Truyền thống hun đúc khát vọng vươn lên

Ngày 30-5-1957, cán bộ, công nhân Nhà máy xi-măng Hải Phòng vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Tại đây, Người căn dặn, công nhân bây giờ là người làm chủ đất nước, phải xứng đáng với vai trò của mình; thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm, có kỷ luật lao động nghiêm; luôn đoàn kết, thật thà phê bình và tự phê bình. Hơn 60 năm qua, Đảng bộ và công nhân nhà máy luôn đinh ninh lời Bác Dạy, phát huy giá trị bài học cách mạng của địa chỉ đỏ năm xưa, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành công nghiệp xi-măng cũng như sự vươn lên của thành phố Cảng .

Công nhân xưởng sửa chữa cơ khí gia công thiết bị phục vụ sản xuất xi-măng của Công ty Xi-măng VICEM Hải Phòng. Ảnh: LONG CHÂU

Trưởng thành từ gian khó

Lịch sử 120 năm xây dựng và trưởng thành của Nhà máy Xi-măng Hải Phòng gắn liền với sự hình thành, phát triển giai cấp công nhân Việt Nam, với quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời thực dân Pháp đô hộ, Nhà máy Xi-măng Hải Phòng là cơ sở duy nhất ở Đông Dương sản xuất xi-măng phục vụ chính sách khai thác thuộc địa. Trong điều kiện làm việc nặng nhọc, bị áp bức bóc lột, các thế hệ công nhân nhà máy thời kỳ đầu đã hun đúc tinh thần đấu tranh cách mạng từ tự phát sang tự giác, trở thành một trong những lực lượng cách mạng đầu tiên ở thành phố Cảng. Từ năm 1927, các tổ chức cách mạng trong nhà máy lần lượt ra đời, như Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Công hội đỏ, Xích vệ đỏ. Đáng chú ý, sự kiện ngày 15-8-1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập với 18 đảng viên ở nhà máy, là một trong những chi bộ đầu tiên của Hải Phòng cũng như miền bắc lúc bấy giờ. Sự ra đời của Chi bộ Đảng đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho phong trào đấu tranh của công nhân, thợ thuyền. Sau khi thành lập gần bốn tháng, ngày 8-1-1930, Chi bộ Xi-măng Hải Phòng lãnh đạo cuộc bãi công lớn trong toàn nhà máy, với sự tham gia của hơn 2.000 công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm. Cuộc bãi công giành thắng lợi, buộc giới chủ Pháp phải chấp nhận các yêu sách của công nhân. Ngày 8-1 đã trở thành ngày truyền thống của Nhà máy Xi-măng Hải Phòng, nay là Ngày truyền thống ngành xi-măng Việt Nam. Cuối năm 1955, Đảng bộ Nhà máy Xi-măng Hải Phòng được thành lập, đánh dấu sự trưởng thành của tổ chức đảng, phù hợp yêu cầu, đặc điểm tình hình, giai đoạn cách mạng mới.

Từ năm 1955 đến ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ, công nhân Nhà máy Xi-măng Hải Phòng đã hoàn thành vai trò làm chủ, đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, duy trì sản xuất ổn định; vượt qua thử thách về kỹ thuật sản xuất xi-măng, về công tác quản lý và đã đạt thành công về nhiều mặt. Sản phẩm luôn bảo đảm chất lượng. Nhà máy nhiều lần được Nhà nước chọn làm điểm về các mặt quản lý kinh tế. Tổ Đá nhỏ ca A, phân xưởng Máy đá được công nhận là Tổ lao động XHCN đầu tiên, là con chim đầu đàn của phong trào tổ, đội lao động XHCN toàn miền bắc, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1974. Trong phong trào làm theo lời Bác đã xuất hiện các Anh hùng Lao động như: Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Hiền Viết, Nguyễn Văn Vinh… và nữ công nhân tiêu biểu của nhà máy thời kỳ bấy giờ là đồng chí Trương Thị Len, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Đại biểu Quốc hội khóa II. Giai đoạn 1965 – 1975, Đảng bộ, công nhân Nhà máy Xi-măng Hải Phòng đã dũng cảm đối đầu thử thách ác liệt của hai cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa của đế quốc Mỹ, kiên cường bám trụ. Đây là thời kỳ ác liệt nhất, mất mát hy sinh rất nhiều, nhà máy bị tàn phá nặng nề, nhưng cũng là thời kỳ oanh liệt nhất, kiên cường nhất, sáng tạo nhất. Thời kỳ vừa sản xuất vừa chiến đấu, người thợ xi-măng “tay búa, tay súng” với lời thề “Tim còn đập, Lò còn quay”; “Hãy sản xuất thật nhiều xi-măng cho Tổ quốc”, khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục sản xuất và cho ra lò 2.855.000 tấn xi-măng, kịp thời phục vụ các công trình kinh tế và quốc phòng, góp phần xây dựng hậu phương lớn miền bắc XHCN.

Sáng tạo để phát triển

Khắc phục những khó khăn sau chiến tranh, thực hiện đường lối đổi mới, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ nhà máy đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức sắp xếp lại sản xuất và lực lượng lao động, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường. Đến năm 1993, Nhà máy xi-măng Hải Phòng và Công ty kinh doanh xi- măng Hải Phòng sáp nhập thành Công ty Xi-măng Hải Phòng, trực thuộc Tổng công ty Xi-măng Việt Nam. Từ năm 1996, Công ty Xi-măng Hải Phòng gặp nhiều khó khăn và thách thức về tình trạng thiết bị công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh yếu kém, lại chịu sức ép lớn về giải quyết ô nhiễm môi trường, vấn đề bảo đảm việc làm, ổn định về đời sống, tư tưởng cho hơn 3.500 người lao động. Những nhiệm vụ phức tạp luôn đặt ra cho công ty những câu hỏi lớn, phải làm gì, làm thế nào để vượt qua, đồng thời đòi hỏi quyết tâm lớn hơn, cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ sản xuất và chuyển đổi sản xuất.

Với quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư dự án Nhà máy Xi-măng Hải Phòng (mới) ban hành ngày 29-11-1997, cùng ba dự án chuyển đổi, đồng thời giải quyết chu đáo chế độ cho gần 2.000 người lao động dôi dư và sắp xếp bố trí, đào tạo nhân lực, Đảng bộ, công nhân công ty đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu sản xuất mới. Ngày 24-1-2006, lễ dừng lò nung và sau đó dừng hoạt động của hệ nghiền đóng bao, đã chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất xi-măng tại nhà máy cũ sau 107 năm hoạt động. Phát huy truyền thống “Đoàn kết – kiên cường – sáng tạo”, Đảng bộ, công nhân viên công ty chính thức bước vào giai đoạn lịch sử mới với thế và lực mới, tiếp tục đưa ngành xi-măng Hải Phòng phát triển bền vững.

Từ năm 2005 đến nay, Đảng bộ, công nhân viên Công ty Xi-măng Hải Phòng tích cực tiếp thu, nắm bắt và làm chủ được dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ sản xuất tiên tiến, tổ chức sản xuất hiệu quả trên dây chuyền mới; đã sản xuất hơn 15,40 triệu tấn clanh-ke, tiêu thụ 21 triệu tấn sản phẩm; doanh thu đạt hơn 21.500 tỷ đồng, trả nợ vốn và lãi vay đầu tư xây dựng 3.635 tỷ đồng, số còn lại 150 tỷ đồng sẽ được trả hết trong năm tới. Nộp ngân sách nhà nước hơn 800 tỷ đồng (bình quân hằng năm khoảng 60 tỷ đồng). Mức lương bình quân 13 triệu đồng/người/tháng hiện nay cho thấy đây là một trong những doanh nghiệp có thu nhập cao của TP Hải Phòng. Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên, công ty tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa cho những người có công, xóa đói, giảm nghèo, ủng hộ đồng bào các vùng bị thiên tai…

Thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, Đảng bộ công ty đã lãnh đạo đổi mới mô hình quản lý công ty, sang mô hình Công ty TNHH một thành viên từ năm 2011; tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy theo chuỗi giá trị năm công đoạn và bảy phân đoạn, giảm số đầu mối từ 27 đơn vị phòng, ban, phân xưởng xuống còn 17 đầu mối. Cơ cấu và sắp xếp lại lao động theo hướng tinh giản, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp hơn trong thực hiện nhiệm vụ, tăng năng suất lao động; số lao động từ 1.250 người nay giảm còn 835 người. Công ty cũng thường xuyên đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ thông tin vào sản xuất và quản trị, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Đảng bộ công ty luôn chú trọng công tác phát triển đảng viên, hằng năm kết nạp từ 20 đến 25 đảng viên, xây dựng Đảng bộ ngày càng lớn mạnh. Ngày 1-12-2014, Thành ủy Hải Phòng ra quyết định nâng cấp Đảng bộ Công ty lên Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy.

Với cống hiến đáng tự hào trong suốt 120 năm hoạt động của Nhà máy Xi-măng Hải Phòng (nay là Công ty Xi-măng VICEM Hải Phòng) và 90 năm thành lập chi bộ đảng đầu tiên, đơn vị đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2019 và những năm tiếp theo, Đảng bộ công ty sẽ tích cực chủ động, đổi mới sáng tạo, phát huy những thành tựu đã đạt được trong lịch sử 90 năm qua, tiếp tục lãnh đạo công ty trong thời kỳ mới với quy mô được mở rộng, sản lượng sản xuất và tiêu thụ từ 3 đến 3,2 triệu tấn/năm, hướng tới mục tiêu quy mô sản lượng từ 5 đến 5,5 triệu tấn/năm; thực hiện cổ phần hóa theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó là quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

LÊ VY và NGÔ QUANG DŨNG

Nguồn. Báo Nhân dân

Nguồn tin: Báo Nhân dân

Tin khác

Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu thông báo tìm chủ sở hữu

Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…

23/12/2024

Mức hỗ trợ di dời khẩn cấp với hộ dân chung cư cũ Hải Phòng

HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…

22/12/2024

Triển lãm “Vang mãi khúc quân hành” diễn ra đến hết ngày 27/12/2024

Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…

22/12/2024

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Hải Phòng: Bất động sản Thủy Nguyên đếm ngược ngày “thăng hoa”

Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More