Print Thứ Bảy, 26/01/2019 23:50

“Chương trình tọa đàm và biểu diễn “Nghệ thuật hát xẩm- Từ hè đường đến sân khấu” vừa diễn ra tại Hà Nội với sự tụ hội của hầu hết nghệ nhân làng xẩm, chung tay thổi bùng tình yêu hát xẩm”- thành viên Ban tổ chức chương trình, Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh cho biết.

 

Chương trình do Chiếu xẩm Hải Thành và Nhóm Đình làng Việt phối hợp Ban Quản lý di tích phố cổ Hà Nội tổ chức cho thấy hoạt động khá đa dạng, sôi nổi của xẩm trong cộng đồng nhiều địa phương trên cả nước. Từ những câu lạc bộ đang thực hành truyền dạy hoặc biểu diễn hát xẩm như: Chiếu xẩm Hải Thành (Hải Phòng), Chiếu xẩm Hà Thị Cầu (Ninh Bình), Trung tâm âm nhạc truyền thống Thăng Long (Hà Nội), CLB Liên Hoa, CLB Sen Tây Hồ… còn có những nghệ nhân hát xẩm lớn tuổi “ẩn mình” ở các làng quê: nghệ nhân Nguyễn Văn Nguyên ( trùm xẩm ở Hà Nội), cụ trùm Vũ Đức Sắc (Hà Bắc); cụ trùm Khoản (Hải Dương); cụ Lê Thị Tứ (Thiệu Hóa, Thanh Hóa); cụ Nguyễn Thị Lạt (Tứ Kỳ, Hải Dương)…

 

 

Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh tham gia trình diễn hát xẩm tại chương trình.

 

Câu lạc bộ hát xẩm Hải Thành tham gia phần biểu diễn với bài “Hải Phòng xưa” theo điệu đò đưa, trống quân với những lời ca như giới thiệu thân thương về Hải Phòng: “Hải Phòng có bến Sáu Kho, có sông Văn Úc có lò xi măng. Cửa sông Tam Bạc đón trăng. Tàu thuyền sông Cấm giăng giăng mấy hàng. Cô nàng Thượng Lý mơ màng. Đi về Cầu Đất gặp chàng Lạc Viên. Thủy Nguyên đất rộng người hiền. Đồ Sơn Cát Hải một miền biển khơi”. Tiếp đó, thành viên Câu lạc bộ tiếp tục biểu diễn bài “Theo Đảng trọn đời” theo điệu xẩm thập ân, “Hỏi thăm cô Tú” theo làn điệu xẩm tàu điện thể hiện ba chặng đường phát triển của xẩm theo lịch sử với ba thời kỳ: Hát xẩm trước Cách mạng Tháng Tám (1945), hát xẩm từ sau Cách mạng Tháng Tám đến khi thống nhất đất nước (1975) và hát xẩm đương đại (từ 1975 đến nay). Hội viên trẻ Bùi Sơn (Chiếu xẩm Hải Thành) chia sẻ: “Tham gia Chương trình tạo cơ hội cho chúng em gặp được những “cây đa”, “cây đề” trong làng xẩm, những người đi trước cùng niềm đam mê hát xẩm. Qua đó, em thấy như mình được truyền lửa để tiếp tục niềm đam mê môn nghệ thuật truyền thống này”. 

 

Còn bà Nguyễn Thị Mận (Chiếu xẩm Hà Thị Cầu) xúc động: “Lâu lắm rồi, tôi mới được nghe chương trình hát xẩm đặc biệt đến vậy. Các thế hệ đang nối tiếp nhau cùng thổi bùng tình yêu nghệ thuật hát xẩm”.

 

Ông Nguyễn Đức Bình, thành viên Ban tổ chức, Trưởng nhóm Đình làng Việt cho biết: “Chương trình là sân chơi cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu cùng trao đổi, giúp người xem hiểu bộ môn nghệ thuật hát xẩm với những đặc trưng cơ bản nhất, từ môi trường diễn xướng, các nhạc cụ và một số làn điệu điển hình, khám phá từng chặng đường phát triển của xẩm…”. Từ một hình thức đàn hát dân gian, được những người khiếm thị dùng mưu sinh nơi đầu đường góc chợ, bến nước, mom sông, đến nay hát xẩm trở thành một loại hình nghệ thuật được biểu diễn trên sân khấu, là loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được rất nhiều người yêu thích.

 

Các nhà nghiên cứu khẳng định, xẩm là loại hình âm nhạc dân gian có tính chuyên nghiệp chứ không phải bản năng, thô sơ. Nghiên cứu, hệ thống lại toàn bộ làn điệu cho thấy, xẩm được quy định chặt chẽ ở bốn điểm: cấu trúc âm nhạc, văn học, nhạc khí và môi trường diễn xướng. Hiện nay, bên cạnh việc phục hồi truyền thống, các nghệ nhân hát xẩm cố gắng đưa những yếu tố đương thời vào, để người nghe cảm nhận được cái cũ trong một tâm thế mới. Ngoài việc “cứu” một phần di sản, các nghệ nhân còn có trách nhiệm tìm ra quy luật, nguyên lý cổ xưa, rồi bổ sung, sáng tác làn điệu mới phù hợp với nội dung và nhịp sống hiện đại. Nhằm mục tiêu đó, chương trình “Nghệ thuật hát xẩm- từ hè đường đến sân khấu” là một nỗ lực rất đáng trân trọng của những người tâm huyết với nghệ thuật truyền thống này.


Bài và ảnh:
 Trúc Lâm – Báo Hải Phòng 27/11/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Truyền lửa “nuôi dưỡng” hát xẩm
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác