Print Thứ Hai, 31/01/2022 07:55 Gốc

Ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần, trùng với ngày 1.2 dương lịch. Đây cũng là ngày đầu tiên thực hiện chính sách giảm thuế VAT xuống 8%. Người dân trong vai trò người mua hàng sẽ được hưởng thêm nhiều quyền lợi. Nói cách khác, từ mùng 1 Tết, dân sẽ được Nhà nước “tặng” tiền.

Khoảng tiền ấy đã được công khai, theo ước tính của Bộ Tài chính thì với chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% thì thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 sẽ giảm 49.000 tỉ đồng.

Cũng cần nói thêm là tổng số thu NSNN năm 2021 đạt 1.563,3 nghìn tỉ đồng, vượt 219,9 nghìn tỉ đồng so dự toán. Số thu NSNN tăng chủ yếu từ dầu thô, hoạt động xuất nhập khẩu, tiền sử dụng đất, thuế, phí nội địa, sản xuất-kinh doanh.

Thế nên con số 49.000 tỉ đồng, được cho có thể làm thêm 2 tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã được Quốc hội, Chính phủ bàn tính kỹ không ảnh hưởng nhiều tới ngân sách nhưng lại có tác dụng kích thích tiêu dùng, phục hồi sản xuất trong giai đoạn này.

Nhưng không phải đối tượng nào cũng được giảm, Nghị định số 15 chỉ áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt…

Người dân cần quan tâm hơn tới việc mua hàng có hoá đơn để được hưởng chính sách giảm thuế VAT. Ảnh NV.

Vấn đề ở đây là Nhà nước chấp nhận khoản hụt thu 49.000 tỉ đồng thì người dân có được hưởng lợi không?

Câu chuyện giảm thuế VAT sẽ chỉ có tác dụng thực tế nếu đi cùng với nó là những giải pháp để đảm bảo người tiêu dùng được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế này. Bởi lẽ, VAT là thuế gián thu, được “uỷ quyền cho bên bán hàng” thu và nộp lại cho Nhà nước. Vì thế xảy ra tình huống là đối với mua bán không xuất hoá đơn (còn rất phổ biến hiện nay), thì người được lợi từ chính sách thuế không chắc là người tiêu dùng mà chính là bên bán.

Rõ ràng, việc giảm thuế VAT có thể sẽ thay đổi phương thức mua bán truyền thống, người tiêu dùng sẽ tìm đến những siêu thị, những đơn vị có xuất hoá đơn để được giảm thuế trực tiếp trên hoá đơn mua hàng.

Phía bán hàng cũng phải niêm yết giá rõ ràng, ghi rõ thuế giảm và xuất hoá đơn theo yêu cầu người mua, còn Nhà nước cần tăng thêm những hành lang để thuận tiện cho bên bán hàng, người mua hiểu rõ được quyền lợi của họ.

49.000 tỉ một năm không phải là khoản tiền nhỏ. Nhưng để nó trở thành một khoản tiền Nhà nước “tặng” người dân, một khoản “lì xì” suốt năm để giảm gánh nặng chi tiêu của mỗi gia đình thì đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía. Khi đó, chính sách mới đi vào cuộc sống, thực sự có hiệu quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Hoàng Lâm

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Từ mùng 1 Tết, dân được Nhà nước “tặng” tiền!
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác