Print Thứ Sáu, 26/05/2023 12:20 Gốc

Ngày 26.5, Trường Đại học Luật Hà Nội công bố điểm chuẩn trúng tuyển trình độ đại học theo phương thức xét kết quả học bạ bậc THPT. Điều đặc biệt là ngành Luật Kinh tế, xét tuyển bằng tổ hợp 3 môn khối A01 của trường này có điểm chuẩn lên đến 30,30 điểm.

Năm 2023, mức điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ vào Trường ĐH Luật Hà Nội dao động từ 22,43-30,30 điểm, đã bao gồm điểm khuyến khích, ưu tiên. Thí sinh phải đạt điểm trung bình 9 điểm/môn mới đỗ vào trường.

Trong đó, ngành Luật Kinh tế xét tuyển bằng tổ hợp A01 có mức điểm chuẩn học bạ cao nhất, với 30,30 điểm. Như vậy, ngoài điểm học bạ cao, thí sinh cần có điểm khuyến khích, ưu tiên mới có cơ hội trúng tuyển vào trường.

Ngành Luật Thương mại quốc tế cũng có mức điểm chuẩn học bạ từ 29 điểm trở lên với các tổ hợp xét tuyển. Các ngành khác đào tạo tại phân hiệu Đắk Lắk lấy điểm chuẩn từ 22,43-23,8.

Mức điểm chuẩn trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm vừa được Trường Đại học Luật công bố. Điểm trúng tuyển là tổng điểm trung bình cộng 5 học kỳ THPT (trừ kỳ II lớp 12) của ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển cộng điểm ưu tiên và điểm khuyến khích nếu có.

Mới đầu mùa tuyển sinh 2023, nhưng câu chuyện 30 điểm có thể vẫn không đỗ đại học của năm trước lại lặp lại.

Những năm trước đó, nhiều thí sinh bị “choáng” khi điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ cao ngất ngưởng, xuất hiện nhiều ngành có mức điểm chuẩn vượt trần, thí sinh 30 điểm vẫn trượt đại học. Điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cũng vượt ngưỡng 30 điểm/3 môn.

Để hạn chế tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi cách tính điểm ưu tiên và điểm mới này bắt đầu thực hiện từ năm 2023.

Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 – tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Với cách tính này, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ bắt đầu giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn.

Như vậy, nếu học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Tuy nhiên, nếu thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3, còn nếu đạt 29 điểm chỉ còn được cộng 0,1 điểm ưu tiên khu vực.

Thí sinh đạt 30 điểm không còn điểm ưu tiên, do đó, không thí sinh nào có điểm xét tuyển vượt quá 30, các ngành điểm cao việc cạnh tranh sẽ công bằng hơn.

Tuy nhiên, việc áp dụng quy định mới này đang có nhiều khúc mắc, các trường cũng lúng túng không biết chỉ áp dụng với phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT hay áp dụng cho tất cả các phương thức tuyển sinh, trong đó có xét điểm học bạ.

Nhiều đại học áp dụng cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy định riêng vào công thức tính điểm xét tuyển bằng phương thực học bạ, nên mới xảy ra chuyện tiếp tục tái diễn tình trạng điểm chuẩn vượt mức 30 điểm như Trường Đại học Luật Hà Nội vừa công bố.

Trao đổi với Lao Động, lãnh đạo một trường đại học ở Hà Nội cho biết, việc cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy định riêng là lý do chính khiến mức điểm chuẩn xét tuyển học bạ vượt mốc tối đa – 30 điểm.

Việc các trường cộng thêm điểm khuyến khích nhằm củng cố chất lượng đầu vào, nhất là tuyển được những thí sinh có chứng chỉ quốc tế hay các em có thành tích khác.

Có điều, việc cộng dồn nhiều điểm ưu tiên từ các tiêu chí khác bên ngoài học bạ khiến điểm chuẩn “vượt trần” và dẫn đến dư luận không tốt.

Bích Hà

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tuyển sinh năm 2023 bất ngờ tái diễn việc điểm chuẩn trên 30 mới đỗ đại học
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác