Print Thứ tư, 08/07/2020 13:30 Gốc

Sáng 8/7, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức Hội nghị tuyên truyền Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Gần 300 đại biểu là cán bộ công đoàn chuyên trách toàn thành phố và một số cán bộ công đoàn cơ sở trực thuộc tham dự Hội nghị.

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Lan – Viện Công nhân và Công đoàn cung cấp thông tin.

Trước đó, vào ngày 8/6, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu đồng thuận cao phê chuẩn Công ước số 105. Ngay khi hoàn thiện hồ sơ gia nhập, Việt Nam sẽ chính thức phê chuẩn công ước và tiêu chuẩn lao động quốc tế này sẽ có hiệu lực sau đó một năm. Với lần phê chuẩn này, Việt Nam đang chứng tỏ cam kết mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh chống lại lao động cưỡng bức dưới mọi hình thức. Việc phê chuẩn lần này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh con số ước tính toàn cầu của ILO cho thấy khẩn thiết phải thực hiện các biện pháp hiệu quả, khẩn cấp để xóa bỏ lao động cưỡng bức. Hơn nữa, thông qua việc phê chuẩn Công ước 105, Việt Nam đang tiến dần tới đạt được việc làm thỏa đáng và thực hiện được ở cấp quốc gia các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 2030 của Liên Hợp Quốc.

Việc phòng, chống sử dụng lao động cưỡng bức khuyến khích doanh nghiệp không thực hiện các hành vi cưỡng bức lao động, góp phần giúp cho hàng hóa của các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, tránh được các rủi ro bị cấm nhập hoặc bị tẩy chay bởi quốc gia nhập khẩu hàng hóa đó. Việc không sử dụng lao động cưỡng bức trong quá trình sản xuất ra các loại hàng hóa, dịch vụ cũng được coi là một thành phần của “giấy thông hành” của hàng hóa, dịch vụ đó khi tiếp cận thị trường toàn cầu.

Quang cảnh Hội nghị tuyên truyền.

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm hiệp định giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA), yêu cầu các quốc gia thành viên sẽ tiếp tục và duy trì các nỗ lực liên tục hướng tới phê chuẩn tất cả các công ước cơ bản này để đảm bảo rằng tự do thương mại góp phần bảo vệ quyền của người lao động và phân chia công bằng hơn những thành quả kinh tế đạt được từ tiến trình này.

Cũng trong ngày 08/6/2020, Quốc hội đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA và theo dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8. Cùng với Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam – EU trong thập kỷ tới cũng như mở ra cánh cửa cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Lao động cưỡng bức được hiểu là công việc được thực hiện một cách không tự nguyện, phải làm dưới sự đe dọa của một hình phạt nào đó. Lao động cưỡng bức chỉ những tình huống trong đó con người bị ép buộc phải làm việc thông qua việc sử dụng bạo lực hoặc đe dọa, hoặc bằng những biện pháp tinh vi hơn như thao túng khoản nợ, giữ giấy tờ nhân thân, hoặc đe dọa tố cáo với các cơ quan quản lý di trú. Lao động cưỡng bức làm tổn hại nhân phẩm con người, không cho người lao động khả năng được tìm kiếm sự đầy đủ về vật chất và phát triển tinh thần dựa trên ý chí tự do.

V.H.N

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tuyên truyền Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức của Tổ chức Lao động quốc tế và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác