Tây Bắc không chỉ có hoa ban…
Nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 320km, Sơn La cùng với các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, tạo thành “mái nhà” của đồng bằng Bắc Bộ, với địa hình phần lớn là núi đồi. Sơn La có vị trí địa lý khá đặc thù, dù cắm sâu vào lãnh thổ Việt Nam, tiếp giáp với 5 tỉnh khác, nhưng lại có tới 250km đường biên giới chung với nước bạn Lào.
Dân số Sơn La có trên 1,2 triệu người, với 12 dân tộc anh em đang chung sống, trong đó dân tộc Thái chiếm tới 54%, dân tộc Kinh chiếm 18%, còn lại là các dân tộc Mông, Mường, Dao, Khơ Mú, Xinh Mun…
Tỉnh có 2 cao nguyên rất nổi tiếng là Mộc Châu và Nà Sản, đặc biệt đang sở hữu công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, có tiềm năng khá lớn về phát triển du lịch và sản xuất, chế biến hàng nông lâm sản.
Cao nguyên Mộc Châu có độ cao trung bình 1.050 m so với mực nước biển, mang đặc trưng của khí hậu cận ôn đới, đất đai màu mỡ phì nhiêu, thuận lợi cho phát triển cây chè, cây ăn quả và chăn nuôi bò sữa. Cao nguyên Nà Sản có độ cao trung bình 800 m, chạy dài theo trục quốc lộ 6, đất đai phì nhiêu thuận lợi cho phát triển cây mía, cà phê, dâu tằm, xoài, nhãn, dứa…
Ngoài tiềm năng để phát triển một số cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc ăn cỏ, phát triển rừng nguyên liệu, Sơn La còn có nhiều lợi thế để phát triển nhiều loại cây, con khác có giá trị kinh tế cao, tham gia vào thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt những năm gần đây, Sơn La trở thành hiện tượng của cả nước trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác hiệu quả tiềm năng từ đất nông nghiệp. Nhiều sản phẩm trước kia ít xuất hiện đại trà ở các vùng trồng phía Bắc Việt Nam, thì nay đã trở thành thế mạnh của Sơn La như xoài, bơ, mít giống Thái…
Chỉ riêng mặt hàng xoài, tính từ đầu vụ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tiêu thụ khoảng 22 nghìn tấn, trong đó xuất khẩu hơn 5 nghìn tấn. Thành tựu đó đã đưa Sơn La vào bản đồ nhận diện thương hiệu ấn tượng trên thị trường hoa quả Việt Nam và quốc tế.
Tất cả được hiển hiện khá rõ trong “Tuần hàng nông sản an toàn và giới thiệu sản phẩm du lịch Sơn La năm 2020” vừa được chính thức khai trương tại thành phố Hải Phòng.
Trở lại với “Tuần hàng nông sản an toàn và giới thiệu sản phẩm du lịch Sơn La năm 2020”, chương trình được UBND tỉnh Sơn La giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, phối hợp với nhiều sở, ngành, đơn vị khác của Sơn La và Hải Phòng tổ chức.
Theo ông Vũ Đức Thuận – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La, đây là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức tại thành phố Hải Phòng, nhằm quảng bá, kích cầu, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông sản an toàn, cũng như quảng bá các sản phẩm du lịch của tỉnh Sơn La.
Cũng theo ông Vũ Đức Thuận, “Tuần hàng nông sản an toàn và giới thiệu sản phẩm du lịch Sơn La năm 2020” tại Hải Phòng thu hút 25 doanh nghiệp, Hợp tác xã, với 30 gian hàng. Sản phẩm được chia thành các nhóm: nhóm sản phẩm quả tươi; nhóm rau-củ-quả; nhóm thực phẩm qua chế biến…
Qua đó giới thiệu với người tiêu dùng Hải Phòng và khu vực lân cận những mặt hàng nông sản an toàn của Sơn La, đảm bảo tiêu chuẩn chứng nhận an toàn thực phẩm (VietGAP, GolbalGAP, Organic). Trong đó sản phẩm chủ đạo có thể kể: xoài giống Úc, bơ, vải, mận hậu, chanh leo, chuối tây, bí ngô bao tử, mướp hương, rau cải mèo…
Trên lĩnh vực du lịch, cũng trong chương trình này, Hiệp hội du lịch Sơn La phối hợp với Hiệp hội du lịch Hải Phòng, tổ chức các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa du lịch tiêu biểu như: du lịch cộng đồng bản Hua Tạt; du lịch nông nghiệp (lễ hội trà Mộc Châu, ngày hội hái quả); phát triển đặc sản địa phương (nếp Mường Chanh, chè Tà Xùa, hồng giòn Mộc Châu, hội thi hoa hậu bò sữa Mộc Châu); các lễ hội văn hóa: lễ hội hoa ban Vân Hồ, lễ hội “Hết chá”, Ngày hội văn hóa các dân tộc (Mộc Châu)… cùng một số sản phẩm lưu niệm tiêu biểu.
“Tỉnh Sơn La hy vọng, qua hoạt động này, Hải Phòng với vị thế trung tâm sẽ góp phần tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, để Sơn La được nhiều người biết đến theo một góc nhìn mới mẻ…”, ông Vũ Đức Thuận chia sẻ.
Có thể nói, “Tuần hàng nông sản an toàn và giới thiệu sản phẩm du lịch Sơn La năm 2020” không đơn thuần là chương trình xúc tiến thương mại, du lịch của tỉnh bạn, mà còn là cầu nối văn hóa, để người Hải Phòng hiểu rõ hơn về một trong những tỉnh miền núi cao nhất Tây Bắc Việt Nam.
Nơi đây, miền đất và con người Sơn La suốt gần một thế kỷ qua, đã trân trọng lưu giữ di vật thiêng liêng, biểu tượng của tinh thần cách mạng quật cường, đó là “Cây đào Tô Hiệu”. Di vật gắn liền với tên tuổi lãnh tụ Tô Hiệu – người lãnh đạo kiệt xuất của phong trào cách mạng Hải Phòng và vùng duyên hải Bắc Bộ trong những năm 30 của thế kỷ 20.
Lê Minh Thắng
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More