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Ngô Quyền Trần Thị Hồng Hiệp cho biết, còn một số vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể trong xây dựng trường học điện tử. Với cấp tiểu học chưa có chỉ tiêu biên chế đối với giáo viên, cán bộ tin học gây khó khăn cho việc ổn định ứng dụng CNTT trong các nhà trường.

Do đó, để việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, Bộ Giáo dục-Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể trong việc triển khai xây dựng trường học điện tử, cho phép giáo viên chủ động cập nhật phiên bản phần mềm giảng dạy phù hợp thực tế. UBND thành phố, Sở Giáo dục-Đào tạo quan tâm bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị ứng dụng CNTT, sớm có cơ chế tuyển dụng nhân sự CNTT trong các nhà trường.

Nhân Lý

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục: Đầu tư tập trung, lựa chọn phù hợp
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác