Tại Hải Phòng, tuyển sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10) tăng từ trên 3.000 đến gần 6.000 tùy cấp. Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hải Phòng thì đây là số tăng không lớn, chưa đến mức quá tải, gây áp lực cho địa phương…
Mùa thi đang nóng lên từng ngày. Ảnh: Thủy Chung
Học sinh “thế hệ vàng” tăng vọt
Chạy theo quan niệm “Đinh, Nhâm, Quý có tài”, nhiều gia đình chọn những năm này sinh con. Năm 2018, lứa học sinh “rồng vàng” – sinh năm Nhâm Thìn, 2012 – vào lớp 1; Đinh Hợi – “lợn vàng”, 2007 – vào lớp 6 và Quý Mùi – “dê vàng”, 2003 – sẽ vào lớp 10. Số học sinh “thế hệ vàng” tăng vọt so với mọi năm nên ngay từ khi chưa kết thúc năm học này, nhiều phụ huynh đã lo lắng, tìm mọi cách “chạy” trường cho con.
Chị Hoàng Nga, nhà ở quận Hải An cho rằng, năm nay nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 lo sớm hơn những năm trước, ngay từ khi các con còn chưa hoàn thành khóa mầm non đã vội chạy đôn, chạy đáo tìm trường, tìm lớp cho con học năm tới. Làm việc ở một doanh nghiệp tại khu vực trung tâm thành phố, chị Nga muốn con học gần đó nên sẵn sàng dù giá nào cũng sẵn sàng để đạt mục đích.
Chị cho hay, dù mất bao nhiêu phí trái tuyến, thậm chí ngay cả những chí phí khác nữa cũng phải cho con vào lớp tốt nhất của trường A. để mẹ con đưa đón cho tiện. Một số phụ huynh khác cho hay, họ sẵn sàng chấp nhận cho con học trái tuyến vì “trường phố”, danh tiếng, chất lượng giảng dạy của giáo viên sẽ tốt hơn “trường làng”. “Lớp 1 quan trọng nhất, đầu có xuôi, đuôi mới lọt, nên để có môi trường học tập tốt cho con, giá nào tôi cũng chấp nhận”, một phụ huynh khẳng định.
Không chỉ lứa “rồng vàng” vào lớp 1, cuộc cạnh tranh của thế hệ “lợn vàng”, sinh năm 2007, vào lớp 6 cũng bắt đầu nóng lên. Thậm chí, nhiều phụ huynh nhận định cuộc đua vào lớp 6 khó hơn bao giờ hết khi tại một số trường điểm ở khu vực trung tâm có số lượng “đầu vào” lớn, trong khi số phòng học vẫn còn hạn chế, chỉ tuyển sinh được một số lượng có hạn dẫn đến cần xét tuyển đầu vào.
Có con sinh năm “lợn vàng”, chị Thu Minh 41 tuổi, nhà ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng cho hay, vì học trái tuyến nên dù biết con nhiều khả năng sẽ được chuyển hồ sơ lên trường cấp hai cùng địa bàn với trường cấp một, tuy nhiên “chắc vẫn hơn”, chị vẫn mong tìm được “người quen” nào giới thiệu để được đến nhờ vả trước, tìm lớp tốt cho con học.
Đối với thế hệ “dê vàng”, sinh năm 2003, cuộc thi vào cấp ba bắt đầu khởi động năm nay cho thấy một cuộc đua không dễ dàng để vào được trường đúng nguyện vọng. Nhiều bố mẹ đã lập hội để bên cạnh việc bắt con học thêm hết chỗ này đến chỗ khác thì thậm chí còn tìm đến cả giải pháp tâm linh tập thể chỉ mong sao con thi đỗ vào trường A, trường B…
Chị Thu Hiền, nhà ở quận Hồng Bàng vội vàng nhiều ngày nay để chuẩn bị lễ cùng các bố mẹ trong nhóm đi cầu phúc tại Đập Tam Kỳ mong cho con chị năm nay thi đỗ vào trường THPT Ngô Quyền. “Trường này khó, tỷ lệ chọi cao thuộc top đầu các trường THPT công lập không chuyên. Dù con mình học cũng khá, song để tự tin hơn thì “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” mình cũng cùng các bố mẹ đi cầu phúc cho con…”, chị Hiền cho hay.
Cuộc đua vào lớp 6 cũng nóng không ít. Ảnh: Thủy Chung
Không áp lực tuyển sinh đầu cấp
Số lượng học sinh các lớp đầu cấp trên địa bàn Hải Phòng tăng mạnh trong năm học 2018 – 2019: Lớp 1 có 44.235 học sinh, tăng 5.832 học sinh so với năm học 2017 -2018; Lớp 6 có 31.904 học sinh, so với năm học 2017 – 2018 tăng 3.603 học sinh. Lớp 10 có 22.600 học sinh, tăng khoảng 3.600 học sinh so với năm học trước (sau phân luồng).
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở GD-ĐT, để ngăn ngừa tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định, sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong toàn thành phố thực hiện việc dạy thêm, học thêm đúng theo quy định của Bộ GD-ĐT và UBND thành phố; tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.
Học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh. Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Để chuẩn bị đối phó với việc tăng ở “đầu vào”, ngoài nguồn ngân sách của thành phố phân cấp cho quận/huyện để đầu tư xây mới và mua sắm trang thiết bị, ngành GD-ĐT Hải Phòng cũng tập trung đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục nhà lớp học và các công trình phụ trợ 17 tỉ đồng, mua sắm trang thiết bị dạy học khoảng 10 tỉ đồng.
Về đội ngũ, Sở GD-ĐT đã tập huấn công tác đánh giá giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp của Bộ GD-ĐT cho 534 cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, 472 CBQL và giáo viên tiểu học, 420 CBQL và giáo viên THCS, 114 CBQL và giáo viên THPT. Đồng thời, Sở GD-ĐT bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho 100 giáo viên tiếng Anh; bồi dưỡng chính trị cho 84 giáo viên dạy Giáo dục công dân; tập huấn phương pháp dạy học các môn học và phương pháp hướng dẫn học sinh tự học cho 2.643 giáo viên ở tất cả các môn; tập huấn chương trình tiếng Anh mới cho 316 giáo viên; bồi dưỡng chuyên đề Áp dụng những thành tố tích cực của Mô hình VNEN trong dạy học và nâng cao kỹ năng đánh giá học sinh theo Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT cho 1414 CBQL, giáo viên.
Trước mỗi nội dung đổi mới trong công tác quản lý, điều hành, Sở GD-ĐT luôn cầu thị xin ý kiến và lắng nghe góp ý của các nhà quản lý, nhà giáo lão thành, cựu giáo chức, cán bộ quản lý đương nhiệm, cán bộ, giáo viên, học sinh. Mọi chủ trương, chính sách đều được công khai hóa bằng nhiều hình thức, vừa là cung cấp thông tin đến người dân, vừa là để nhận lại những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng. Nhờ đó luôn tạo được tâm lý vàng và sự đồng thuận trong học sinh và phụ huynh học sinh.
Cũng theo đánh giá của Giám đốc Sở GD-ĐT, Hải Phòng với dân số gần 2 triệu người nên năm 2018 số lượng học sinh lớp 9 dự thi vào lớp 10 THPT có tăng song số lượng không lớn. Giai đoạn trước đây có những năm số lượng học sinh lớp 9 là 34.000 em; năm học 2017 – 2018 số lượng học sinh lớp 9 là 25.000 em.
Vì vậy, cơ sở vật chất ở các trường THPT công lập vẫn đủ đáp ứng để đón các em vào học. Kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2018 – 2019, Hải Phòng có tỷ lệ phân luồng là 12%. Số học sinh còn lại là 75% học công lập, 25% học ngoài công lập. Số các trường nghề và các trung tâm GDNN, GDTX của Hải Phòng đủ điều kiện để học sinh vào học sau phân ban.
An ninh Hải Phòng 25/5/2018