Trong trường hợp nào thì doanh nghiệp viễn thông được từ chối giao kết hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, được đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông? Nội dung này được quy định tại Điều 22 Luật Viễn thông 2023 (Số 24/2023/QH15). Luật này gồm nhiều nội dung quy định về hoạt động viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông. Cụ thể, theo Điều 22, doanh nghiệp được quyền từ chối giao kết hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau đây:
1. Doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông không được từ chối giao kết hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người sử dụng dịch vụ viễn thông đã từng vi phạm hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết với doanh nghiệp viễn thông;
b) Việc cung cấp dịch vụ viễn thông là không khả thi về kinh tế, kỹ thuật;
c) Người sử dụng dịch vụ viễn thông đã bị doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với doanh nghiệp viễn thông khác về việc từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông theo hình thức trả sau do trốn tránh nghĩa vụ thanh toán tiền sử dụng dịch vụ;
d) Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2. Doanh nghiệp viễn thông không được đơn phương chấm dứt hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người sử dụng dịch vụ viễn thông vi phạm hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết;
b) Thuê bao viễn thông vi phạm pháp luật về viễn thông. Chính phủ quy định chi tiết Điểm này;
c) Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp, đại lý dịch vụ viễn thông cần nắm rõ những quy định này trong quá trình tham gia hoạt động viễn thông. Luật Viễn thông 2023 (Số 24/2023/QH15) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.