Print Thứ sáu, 09/08/2019 09:26

Một cô gái trẻ vừa bị xử phạt sau khi đăng tải hình ảnh kèm bình luận mang tính xúc phạm, lăng mạ cảnh sát giao thông (CSGT) trên mạng xã hội. Sự việc một lần nữa cho thấy “lỗ hổng” về nhận thức của một bộ phận không nhỏ người sử dụng mạng xã hội hiện nay.

Ảnh minh họa.

Những bài học nhãn tiền

Ngày 6/8, Công an TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh phát đi thông tin về việc đơn vị ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Phạm Thị Hương (SN 1997, trú tại xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) về hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”. Tổng số tiền nữ sinh này phải nộp phạt là 7,5 triệu đồng.

Mọi chuyện bắt đầu từ việc Phạm Thị Hương và một người bạn gái tên Nguyễn Bích Quỳnh (SN 1992, trú tại, phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) bị CSGT TP Bắc Ninh xử phạt vì lỗi điều khiển xe máy điện không có BKS và không đội mũ bảo hiểm vào ngày 26/7.Nếu để lực lượng chức năng đi dò và xử phạt tất cả những trường hợp đó là điều không thể vì thế giới mạng quá rộng lớn, cộng đồng mạng quá đông đảo. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao có được hàng rào an ninh mạng để sàng lọc và ngăn chặn ngay từ đầu.

Chuyên gia Tâm lý học Đinh ĐoànTrong lúc người bạn mình đang làm việc với cơ quan chức năng, Hương dùng điện thoại di động cá nhân chụp hình lại rồi đăng tải lên tài khoản Facebook cá nhân là “Hương tít” kèm theo nội dung: “Đùa chứ không nói thì thấy bực mình sáng sớm ra đi ăn sáng, con xe đạp điện nó cũng không tha, đói lắm rồi hay sao ấy, bu như ruồi vậy đó!!! TP Bắc Ninh”. Nữ sinh này không ý thức được hành vi của mình là xúc phạm danh dự, uy tín của lực lượng CSGT Công an TP Bắc Ninh nói riêng và lực lượng CAND Việt Nam nói chung. Sai phạm này được quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Đến khi làm việc với cơ quan công an, Phạm Thị Hương mới hiểu rõ mức độ nghiêm trọng trong hành vi của mình. Cô gái trẻ khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình, đồng thời cam kết sẽ gỡ bỏ bài viết và xóa bỏ toàn bộ những dữ liệu, hình ảnh liên quan tới lực lượng công an.

Sự việc trên không phải là trường hợp duy nhất, bởi trước đó, ngày 31/1/2018, Công an huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (7,5 triệu đồng) về hành vi nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của lực lượng CSGT trên Facebook đối với 6 cá nhân tại địa phương. Xa hơn là năm 2015, hai đối tượng đều ở TP Hải Phòng là Nguyễn Đức Hảo (SN 1994, quận Ngô Quyền) và Hoàng Anh Thư (SN 1992, quận Kiến An), đã bị cơ quan công an bắt giữ vì hành vi đưa, sử dụng trái phép thông tin trên internet. Hai đối tượng này lập hẳn một trang trên Facebook với tên gọi “Tránh chốt CSGT Hải Phòng” rồi đăng tải nhiều bài viết, bình luận có nội dung nói xấu, bôi nhọ và hạ uy tín của lực lượng CSGT.

Chợ nào cũng cần có ban quản lý…

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn khẳng định, phần lớn người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay đều hổng kiến thức về pháp luật. “Nước ta hiện đã có Luật An ninh mạng nhưng phần lớn người sử dụng mạng xã hội đều không nắm rõ điều gì được phép, điều gì bị cấm trên mạng xã hội” – Chuyên gia Đinh Đoàn nói. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên chính là công tác phổ biến luật hiện vẫn còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả.

Chuyên gia Đinh Đoàn đưa ra so sánh, mạng xã hội giống như một cái chợ và cũng cần có Ban quản lý để điều hành, quản lý mọi hoạt động. “Không thể xây một cái chợ lên rồi bỏ mặc ai muốn vào, muốn làm gì thì làm. Do đó, phải quy trách nhiệm cụ thể đối với tất cả các bên. Đầu tiên là trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội. Thứ hai là trách nhiệm của đơn vị sáng lập Facebook phải quản lý, sàng lọc mọi thông tin, nội dung bình luận độc hại, sai phạm” – chuyên gia Đinh Đoàn khẳng định.

Về luật pháp, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội khuyến cáo, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đã có những quy định cụ thể về các hành vi bị cấm trên mạng xã hội. Ngoài ra, Luật An ninh mạng có hiệu lực từ 1/1/2019 cũng quy định rõ ràng các hành vi vi phạm khi sử dụng mạng xã hội. Để tránh vi phạm dẫn đến bị xử phạt, mọi người nên tìm hiểu kỹ các văn bản luật này chứ không thể phát ngôn bừa bãi, xúc phạm đến tổ chức, cá nhân dù là trên mạng ảo.

Nguồn. Kinh tế & Đô thị

Tiện ích thông tin
QR Code
QR CODE: Từ vụ nữ sinh bị phạt nặng vì nói xấu CSGT trên mạng xã hội: Không thể nói bừa
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác