Print Thứ bảy, 26/01/2019 16:58

Sở Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản gửi các cơ quan báo chí thành phố; văn phòng đại diện, phóng viên thường trú các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố; Cổng thông tin điện tử thành phố; phòng Văn hóa – Thông tin các quận, huyện; Đài Truyền thanh các quận, huyện; Cổng tin tức thành phố về việc tuyên truyền Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các đơn vị tuyên truyền nội dung Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hải Phòng ban hành kèm theo Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Theo Quy chế, tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hải Phòng, thôn được tổ chức ở xã; dưới xã là thôn. Tổ dân phố được tổ chức ở phường, thị trấn; dưới phường, thị trấn là tổ dân phố. Thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn (xã, phường, thị trấn sau đây gọi chung là cấp xã); nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của cấp trên giao.

Điều kiện lập thôn mới, phải có từ 400 hộ gia đình trở lên; thôn thuộc các xã khu vực miền núi, hải đảo phải có từ 200 hộ gia đình trở lên. Đối với tổ dân phố, phải có từ 500 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố thuộc các thị trấn khu vực miền núi, hải đảo phải có từ 300 hộ gia đình trở lên. Thôn và tổ dân phố cần có cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân. Đối với trường hợp đặc thù ở khu vực biên giới, đảo biệt lập trên biển cách xa đất liền, do việc di dân hình thành các cụm dân cư mới để bảo vệ đường biên giới, đòi hỏi phải thành lập thôn mới, tổ dân phố mới thì điều kiện và quy mô số hộ gia đình có thể thấp hơn.

Hội nghị của thôn, tổ dân phố được tổ chức ít nhất mỗi năm 02 lần (thời gian vào giữa năm và cuối năm); khi cần có thể họp bất thường. Thành phần hội nghị là toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố. Hội nghị do Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố triệu tập và chủ trì. Hội nghị được tiến hành khi có trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tham dự.

Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Phó trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố là những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Chế độ, chính sách đối với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Phó trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố do Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, quyết định. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Phó trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn những kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Phó trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được biểu dương, khen thưởng; không hoàn thành nhiệm vụ, có vi phạm khuyết điểm, không được nhân dân tín nhiệm thì tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Sở Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, quản lý, thẩm định hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố. Báo cáo UBND thành phố, Bộ Nội vụ về việc thực hiện Thông tư số 04/2012/TT-BNV và Thông tư số 09/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ và Quy chế này. 

Quy chế cũng quy định trách nhiệm cụ thể của các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện trong công tác phối hợp với Sở Nội vụ trong việc thực hiện Quy chế.


HT

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tuyên truyền Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác