Cha mẹ ly hôn khi chị Trần Yến Khanh 4 tuổi, sống với bà ngoại từ ấu thơ, chị Khanh phải vừa đi học vừa gói kẹo để đóng học phí. Ngày đó chị yêu hoa hồng đến nỗi dành dụm mãi mới dám mua một chậu, nâng niu như trứng.
Nhìn ngắm vườn hoa hồng bạt ngàn của chị Trần Yến Khanh (40 tuổi, trú 279 C2, đường Hùng Vương, phường 7, TP. Bến Tre) hôm nay, không ai ngờ trước đây chủ nhân từng bươn trải nhiều nghề khác nhau, vừa làm nhà nước, vừa buôn vỏ trấu, củ mì…
Thạc sĩ quản trị kinh doanh đi trồng hoa hồng
Chị Trần Yến Khanh làm việc trong một khách sạn ở TP.Bến Tre, là công chức nhà nước, được tạo điều kiện học và lấy bằng cử nhân, thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Tuy nhiên trước áp lực cuộc sống, chị từ bỏ công việc đã gắn bó 13 năm.
Đầu tiên, chị tập tành kinh doanh cám gạo làm thức ăn gia súc, 3 tháng sau số vốn tăng lên một chút, chị mạnh dạn thử sức cung cấp thêm củ sắn lấy từ Tây Ninh, vỏ trấu, củi trấu chất đốt cho các nhà máy, khu công nghiệp.
“Tôi rất lo sợ, mình nghỉ việc nhưng sau đó làm ăn không thành, thì không thể quay trở về nơi cũ nữa. Nhưng chỉ biết liều thôi. Bởi nếu tiếp tục làm công ăn lương, tôi không thể có một mái nhà cho riêng mình. 30 năm trời tôi đã ở nhà thuê trong căn nhà bé xíu ở Bến Tre, đến khi lấy chồng và có 2 con, chúng tôi cũng chưa có mái nhà riêng…”, chị Khanh nói.
May mắn, công việc khá thuận lợi, chị Khanh mua được mái nhà nhỏ, từ đó mua thêm được vườn, đất để thoả sức trồng hoa hồng. Việc đầu tiên, khi cuộc sống ổn định, chị Khanh làm là đón mẹ trở về nhà, “Năm tôi 4 tuổi thì cha mẹ ly thân, cha đi lấy vợ và có cuộc sống riêng, còn mẹ tôi sống một mình bao nhiêu năm, phải tha hương, làm việc rất cơ cực. Nghĩ về mẹ của mình đã cho tôi động lực để cố gắng nhiều hơn”.
Khi bắt đầu trồng hoa hồng, chị trồng 50 gốc nhỏ, 1 năm tuổi trở lại nhưng do không có kinh nghiệm nên cây chết từ từ đến hết vườn. Rất buồn và nản nhưng vì đam mê, chị bắt đầu mua và trồng lại các gốc hoa hồng to trên 2-3 năm.
Rút kinh nghiệm từ những lần cây bệnh và chết, chị tìm ra được cách làm để giảm thiểu cây bệnh. Để cây hồng ngoại phát triển tốt, phải chọn giống hoa tốt phù hợp khí hậu nóng của Bến Tre, đất phải tơi xốp, xịt phòng bệnh đúng ngày và cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây ra mầm mập mạp, hoa to và đậm màu.
Hạnh phúc là được báo hiếu bà ngoại và mẹ
Hiện tại vườn hồng rộng 1.300 mét vuông sát bờ sông Bến Tre của chị Khanh có hơn 2.000 gốc hồng ngoại to với 250 loại có nguồn gốc từ, Anh, Pháp, Mỹ Nhật, Thái Lan và đủ loại hồng cổ Sa Pa, Hải Phòng… trị giá hơn 2 tỉ đồng được chị trồng gần 4 năm. Ban đầu chỉ trồng cho vui để thoả sức ngắm hoa nhưng vườn hoa mỗi ngày có nhiều lượt khách tới thăm, muốn chiêm ngưỡng, học hỏi cách trồng hoa, chị Khanh đặt thêm các bộ bàn ghế để du khách khắp nơi có thể vừa thưởng thức đồ uống, vừa ngắm hoa với giá cả bình dân.
Khách tới thăm vườn, chụp ảnh trong vườn hoa hồng của chị Khanh
Vườn hoa tuy rộng lớn nhưng không thuê các thợ bên ngoài. Dù có công việc chính là cung cấp vỏ trấu cho các nhà máy, nhưng chị Khanh vẫn kiêm thêm vai trò là người chăm sóc chính cho vườn hoa, chữa bệnh cho các cây sâu bệnh. Là người am hiểu hoa hồng nhất, mỗi ngày chị Khanh dành 3-4 tiếng đồng hồ để tự tay chăm sóc, cắt tỉa cho vườn, để bản thân được nhìn, chạm vào hoa hồng, ngửi hoa, chụp hoa cho thoả niềm yêu thích. Chị Khanh bộc bạch: “Hạnh phúc của tôi là được làm công việc mình đam mê, nhất là bây giờ tôi có thể báo hiếu cho bà ngoại và mẹ. Mẹ cho tôi cả cuộc đời, còn bà ngoại đã cho tôi có ngày hôm nay”.