Trước sự gia tăng của dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố trong thời gian này, không ít gia đình lo lắng, nên tự ý mua các loại hóa chất diệt muỗi bán tràn lan trên thị trường và phun tại nhà. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, việc làm này nếu không đúng cách sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.
Nắng nóng kéo dài sau đó mưa ngập ngõ nên thời gian gần đây, khu nhà bà Ngô Thị Hường, ở phố Đỗ Nhuận, phường Đằng Lâm (quận Hải An) có nhiều muỗi. Hơn nữa, nhiều ngày nay, phường Đằng Lâm luôn là địa bàn có số người mắc sốt xuất huyết và có ổ dịch sốt xuất huyết nhiều nhất quận Hải An. Riêng phố Đỗ Nhuận cũng có 4 người mắc sốt xuất huyết và phải điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng. Bà lo lắng gia đình có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh này từ muỗi, nên tự đi tìm mua thuốc diệt muỗi vè tự phun tại nhà. Tại một cửa hàng bán các loại hóa chất diệt côn trùng tại phố Trần Phú, phường Cầu Đất (quận Ngô Quyền), bà được chủ quán giới thiệu về các loại thuốc phun sử dụng phổ biến hiện nay là Icon, Permethrin 50EC, Fendona 10SC… đều nhập khẩu từ Anh, Pháp, Đức. Loại rẻ nhất là Fendona 10SC giá 15 nghìn đồng/gói, một gói pha được với một lít nước. Còn loại đắt như Permethrin 50EC (nhập khẩu từ Anh) có giá 1,5 triệu đồng/lít. Sau khi được cửa hàng tư vấn, bà Hường mua thuốc diệt muỗi Fedona 10SC chai 50ml với mức giá 100 nghìn đồng/chai về để tự phun thuốc diệt muỗi khắp 3 tầng nhà và chung quanh sân vườn. Tuy nhiên, sau đó bà thấy nhà vẫn có muỗi, thậm chí còn nhiều hơn do mở cửa sổ, muỗi từ ngoài bay vào nhà. Bên cạnh đó, sau khi phun thuốc muỗi xong, chồng bà Hường bị đau đầu, chóng mặt và ngứa khắp vùng da chân, tay do tiếp xúc trực tiếp với hóa chất diệt muỗi.
Tại các tuyến phố bán các loại hóa chất diệt muỗi như Trần Phú, Lạch Tray (quận Ngô Quyền), Trần Nguyên Hãn, Thiên Lôi (quận Lê Chân)… và trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada… các sản phẩm này được bán tràn lan.
Anh Trần Văn Nam, ở phố Thiên Lôi, phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) cho biết, lo ngại gia đình lây bệnh sốt xuất huyết qua muỗi, anh tìm mua thuốc diệt muỗi. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ, anh biết, khi phun thuốc diệt muỗi không đúng liều lượng có thể ảnh hưởng đến đến sức khỏe con người, môi trường, vật nuôi, nguồn nước… Do đó, khi phun thuốc diệt muỗi cần có kiến thức phun và người phun phải trang bị bảo hộ đầy đủ và chỉ mua loại thuốc phun được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Anh Nam quyết định không tự ý phun thuốc diệt muỗi tại nhà mà tích cực cùng gia đình, hàng xóm dọn đồ đạc thông thoáng, diệt trừ bọ gậy chung quanh khu vực sinh sống để phòng dịch. Đồng thời, theo dõi tình hình người mắc sốt xuất huyết quanh khu dân cư để thông tin kịp thời đến Trạm y tế phường để kịp thời có biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả, an toàn.
Theo báo cáo của CDC Hải Phòng, số người mắc sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn ghi nhận 619 trường hợp ở 131 ổ dịch sốt xuất huyết. Trong đó 71 ổ dịch đang hoạt động và không ghi nhận trường hợp tử vong. Còn theo Sở Y tế, số cộng dồn từ đầu năm 2024 đến 26/6 là gần 2 nghìn ca sốt xuất huyết. Ngành Y tế thành phố cùng các địa phương thực hiện tích cực các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết…, trong đó chú trọng việc phòng trừ muỗi từ chiến dịch diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường và phun thuốc diệt muỗi.
ThS.Bs Lê Thị Tuyến, Khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe (CDC Hải Phòng) cho biết, trong mùa bệnh sốt xuất huyết phát triển, biện pháp phun hóa chất không gian thường được ngành Y tế dự phòng áp dụng để diệt muỗi truyền bệnh. Dù là phun thuốc muỗi theo hình thức dịch vụ hay phun theo chương trình miễn phí của hệ thống y tế dự phòng thì thuốc đều cần có sự kiểm định và cấp phép của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, muốn thực hiện được phương pháp này, cần có dụng cụ, thiết bị chuyên dụng cần thiết, như bình thổi mù có động cơ đeo sau lưng hoặc bình phun sương nhiệt đeo trên vai. Ngoài ra, khi can thiệp biện pháp trên phạm vi rộng, cần có sẵn các loại xe ô tô chuyên dụng hoặc máy bay phun sương. Khi thực hiện phun thuốc diệt muỗi cần tuân thủ theo các hướng dẫn của ngành Y tế. Cụ thể, dọn nhà cửa gọn trước khi phun thuốc. Thông thường, các loại thuốc diệt muỗi không có mùi hoặc có mùi hắc nhẹ. Vì vậy, để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, người dân nên ra khỏi nhà để nhân viên phun thuốc, sau 30 đến 45 phút có thể vào nhà. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, người già, phụ nữ mang thai nên ở ngoài từ 1 đến 2 tiếng rồi mới vào nhà nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để diệt muỗi tận gốc và hiệu quả nhất, người dân cần phải diệt bọ gậy trong nhà, chủ động thu gom, vứt bỏ dụng cụ phế thải để tránh nước đọng, tránh tạo cơ hội cho bọ gậy phát triển, ngủ mắc màn. Khi có biểu hiện sốt cao liên tục trên 2 ngày, người dân cần khám tại cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị, tránh những biến chứng đáng tiếc nếu mắc sốt xuất huyết thể nặng.
Bài và Ảnh: Nguyễn Hằng