Ngày 13/6, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện đề tài cấp thành phố “Nghiên cứu chế tạo máy ép định hình và xây dựng quy trình sản xuất túi, khay đựng thực phẩm từ bẹ chuối, bẹ cau”. TS Hoàng Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nguồn nhân lực, nhân tài thành phố làm Chủ tịch Hội đồng.
Đây là nghiên cứu thuộc chương trình Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, Lĩnh vực sử dụng hợp lý tài nguyên và Bảo vệ môi trường, do TS Bùi Thị Thủy, thuộc Viện nghiên cứu Công nghiệp rừng làm chủ nhiệm, được thực hiện trong 18 tháng, từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2023.
Để triển khai thực hiện đề tài, Ban chủ nhiệm tập trung nghiên cứu các nội dung chính: Tổng quan tài liệu và những vấn đề lý thuyết có liên quan đến công nghệ tạo sợi chuối và sản xuất túi từ sợi chuối, tạo khay từ bẹ chuối, bẹ cau; Nghiên cứu xây dựng 3 quy trình: tạo túi đựng thực phẩm từ bẹ chuối, tạo khay đựng thực phẩm từ bẹ chuối và tạo khay đựng thực phẩm từ bẹ cau; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy ép định hình và thực nghiệm, hoàn thiện các quy trình.
Việc sản phẩm túi, khay được sản xuất từ bẹ chuối, bẹ cau góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống người dân. Theo đó, quy trình tạo túi đựng thực phẩm từ bẹ chuối gồm: Tách sợi chuối trên máy tách sợi; rửa sợi chuối bằng nước; nhúng sợi chuối trong nước vôi; sấy/hong phơi sợi chuối đạt độ ẩm 10-12%; se sợi chuối trên máy se sợi, tạo sợi se đường kính 0,7 mm; bện sợi tạo túi dạng mắt cáo và bọc nilon túi để lưu trữ.
Quy trình tạo khay đựng thực phẩm từ bẹ chuối gồm: Bóc bẹ chuối, phơi/sấy đến độ ẩm 10-12%, làm phẳng bề mặt sợi, cắt thành tấm theo kích thước, quét chất kết dính VL-611 140 g/m² bề mặt; đặt 2 lớp bẹ chuối lên nhau theo hướng vuông góc; ép bẹ chuối bằng máy ép định hình, nhiệt độ ép 120 độ C, áp suất ép 1,38 MPa, thời gian ép 5 phút; chiếu UV khử trùng và đóng gói khay.
Quy trình tạo khay đựng thực phẩm từ bẹ cau gồm: Thu thập bẹ cau (lựa chọn bẹ cau rụng trong vòng 3 ngày), rửa sạch, phơi/sấy đến độ ẩm 10-15%, trước khi ép nhúng bẹ cau vào nước 01 phút, vớt ra để 5-10 phút cho ráo; ép bẹ cau bằng máy ép định hình, nhiệt độ ép 120 độ C, áp suất ép 1,38 MPa, thời gian ép 1 phút; chiếu UV khử trùng và đóng gói khay.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng thiết kế, chế tạo và đưa vào khảo nghiệm máy ép định hình tạo sản phẩm khay đựng thực phẩm từ bẹ cau, bẹ chuối với nguyên lý làm việc sử dụng thủy lực, kết cấu khung máy hình chữ H, công suất động cơ bơm thủy lực 3 kW/380V, gia nhiệt trên khuôn ép bằng nhiệt điện trở và tự động điều khiển theo chế độ cài đặt, năng suất đạt từ 40-50 chiếc khay/giờ đối với bẹ cau và 12-15 chiếc khay/giờ đối với bẹ chuối.
Từ báo cáo kết quả thực hiện đề tài, các thành viên Hội đồng đã tiến hành đánh giá. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các nội dung, quy mô theo hợp đồng ký kết và quyết định phê duyệt. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được thử nghiệm tại Hợp tác xã Nông Lâm Thuỷ Hải sản Nam Việt; được hiệu chỉnh, hoàn thiện sản phẩm mẫu; có thể ứng dụng tại các đơn vị có điều kiện sản xuất tương đồng; có thể tiếp tục cải tiến để sản xuất sản phẩm thương mại với quy mô lớn.
Bên cạnh đó, Hội đồng đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài thay đổi thiết kế khuôn để tăng năng suất do năng suất của máy ép còn thấp; bổ sung mô tả về các loại sản phẩm khay, túi (thông số, kích thước, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, thời gian bám mốc bám bụi, thời gian bảo quản, trong đó cần thống nhất phương pháp bảo quản); bổ sung tính chất, nguồn gốc và các nghiên cứu chỉ ra việc sử dụng chất kết dính VL-611 Polyvinyl acetate trong sản xuất khay bẹ chuối an toàn đối với sức khoẻ con người; bổ sung, làm rõ việc tính toán, lựa chọn động cơ, cơ chế và phương pháp gia nhiệt cho khuôn ép khi tính toán thiết kế máy ép định hình; xem xét bổ sung giá thành tạm tính của nguyên liệu bẹ chuối, bẹ cau ở quy mô thử nghiệm; rà soát, thống nhất các đơn vị đo theo tiêu chuẩn Việt Nam; chỉnh sửa các lỗi chính tả, lỗi chế bản, in ấn.
Báo cáo kết quả nghiên cứu sau khi chỉnh sửa, hoàn thiện sẽ được Sở KH&CN trình UBND thành phố để nghiệm thu.
CẨM TÚ