Kinh tế

Từ một mô hình nhỏ, nghĩ về những dự án lớn

Chị Nguyễn Thị Hà, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thụy Hương (huyện Kiến Thụy), phấn khởi cho biết: Hiện HTX có hơn 120ha trồng lúa trên ruộng rươi. Sản phẩm gạo ruộng rươi Kiến Thụy đã được UBND TP Hải Phòng chọn đề cử là đặc sản Hải Phòng tham gia hành trình tìm kiếm và quảng bá TOP đặc sản Việt Nam 2020…

Tự tin mở hướng đi riêng

Thuộc thế hệ 8x, trước khi trở thành Giám đốc HTX Thụy Hương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), chị Nguyễn Thị Hà làm kế toán cho một doanh nghiệp nhà nước. Cách đây 5 năm, thấy người dân bỏ ruộng không canh tác ngày càng tăng, chị nung nấu ý định muốn đồng hành cùng nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Và HTX Sản xuất – Kinh doanh – Dịch vụ Nông nghiệp Thụy Hương đã được thành lập mới theo Luật HTX 2012 từ tháng 8-2017 với 9 thành viên góp vốn.

Tiếng là Giám đốc một HTX nhưng chị Nguyễn Thị Hà chẳng mấy khi ngồi ở văn phòng. Hôm tìm đến HTX Thụy Hương, phải phóng ra ruộng chanh leo rồi lại vòng về khu sản xuất mạ khay, chúng tôi mới gặp được chị.

Miệng nói tay làm, chị Hà cho biết: HTX Thụy Hương có nhiều hoạt động dịch vụ, như: dịch vụ mạ khay, cấy máy; trồng và bao tiêu lúa hữu cơ; đầu tư máy móc thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng. Để bắt đầu công cuộc cùng nông dân cơ giới hóa đồng ruộng, lãnh đạo HTX đã mạnh dạn đầu tư 4 máy cấy, 2 máy gặt, 1 giàn gieo mạ và 4,6 vạn khay gieo… với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Hà kiểm tra các khay đất trước khi gieo mạ.

Vụ sản xuất đầu tiên, người dân địa phương chưa tin tưởng phương pháp mạ khay cấy máy của HTX, còn những hoài nghi về năng suất, hiệu quả. Nhưng chỉ sau vụ mùa năm 2017, trước những thành công mà HTX đem lại, người dân đã dần tin tưởng và “ủy thác” việc gieo cấy những vụ sau cho HTX.

Mạ khay, cấy máy góp phần hình thành những cánh đồng mẫu lớn “một vùng – một giống – một thời gian”, sử dụng cơ giới hóa đồng bộ, giảm chi phí đầu tư cho nông dân. Với phương pháp gieo cấy truyền thống, để có đủ mạ cấy cho một sào ruộng (360m²), người dân mất 2 – 2,5kg thóc giống. Còn phương pháp gieo mạ khay chỉ tốn 1 – 1,5kg giống.

Bên cạnh đó, người dân giảm được công chăm sóc, vì trong quá trình làm mạ khay, HTX phải ủ giá thể, tiến hành xử lý mầm bệnh, bảo đảm giống nảy mầm 100% với bộ rễ khỏe chịu rét, chịu hạn, ít sâu bệnh. “Để nông dân hiểu và nhận ra lợi ích của phương pháp mới, HTX đã mất gần 1 năm tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức từ người dân. Chính vì thế, khi chúng tôi nêu rõ mục tiêu hoạt động là “Đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, trong đó có lợi ích của HTX“, người dân đều đồng tình hưởng ứng”, Giám đốc Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Phương pháp canh tác mới của HTX đem lại hiệu quả rõ rệt, năng suất tăng khoảng 15%. Tiếng lành đồn xa, không chỉ có nông dân địa phương tin tưởng, HTX còn phục vụ người dân ở nhiều tỉnh khác như Thái Bình, Hải Dương…

Vươn ra tỉnh ngoài

Diện tích đất ngoài đê tại huyện Kiến Thụy rất phù hợp với trồng lúa rươi.

Sau những “thành quả ngọt” từ mô hình dịch vụ mạ khay, cấy máy, chị Nguyễn Thị Hà vẫn nuôi trong mình khát khao cháy bỏng về một dự án lớn, đó là ghi danh Hải Phòng trên “bản đồ gạo Việt Nam”.

Có điều này là do những ngày lăn lộn trên đồng đất Hải Phòng, chị Hà nhận thấy thành phố có diện tích đất ngoài đê thích hợp với sản xuất lúa – rươi khoảng 2.000ha, tập trung chủ yếu tại 4 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy. Một số khu vực thuộc vùng trũng khó canh tác, người dân thường bỏ cấy để “săn rươi” bởi có lãi hơn nhiều so với trồng lúa.

Chính vì vậy, khi chị Hà đặt vấn đề trồng lúa trên ruộng rươi, đã không ít người từ chối thẳng thừng. Chia sẻ với chúng tôi, chị Hà cho biết: “Ngoài vấn đề về vốn, việc thay đổi thói quen canh tác trên ruộng rươi của người dân nơi đây là một chuyện không hề dễ dàng”.

Theo chị Hà, tiềm năng trồng lúa trên ruộng rươi ở Hải Phòng rất lớn nhưng chưa triển khai hết. Để bà con quan tâm sản xuất lúa rươi thì sản phẩm này phải được người dân cảm nhận rõ là đặc sản, giá trị kinh tế mang lại phải thật sự khác biệt so với các sản phẩm nông nghiệp khác. Vì canh tác hoàn toàn tự nhiên nên sản phẩm gạo năng suất thấp, chỉ bằng 1/3 so với ruộng được canh tác theo phương pháp thông thường.

Tuy nhiên, loại gạo này có giá trị dinh dưỡng cao và tuyệt đối an toàn. Lúa gạo thu hoạch được từ ruộng có rươi thực sự là gạo sạch, gạo ruộng rươi chứa nhiều dưỡng chất như vitamin A, B1, B6, B12, Omega 3-6-9… Loại gạo này đặc biệt phù hợp và tốt hơn cho bệnh nhân tiểu đường, người ăn chay, trẻ em phụ nữ mang thai, người cao tuổi.

Bấy lâu nay sản phẩm tốt như vậy mà không ai quan tâm để nâng tầm gạo ruộng rươi lên. Việc quảng bá tốt sẽ giúp cho sản phẩm được nâng tầm, được nhiều người biết đến, không chỉ trong nước mà nhiều nước trên thế giới. Chắc chắn người dân sẽ được lợi và lợi thế của hàng nghìn ha ruộng, đầm đang khai thác rươi sẽ phát huy hết tiềm năng, giá trị” – chị Hà chia sẻ.

Chị Hà nhớ lại: “Ban đầu, chỉ có vài hộ đồng ý làm theo mô hình. Chúng tôi đã cung cấp giống, các loại phân hữu cơ, quy trình trồng và toàn bộ cách thức chăm sóc lúa từ khi cấy đến khi thu hoạch trên ruộng rươi. Vào năm 2007, khi vụ lúa đầu tiên được thu hoạch trên ruộng rươi, bà con rất phấn khởi vì kết quả ngoài mong đợi. Lúa trồng trên ruộng rươi hoàn toàn bằng hữu cơ, không hề có thuốc bảo vệ thực vật nên càng không ảnh hưởng đến rươi sống bên dưới cây lúa, năng suất lại cao.

Hiện, 1kg gạo ruộng rươi sau khi thu hoạch và đóng gói bao bì cẩn thận được bán với giá 56.000 đồng/kg. Gạo ruộng rươi được phân phối tại hầu hết các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn”.

Lúa trồng trên ruộng rươi hoàn toàn bằng hữu cơ, không hề có thuốc bảo vệ thực vật.

Kinh tế tập thể Hải Phòng năm 2020 tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm là: Phát triển các HTX kiểu mới, kiên quyết giải thể những HTX yếu kém, không hoạt động và phát triển HTX gắn với xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm), chuỗi liên kết.

Hải Phòng hiện có 12 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, 1 sản phẩm đạt 4 sao và 11 sản phẩm đạt 3 sao. Hầu hết các sản phẩm chủ lực, OCOP đều do các HTX đứng ra tổ chức sản xuất và làm truy xuất nguồn gốc. Cụ thể, sản phẩm OCOP đạt 4 sao là sản phẩm Cá mòi kho Làng chài của Cơ sở chế biến Làng Chài, xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy.

11 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp thành phố: Gạo ruộng rươi của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương; Trứng Chấn Hưng của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Chiêu Viên; Chuối quả của HTX nông lâm thủy hải sản Nam Việt, xã Tây Hưng; Nấm sò tươi của Cơ sở sản xuất nấm Đỗ Văn Tuấn, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo; Rượu Nếp mân của Cơ sở sản xuất rượu Hoàng Quân; Táo Bàng La của HTX nông nghiệp thủy sản Bàng La; Mật ong hoa rừng Cát Bà, Rượu vang Hibinatu, Nước giải khát Hibigreen, Trà Hibinatu, Nước cốt Hibisy của CTCP thương mại thực phẩm Trường Xanh. Trong số những sản phẩm này, Gạo ruộng rươi của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương hứa hẹn sẽ được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh thành do có thể chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau.

Chị Nguyễn Thị Hà giới thiệu về mô hình trồng thử nghiệm giống chanh leo Đài Loan.

Là Giám đốc HTX nhưng chị Hà cứ lặn lội suốt ngoài đồng, cùng bà con chăm sóc lúa, rồi quan sát thành quả của mình đến mùa thu hoạch. Số hộ nông dân chủ đầm đăng ký tham gia mô hình trồng lúa ruộng rươi ngày một tăng lên và hiện toàn bộ HTX Thụy Hương đã có tới 80ha trồng lúa trên ruộng rươi.

Không chỉ đẩy mạnh việc vận động liên kết với nông dân trong trồng lúa gạo ruộng rươi, HTX nông nghiệp Thụy Hương còn trực tiếp canh tác và hướng dẫn nông dân cách trồng lúa hữu cơ (không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu…). Tổng số diện tích lúa hữu cơ được HTX liên kết với nông dân trồng và bao tiêu là 130 ha (chủ yếu thuộc hai xã Ngũ Phúc và Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy). Toàn bộ số thóc tươi được HTX thu mua tại bờ cho bà con.

Bên cạnh diện tích liên kết với nông dân, năm 2019, HTX còn ký hợp đồng thuê lại phần diện tích bỏ hoang không canh tác của người dân (gần 25 ha) để trồng lúa hữu cơ.

Lúa tươi hữu cơ sau khi thu hoạch được HTX đem sấy chậm theo phương pháp công nghiệp đạt đến độ ẩm tiêu chuẩn để đảm bảo hạt lúa giữ được chất lượng tốt nhất mà không phụ thuộc vào thời tiết. Vì thế, hạt gạo thành phẩm không bị nứt vỡ như phơi nắng quá to hay có màu thâm đen như khi không được nắng.

Sau đó lúa được xay xát tạo ra sản phẩm gạo an toàn, bán ra thị trường. Một phần gạo an toàn được HTX liên kết với các đơn vị khác ở Bắc Ninh, Phú Thọ làm ra các sản phẩm sạch như bún, bánh chưng, chè lam gạo nếp ruộng rươi, dấm gạo nếp ruộng rươi… Những sản phẩm này có truy xuất nguồn gốc hàng hóa rõ ràng, được thị trường ưa chuộng.

Trí Nguyễn

Nguồn tin: ANHP

Tin khác

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII

Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…

25/11/2024

Tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong thực hiện quyết tâm sắp xếp, tổ chức bộ máy

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…

25/11/2024

Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh

Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…

25/11/2024

Hải Phòng có tân Cục trưởng Cục Hải quan thành phố

Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…

25/11/2024

Thí sinh Hải Phòng trở thành Á vương 1 của Nam vương Thế giới – Mr World 2024

Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…

24/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More