Hưởng ứng “Ngày Khí tượng thế giới năm 2023” với Chủ đề “Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau ”, sáng 28/3, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phối hợp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Khí tượng thuỷ văn trên địa bàn thành phố năm 2023.
Tại Hội nghị, các đại biểu dự được nghe các Báo cáo viên là những người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực Khí tượng thủy văn phổ biến các quy định về quan trắc Khí tượng thủy văn; hướng dẫn lựa chọn, chỉ định bến Cảng có tính đại diện để tổ chức quan trắc Khí tượng thủy văn và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn từ đó giúp các tổ chức hiểu rõ hơn nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ công trình trong việc thực thi các văn bản pháp luật về khí tượng thủy văn; đồng thời, là tiền đề quan trọng để các đơn vị sớm tổ chức triển khai thực hiện Quyết định của UBND thành phố theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Khí tượng thủy văn.
Hội nghị cũng là cơ hội để các đại biểu tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như các ý kiến đề xuất, giải pháp, sáng kiến nhằm thực hiện tốt công tác khí tượng thủy văn, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước thành phố, các địa phương và doanh nghiệp trong công tác khí tượng thủy văn trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Sau Hội nghị, Ban Tổ chức cũng đề nghị các Sở, ngành, các địa phương rà soát lại các nhiệm vụ của ngành, địa phương mình có liên quan theo quy định tại Luật Khí tượng thủy văn để kịp thời chủ động hoặc phối hợp triển khai thực hiện; đồng thời đề nghị các chủ công trình thuộc đối tượng phải tổ chức quan trắc khí tượng thủy văn trên địa bàn thành phố nghiêm túc chấp hành thực hiện các quy định pháp luật về trách nhiệm của chủ công trình theo Quyết định của UBND thành phố.
Thông qua Hội nghị kêu gọi trách nhiệm của mỗi cá nhân cần thể hiện vai trò và trách nhiệm trước cuộc sống hiện tại và tương lai nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường.
Với vị trí là thành phố ven biển, Hải Phòng được đánh giá là 1 trong 13 thành phố cảng lớn trên thế giới có tỷ lệ tăng cao nhất về tài sản bị thiệt hại đến năm 2070 do biến đổi khí hậu (Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, năm 2016).
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế-xã hội nói chung và trên địa bàn thành phố Hải Phòng nói riêng. Trong những năm qua, khí hậu Hải Phòng có những biến đổi theo thời gian, thể hiện cả ở mức độ và xu thế tăng/giảm qua từng thời kỳ của một số yếu tố khí hậu như nhiệt độ, lượng mưa, tần số bão,… Bên cạnh đó là các hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán, ngập lụt, nắng nóng, rét đậm, rét hại thường xuyên xảy ra; bão lớn kết hợp triều cường gây úng ngập trên diện rộng và nhiễm mặn nguồn nước diễn ra thường xuyên hơn. Những biến đổi đó gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến đời sống, sản xuất của nhân dân và sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Luật Khí tượng thủy văn quy định nhiều nội dung của quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn, trong đó tại khoản 3 Điều 13 quy định rõ các công trình khi xây dựng, khai thác chịu tác động hoặc gây tác động đến điều kiện khí tượng thủy văn mà có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng, tài sản của cộng đồng thì chủ công trình phải tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin, dự liệu theo quy định.
Căn cứ khoản 3 Điều 2 Nghị định 48/2020/NĐ-CP, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-UBND ngày 18/02/2021 và Quyết định số 84/QĐ-UBND ngày 13/01/2023 về phê duyệt Danh mục các công trình và chủ công trình phải tổ chức quan trắc khí tượng thủy văn trên địa bàn thành phố Hải Phòng, gồm: Sân bay dân dụng, bến cảng thuộc cảng biển loại 1 theo danh mục cảng biển, bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải công bố; cáp treo phục vụ hoạt động tham quan, du lịch và Vườn quốc gia./.
Phương Mai