Từ ‘đi đầu’ cổ phần hoá đến sai phạm của dàn lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải

Từng được cho là đi đầu trong tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, song theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, hàng loạt lãnh đạo Bộ GTVT dính sai phạm, khuyết điểm trong quá trình cổ phần hoá.

Thanh tra Chính phủ đã kết luận có nhiều sai phạm trong cổ phần hoá cảng Quy Nhơn – Ảnh Hoàng Trọng

Hiện chưa có thông tin chính thức những sai phạm, khuyết điểm của tập thể và các cá nhân cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng và các Thứ trưởng Bộ GTVT liên quan đến quá trình cổ phần hoá những doanh nghiệp cụ thể nào. Tuy nhiên, kết luận thanh tra và thực tế đã cho thấy, có nhiều vi phạm trước và trong quá trình cổ phần hoá một số doanh nghiệp ngành giao thông.

Sai phạm bán 75% vốn cảng Quy Nhơn

Theo kết luận số 1566/KL-TTCP ngày 17.9.2018 của Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT cho phép Vinalines chuyển nhượng 75,01% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn cho Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Hợp Thành, theo phương thức thoả thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng cho phép, là trái thẩm quyền, vi phạm quy định pháp luật. Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines thu hồi lại 75,01% cổ phần này, đồng thời huỷ bỏ 2 văn bản hành chính bán vốn sai phạm.

Đó là các văn bản: 16937/BGTVT-QLDN ngày 27.12.2014 về chuyển nhượng 26,01% cổ phần và số 6327/BGTVT-QLDN ngày 20.5.2015 về chuyển nhượng 49% cổ phần vốn sở hữu nhà nước (Vinalines đại diện phần vốn) tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoảng sản Hợp Thành (Hà Nội), theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.

Tổng vốn nhà nước thu hồi trong cổ phần hoá cảng Quy Nhơn (sau 3 lần bán đấu giá) chỉ 404 tỉ đồng, được cho là quá “bèo” so với giá trị thực tế của cảng này.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm sau kết luận Thanh tra, quá trình thu hồi lại hơn 75% cổ phần bán sai phạm tại cảng Quy Nhơn của Vinalines chưa có nhiều tiến triển, do vướng mắc liên quan đến việc định giá tài sản.

Tổng Công ty Vận tải thuỷ bị bán ngang giá… một căn nhà

Quá trình cổ phần hoá Tổng Công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) thuộc Bộ GTVT cũng từng bị tố cáo có nhiều khuất tất. Cụ thể, theo hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ Vivaso trước khi tiến hành cổ phần hoá là 327 tỉ đồng. Tháng 3.2014, Bộ GTVT đã yêu cầu Vivaso đàm phán bán cho nhà đầu tư Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường theo đề nghị của ông Nguyễn Thuỷ Nguyên, Tổng giám đốc Vạn Cường.

Hiện, Công ty Vạn Cường nắm vai trò chi phối, chiếm hơn 77% cổ phần Vivaso, ông Nguyễn Thuỷ Nguyên đồng thời là Chủ tịch HĐQT Vivaso.

Đáng chú ý, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá 14 tháng 5.2018, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã kiến nghị Thanh tra Chính phủ xem xét lại quá trình cổ phần hoá Vivaso. Lý do, Tổng Công ty này có 10 doanh nghiệp với hàng trăm đoàn tàu đang hoạt động nhưng chỉ được bán với giá 327 tỉ đồng, tương đương một căn nhà phố cổ Hà Nội. Sau cổ phần hoá, Vivaso không có hoạt động nào về đầu tư vận tải thuỷ, mà chỉ cho thuê trụ sở, kho bãi,… gây bức xúc và khiếu nại kéo dài của cán bộ nhân viên.

Nhiều doanh nghiệp bết bát hậu cổ phần

Trước đó, tại cuộc họp tổng kết 5 năm thực hiện cổ phần hoá tháng 12. 2015, theo báo cáo của Bộ GTVT, giai đoạn 2011 – 2015, Bộ này đã triển khai cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với kế hoạch phê duyệt.

Theo đánh giá của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp, Bộ GTVT đã hoàn thành vượt mức kế hoạch về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa. Sau khi thực hiện cổ phần hoá, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đều có hiệu quả hơn. Tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, doanh thu, thu nhập bình quân người lao đông đều tăng trong khi tỷ suất nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lại giảm…

Tuy nhiên, trên thực tế, sau cổ phần hoá, nhiều doanh nghiệp giao thông đã hoạt động khá bết bát, như Vivaso, hay Bệnh viện GTVT.

Trước đó, tháng 10.2015, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T của “ông bầu” Đỗ Quang Hiển đã mua hơn 4,9 triệu cổ phần, tương ứng 29,48% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO), với mức giá cao gấp gần 2,35 lần giá khởi điểm, nâng số cổ phần sở hữu lên gần 59,5%, trở thành cổ đông chiến lược của Bệnh viện GTVT.

Tuy nhiên, sau cổ phần hoá, bệnh viện hoạt động không mấy sáng sủa khi thua lỗ liên tục. Mới đây, T&T đã có văn bản đề nghị xin rút toàn bộ vốn đầu tư và không tham gia vào Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần bệnh viện GTVT.

Ngoài bệnh viện GTVT, T&T cũng là cái tên quen thuộc trong quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp ngành giao thông. Năm 2015, T&T trở thành nhà đầu tư duy nhất đề nghị mua lại toàn bộ cổ phần nhà nước tại cảng Quảng Ninh, sau khi Bộ GTVT đề xuất và được Chính phủ đồng ý về việc rút hết vốn nhà nước tại cảng Quảng Ninh (trong quá trình tái cơ cấu Vinalines). T&T sau đó đã trở thành nhà sở hữu cảng Quảng Ninh, nắm giữ 98% vốn điều lệ tại cảng.

Dù, theo phê duyệt trước đó của Chính phủ, cảng Quảng Ninh cùng 3 cảng khác là cảng Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng là những cảng nhà nước vẫn giữ 51% vốn điều lệ trở lên sau cổ phần hoá. 

Theo Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư vừa công bố trưa nay 5.5, Ban cán sự đảng Bộ GTVT đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.

Nguyên Bí thư Ban cán sự đảng bộ, nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng (đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và đang chấp hành hình phạt tù) chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm. Cá nhân ông Đinh La Thăng vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Các Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng gồm: ông Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Nhật, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Theo Uỷ ban kiểm tra, vi phạm của Ban cán sự đảng bộ Bộ GTVT và các cá nhân nêu trên đã gây thất thoát lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành GTVT, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm nêu trên có trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ. Uỷ ban kiểm tra T.Ư yêu cầu các tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan.

Nguồn: Báo Thanh niên

Nguồn tin: Báo Thanh niên

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More