Print Thứ Ba, 03/11/2020 20:30 Gốc

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đang bước vào mùa mua sắm lớn nhất trong năm với những chương trình khuyến mại hay giảm giá sâu, kéo dài như: Black Friday, Tết Dương lịch… Điều này đã và đang tạo ra những thách thức không nhỏ trong việc quản lý, bởi những đối tượng xấu có thể lợi dụng để trà trộn hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng giả để trục lợi.

Theo tổ chức We Are Social Report, các quốc gia Đông Nam Á có thể mất 260 triệu USD bởi gian lận trực tuyến trong TMĐT. 3 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất về tình trạng này là Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Thực tế tại Việt Nam, thời điểm này năm 2019, lực lượng chức năng đã xử lý hàng nghìn vụ vi phạm liên quan đến các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp Black Friday và Tết như: Quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, thuốc lá, hàng điện tử điện lạnh, mỹ phẩm…

Lo ngại việc giảm giá mạnh từ 10-80% của các hệ thống kinh doanh trong dịp này để thu hút khách hàng nhằm xả hàng tồn kho thời điểm cuối năm dẫn đến những đối tượng xấu lợi dụng để trà trộn hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng giả để trục lợi như những năm trước, lực lượng chức năng đã tăng cường, siết chặt kiểm soát.

Trong mùa khuyến mại, người tiêu dùng cần đến địa chỉ uy tín để mua sắm.

Trước thực trạng này, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã xây dựng Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT; thời gian thực hiện kế hoạch kéo dài từ ngày 1/11/2020 đến ngày 31/10/2023. Theo đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở để hoàn thiện cơ chế, chính sách thích ứng với pháp lý và tập quán quốc tế về hoạt động TMĐT. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TMĐT, về các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trong hoạt động TMĐT; tạo sức lan tỏa sâu, rộng để người dân tích cực, chủ động tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trong hoạt động này.

Cùng với đó, chú trọng nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, hợp tác quốc tế với các tổ chức có liên quan…; nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu các website cung cấp dịch vụ TMĐT; rà soát lại hệ thống văn bản pháp lý để có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế… nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động TMĐT.

Cục TMĐT&KTS đang phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường để hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Anh Trang

Tiện ích thông tin
QR Code
QR CODE: Tuyên chiến với gian lận trực tuyến
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác