Y tế

Tự ý điều trị bệnh cơ xương khớp không đúng cách: Cẩn trọng kẻo “tiền mất, tật mang”

Thời gian gần đây, nhiều người bị tai nạn dẫn tới chấn thương xương khớp chủ quan áp dụng những biện pháp điều trị không phù hợp, khiến bệnh tình không thuyên giảm mà trở nên trầm trọng hơn.

Mắc bệnh nặng vì thiếu hiểu biết

Cách đây 5 tháng, bà Đàm Thị B., 68 tuổi, ở phường Đông Hải (quận Hải An) bị ngã đập vai xuống đất. Người bệnh đi chụp X-quang tại phòng khám tư nhân, được phát hiện bị trật khớp vai phải, nhưng không đến bệnh viện điều trị mà tự đi nắn chỉnh, đắp thuốc lá khoảng 10 lần trong 3 tháng (từ tháng 7 đến tháng 9/2022). Dù bệnh không thuyên giảm, nhưng người bệnh cũng không đi khám lại. Đến tháng 11/2022, người bệnh khám tại Khoa Vật lý trị liệu-Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Phòng), các bác sĩ chẩn đoán đứt hoàn toàn gân cơ khớp vai.

Không riêng bà B., nhiều người bệnh đau cơ xương khớp, đau vai gáy không đến các bệnh viện khám, điều trị, mà thường tìm đến các phòng khám y học cổ truyền không có chuyên môn hoặc cơ sở tẩm quất, massage để điều trị bệnh. Trước tâm lý nhiều người bệnh chuộng phương pháp y học cổ truyền như châm cứu, bấm huyệt khi bị đau cơ xương khớp, nhiều cơ sở quảng cáo chữa bệnh không đúng sự thật, đôi khi cam kết chắc chắn 100% khỏi bệnh nhưng thực tế không như vậy. Trong khi các cơ sở y tế có chuyên khoa lại chưa coi trọng công tác truyền thông. Khi người bệnh đến khám, chữa bệnh, nhân viên y tế chưa chú trọng tư vấn đầy đủ về quy trình, thời gian điều trị nên nhiều người khi thấy bệnh đỡ một phần liền bỏ điều trị theo phác đồ.

Người bệnh tập phục hồi chức năng tại Khoa Vật lý trị liệu-Phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Phòng.

Hãy là người bệnh sáng suốt

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Vũ Hữu Tuyên, Trưởng Khoa Vật lý trị liệu-Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Phòng), người mắc bệnh cơ xương khớp tự ý điều trị không đúng cách có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Để người không có chuyên môn điều trị, bệnh không khỏi, thậm chí gây ra các tai biến. “Không ít người bệnh đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện cho biết, ban đầu họ đến các phòng khám tư, cơ sở massage, tẩm quất vì thấy đau ở các cơ, khớp, nhưng sau khi điều trị tại đây, người bệnh thấy tình trạng sức khỏe không cải thiện, thậm chí có người bệnh bị liệt, gãy xương do nhân viên phòng khám tác động vào cột sống không đúng cách. Như vậy, người bệnh rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”, tốn tiền, tốn thời gian nhưng bệnh không thuyên giảm, thậm chí gây tai biến, trở nặng thêm”, bác sĩ Tuyên cho biết.

Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, người bệnh khi mắc các bệnh cơ xương khớp cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán bệnh chính xác, được tư vấn liệu trình điều trị phù hợp; tránh nghe quảng cáo, tự ý đến các cơ sở không có chuyên môn khám, chữa bệnh. Hiện, Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Phòng kết hợp nhiều biện pháp chữa bệnh. Các bác sĩ có thể kê đơn để người bệnh sử dụng thuốc thang hoặc thuốc hoàn một cách linh hoạt, đem lại hiệu quả điều trị khá tốt, có tác dụng lâu dài, đúng căn nguyên của bệnh. Còn với biện pháp không dùng thuốc, bệnh viện sử dụng các biện pháp vật lý trị liệu như châm cứu, cấy chỉ, tác động cột sống, giác hơi và các biện pháp khác đúng chuyên môn, kỹ thuật, giúp người bệnh cắt cơn đau và sớm hồi phục sức khỏe.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Xuân Phùng, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hải Phòng khuyến cáo, cùng với dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh cần quan tâm điều chỉnh chế độ ăn uống và vận động để được điều trị toàn diện và hiệu quả cao nhất. Khi dùng thuốc, người bệnh lưu ý sử dụng theo đơn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc nếu chưa được bác sĩ kê đơn. Trường hợp được bác sĩ kê đơn, cần tuân thủ đúng theo đơn thuốc, không tự ý tăng liều, không tự ý bỏ thuốc và đến tái khám theo đúng lịch hẹn; tránh lạm dụng các loại thuốc giảm đau hoặc thói quen “cứ đau là tiêm vào khớp”. “Người bệnh nên tập những bài tập nhẹ nhàng như yoga, đạp xe vì những bài tập này rất tốt với các bệnh cơ xương khớp; không nên chạy bộ, đá bóng… vì có thể khiến xương khớp bị dồn áp lực nhiều hơn và dễ tổn thương hơn”, bác sĩ Nguyễn Xuân Phùng lưu ý./.

Bài và Ảnh: Việt Hoàng

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More