Print Thứ Tư, 03/04/2019 12:00

Sở Giáo dục và Đào tạo (GĐ-ĐT) Hải Phòng vừa có văn bản công bố môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019 – 2020. Theo đó, ngoài 3 môn thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, môn thi thứ 4 trong kỳ thi lần này là môn Lịch sử.

Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền) trong giờ học môn Sử chuẩn bị cho kỳ thi vào 10 năm học 2019-2020. Ảnh: Đỗ Hiền

Không quá bất ngờ khi Lịch sử là môn được chọn

Theo kết quả bốc thăm ngẫu nhiên từ 6 môn: Lịch sử, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Giáo dục công dân, Địa lý, học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ phải thi 4 môn gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại Ngữ, Lịch sử. Hình thức thi tuyển sẽ gồm 3 bài thi Ngữ văn, Toán và bài thi tổ hợp kiến thức 2 môn (gồm Ngoại Ngữ và Lịch sử). Đây là lần thứ hai, Sở GĐ-ĐT thực hiện hình thức bốc thăm môn thi thứ 4 trong bài thi tổ hợp kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, bắt đầu từ năm học 2018-2019. Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết: “Thực hiện việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đổi mới phương thức, nội dung học và thi, trong những năm qua, Hải Phòng luôn đổi mới để đáp ứng yêu cầu việc học và thi một cách công khai, minh bạch”.

Về ý kiến cho rằng thời gian công bố môn thi thứ tư quá sát với kỳ thi, ông Trường khẳng định việc Sở tổ chức bốc thăm môn thi thứ 4 vào cuối tháng 3 để nhà trường và học sinh tổ chức dạy và học đủ các môn trong chương trình lớp 9, bảo đảm lượng kiến thức toàn diện. Thời điểm công bố môn thi đến lúc thi cũng còn hơn hai tháng, đủ thời gian để học sinh ôn tập. Hơn nữa, sở có chủ trương ngay từ đầu năm học yêu cầu các trường THCS dạy đều tất cả các môn, không để xảy ra tình trạng học lệch, học tủ.

Trên thực tế, bản thân học sinh lớp 9 và phụ huynh cũng có suy nghĩ tích cực ngay khi biết tin môn thi thứ tư là Lịch sử. Em Vũ Sơn Bách, học sinh lớp 9D7 Trường THCS Tô Hiệu (quận Lê Chân) chia sẻ: “Khi biết tin thi vào môn Lịch sử, bản thân em và các bạn trong lớp, trong khối không quá bất ngờ. Bởi từ đầu năm học, em định hướng ôn tập đều tất cả các môn, không thiên lệch bất cứ môn học nào. Thời gian tới, em chỉ hệ thống lại kiến thức cho thêm phần chắc chắn hơn”. Chung quan điểm với Bách, em Đỗ Thế Quang, học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Phú (quận Lê Chân) cho biết: “Nhiều bạn than môn Lịch sử khó học, kiến thức dài, phải nhớ nhiều về ngày, tháng, sự kiện… nhưng em lại thấy môn này rất dễ học và học rất thú vị. Theo em, không có môn nào dễ, cũng không có môn nào khó, chỉ cần có phương pháp học đúng đắn sẽ không khó để đạt điểm cao”.

Ngay sau khi biết thông tin môn thi thứ tư, các trường THCS trên địa bàn thành phố cũng có những sự chuẩn bị nhất định. Hiệu trưởng trường THCS Tô Hiệu (quận Lê Chân) Lê Thị Minh Tâm cho biết “Trường THCS Tô Hiệu, quán triệt ngay từ đầu năm học lớp 9 là học và ôn đồng đều tất cả các môn. Bởi vậy khi xác định được môn thi thứ tư là Lịch sử, học sinh rất phấn khởi và tập trung vào ôn luyện. Về phía nhà trường vẫn cho học sinh ôn luyện bình thường tất cả các môn lớp 9 đến hết ngày 18-5. Sau khi các em kết thúc thi học kỳ, nhà trường mới bắt đầu tiến hành ôn tập các môn có trong chương trình thi tốt nghiệp THCS, theo đúng yêu cầu từ Sở GD-ĐT.

Cần ôn tập đúng phương pháp

Mặc dù không quá bất ngờ, nhưng đối với nhiều học sinh, Lịch sử vẫn là một môn học không hề “dễ xơi”, bởi khối lượng kiến thức đồ sộ về các mốc thời gian, địa điểm, tên tuổi… đòi hỏi các em phải học thuộc lòng nhiều.

Đặc biệt, trong nhiều kỳ thi trước đó, Lịch sử luôn là môn có số thí sinh bị điểm liệt cao nhất nên phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. Chính vì vậy tại thời điểm này, học sinh cần chọn cho mình phương pháp hệ thống lại kiến thức một cách khoa học. Em Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 9 trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền) chia sẻ phương pháp tự ôn môn Lịch sử: “ Theo em cần ghi chép bài đầy đủ trên lớp, áp dụng các phương pháp học sơ đồ tư duy sẽ dễ nhớ, dễ hiểu hơn học thuộc lòng một cách máy móc. Thi trắc nghiệm quan trọng nhất là nhớ ngắn gọn các mốc thời gian, sự kiện để chọn đáp án đúng, nên em thường xem các dữ kiện, tư liệu lịch sử trên sách báo, in-tơ-net để hiểu và nhớ lâu hơn.”

Cô giáo Hoàng Thị Thu Huyền, trưởng nhóm lịch sử trường THCS Tô Hiệu (quận Lê Chân) cho biết “Sách giáo khoa lớp 9 là kim chỉ nam để học sinh ôn luyện trong thời gian còn lại. Học sinh cần đọc kỹ sách giáo khoa, trả lời các câu hỏi cuối bài, chú ý đọc các bài tổng kết để khái quát kiến thức. Đồng thời cần hệ thống kiến thức theo sơ đồ tư duy để dễ nhớ các kiến thức cơ bản, dễ tra cứu khi cần”. Ngoài ra, cô Huyền cũng khuyên học sinh cần bình tĩnh, lên kế hoạch học tập và ôn luyện trong thời gian còn lại cho môn Lịch sử nói riêng và cả 4 môn thi tuyển vào lớp 10 hợp lý. Những vấn đề khó khăn vướng mắc có thể tạo nhóm bạn cùng học để thảo luận hoặc hỏi trực tiếp giáo viên giảng dạy. Đặc biệt, không nên đi học thêm tràn lan để dẫn tới tình trạng quá tải, mệt mỏi, ảnh hưởng đến kết quả học tập chung.

Kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2019 ở Hải Phòng sẽ diễn ra vào đầu tháng 6-2019. Thông tin từ Sở GD-ĐT Hải Phòng, toàn thành phố có hơn 24.000 học sinh tham gia dự thi, giảm hơn 1.000 học sinh so với kỳ thi năm trước. Đề thi hoàn toàn nằm trong chương trình sách giáo khoa lớp 9, việc ra đề phù hợp kiến thức đã học theo 4 mức nhận biết, hiểu, vận dụng, vận dụng nâng cao, không đánh đố học sinh.

Lê Hiệp

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020: Môn Lịch sử không đáng lo
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác