Print Thứ Năm, 19/12/2019 10:58 Gốc

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp sạch, Hải Phòng tập trung triển khai 27 nhiệm vụ khoa học – công nghệ cấp thành phố, 56 nhiệm vụ cấp cơ sở. Trong đó, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, nâng cao thu nhập, đời sống của người nông dân, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.

Mang lại hiệu quả kinh tế cao

Theo Phó giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Lê Thị Tố Uyên, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tập trung giải quyết, đề xuất các giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu sản xuất; chế biến, bảo quản sản phẩm theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường; thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…

Việc triển khai các kết quả nghiên cứu được cụ thể hóa thành những dự án nông nghiệp công nghệ cao như: trồng rau, trồng hoa chất lượng cao và an toàn trong nhà lưới; phát triển chăn nuôi, thủy sản theo hướng thâm canh, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Như mô hình sản xuất rau cải bắp an toàn theo hướng VietGAP tại xã An Hòa (huyện An Dương). Anh Nguyễn Văn Bình, xã An Hòa, huyện An Dương cho biết: “Vùng trồng rau an toàn, chất lượng cao ở xã được cung cấp cho một số tỉnh, thành phố lân cận. Rau trồng quanh năm, nhưng dịp Tết là vụ lớn nhất, sản lượng rau bán ra thị trường cao gấp 3 đến 4 lần so với ngày thường và đây cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình ở đây”.

Nông dân chăm sóc dưa tại nông trường VinEco Hải Phòng.

Cùng với dự án trồng rau sạch ở xã An Hòa, một số dự án nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đang được triển khai tốt như mô hình nhân giống hoa hồng, hoa lan Dendro và trồng hoa lan Dendro thương phẩm tại phường Minh Đức (quận Đồ Sơn); nuôi tôm thẻ chân trắng, cá rô phi, gia súc, gia cầm ở các quận, huyện: Đồ Sơn, Dương Kinh, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Cát Hải… Những mô hình này tạo sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng, không gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế tăng gấp 1,5-2 lần so với mô hình không áp dụng VietGAP. Đồng thời, góp phần đa dạng hóa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện địa phương, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.

Nông dân chăm sóc ớt tại nông trường VinEco Hải Phòng.

Hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ mới

Theo quy hoạch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố phấn đấu hình thành 5870 ha khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các sản phẩm có lợi thế trên địa bàn 7 quận, huyện: Dương Kinh, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, An Dương và Kiến Thụy.

Theo ông Tạ Hữu Thanh, Phó trưởng Phòng Quản lý khoa học và công nghệ cơ sở (Sở Khoa học – Công nghệ), thực hiện mục tiêu trên cần bắt tay với các doanh nghiệp để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Hiện, Hải Phòng thu hút được 8 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích hơn 284,8 ha, vốn đầu tư khoảng 1.170 tỷ đồng. Điển hình là các dự án như Công ty TNHH Kỳ Duyên đầu tư dự án trồng trọt ứng dụng công nghệ cao ở xã Hùng Tiến (huyện Vĩnh Bảo); dự án trồng hoa cao cấp của Công ty cổ phần Châu Giang ở xã Đông Sơn (huyện Thủy Nguyên); dự án của VinEco tại xã Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo)… Thành phố cũng đang hỗ trợ 15 doanh nghiệp khảo sát, chuẩn bị đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dự kiến tổng diện tích hơn 1.834 ha, vốn đầu tư hơn 8.400 tỷ đồng…

Về phía các địa phương cần tăng cường kết nối “đặt hàng” các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu để tạo ra những giống cây, con có năng suất, giá trị kinh tế cao, phù hợp đặc thù từng địa phương. Đồng thời cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị hàng hóa, thu nhập cho người dân.

Được biết, ngành khoa học công nghệ đang đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân ứng dụng các công nghệ tiên tiến như thiết bị cảm biến, công nghệ đèn LED, công nghệ nhà kính, nhà lưới, công nghệ sinh học, thủy canh, tự động hóa, ứng dụng di động trong cung cấp thông tin về thời tiết, nông học, phát triển thị trường, kiểm soát giá cả, thanh toán… Đây chính là “công cụ” quan trọng người nông dân mạnh dạn xây dựng và triển khai có hiệu quả cao các ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp sạch trong giai đoạn tới.

Thanh Giang

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ứng dụng công nghệ phát triển nông nghiệp sạch: Góp phần nâng cao thu nhập của người dân
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác