Print Thứ Bảy, 26/01/2019 17:55

Liên tiếp trong tháng 10- 2018, tại Hải Phòng và Hà Nội xảy ra những vụ việc người bệnh tử vong, sốc phản vệ do truyền dịch tùy tiện, thiếu sự theo dõi sát của bác sĩ khiến dư luận rất lo lắng. Trong khi đó, việc lạm dụng truyền dịch lại khá phổ biến, khi không ít người chỉ mệt mỏi, cảm cúm thông thường cũng tìm cách để được truyền dịch bên ngoài các cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện, mà không hề biết việc này có thể nguy hiểm đến tính mạng.

 

Thực hiện truyền dịch trong điều trị người bệnh tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện hữu nghị Việt- Tiệp.

Ảnh: ĐỖ HIỀN

 

 

Chỉ mệt cũng truyền (!?)

 

Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng Phạm Văn Linh cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện cấp cứu nhiều trường hợp bị sốc do tùy tiện truyền dịch tại nhà và tại phòng khám tư không được cấp phép hoạt động tiêm, truyền dịch. Như ngày 15-10, có trường hợp người bệnh Nguyễn Thị Thu Hương, 48 tuổi trú tại quận Lê Chân bị sốc, có biểu hiện ngừng tim do mời điều dưỡng tại phòng khám tư về nhà truyền dịch. Đây là 1 trong hơn 150 ca bệnh mỗi năm được cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng do phản ứng với truyền dịch hoặc phản ứng thuốc do người bệnh tùy tiện sử dụng tại nhà hoặc đến phòng khám tư nhân không được cấp phép hoạt động này.

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường ở thị trấn An Lão, huyện An Lão, vợ ông có thói quen hễ cứ mệt, cảm là nhờ người cháu làm điều dưỡng ở bệnh viện huyện vào truyền nước. Đến thời điểm đầu tháng 10, sau một đợt truyền nước liên tục 3 lần, ông Cường thấy vợ có dấu hiệu mệt lả, mồ hôi nhễ nhại, sắc mặt tái nhợt, xuất hiện những vết tiêm thâm nơi cánh tay. Ông Cường đưa vợ vào Bệnh viện đa khoa Kiến An kiểm tra, bác sĩ cho biết vợ ông bị sốc nhẹ do lạm dụng truyền dịch. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tính mạng.

 

Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt – Tiệp cũng thường xuyên tiếp nhận người bệnh bị sốc hoặc dị ứng do tùy tiện truyền dịch, truyền thuốc kháng sinh ở các phòng khám tư hoặc mời điều dưỡng về nhà truyền, trong khi không kiểm tra sức khỏe tổng thể. Nguy hiểm hơn, có những trường hợp bị sốt, ho, ăn uống kém, người bệnh đi truyền dịch ở “bên ngoài” nhưng không giảm bệnh, khi tới bệnh viện mới phát hiện mắc bệnh như: viêm phổi, viêm não, viêm màng não những loại bệnh này không có chỉ định truyền dịch. Đáng lo ngại là, người bệnh dễ dàng được các phòng khám tư truyền dịch khi có yêu cầu, hoặc có điều dưỡng, sinh viên y khoa đến tận nhà tiêm, truyền, nhưng không chú ý theo dõi quá trình truyền nước cho người bệnh. Nhiều người rỉ tai nhau địa chỉ đến là có thể dễ dàng truyền dịch mà không mất công làm xét nghiệm hay thủ tục nhập viện phức tạp. Thậm chí, chỉ cần tìm trên mạng nội dung liên quan đến truyền nước tại nhà, người dân có thể dễ dàng tìm số điện thoại và gọi người đến truyền nước tại nhà, mà không cần đến chỉ định của bác sĩ. Giá dịch vụ này dao động trong khoảng 100 – 200 nghìn đồng/lần.

 


Phải thực hiện theo chỉ định tại cơ sở y tế đủ điều kiện

 

Theo Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt – Tiệp Trương Minh Hải, không phải loại bệnh nào cũng được phép truyền dịch. Để truyền dịch, bác sĩ cần căn cứ vào loại bệnh và tình trạng cấp cứu để chỉ định cụ thể cho người bệnh loại dịch truyền phù hợp. Với bất cứ dịch truyền nào, đều có thể có các tai biến như nhiễm trùng hoặc gây rối loạn về chuyển hóa, gây hiện tượng phù ở tim, thận… Dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân khi cơ thể không thích ứng như sốt, run hoặc gây sốc… Nhưng dùng loại dịch truyền nào cũng phải tùy vào từng trường hợp cụ thể, khi được chỉ định, liều lượng dịch truyền phải cân nhắc, tính toán cho từng trường hợp cụ thể, quá trình thực hiện phải có sự theo dõi của bác sĩ. Chỉ nên truyền dịch khi sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, đi ngoài mất nước như những người bệnh bị tiêu chảy, tụt huyết áp…, người bệnh không thể ăn, uống được. Những bệnh nhẹ không nên truyền dịch. Trước khi truyền dịch, người bệnh cần phải khám tim, phổi, đo mạch… để kiểm tra sức khỏe tổng thể.

 

Bác sĩ Hải cho rằng, cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền để người dân biết không nên tùy tiện yêu cầu truyền dịch tại nhà hoặc tại những cơ sở không bảo đảm; kể cả nhân viên y tế cũng không được tự tiêm truyền ở nhà.Việc truyền dịch nhất thiết phải được bác sĩ chỉ định và thực hiện ở những cơ sở y tế có đủ điều kiện xử lý nếu xảy ra tai biến.

 

Theo Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) Trần Văn Tấn, Luật Khám, chữa bệnh và Thông tư 41 của Bộ Y tế về các điều kiện, phạm vi hoạt động hành nghề của các cơ sở hành nghề y tế tư nhân, các phòng khám, chữa bệnh tư nhân quy định không được tiêm thuốc, truyền dịch cho người bệnh, trừ những trường hợp cấp cứu. Nếu muốn thực hiện các hoạt động này, phải có đăng ký dịch vụ và được giám đốc Sở Y tế phê duyệt và cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó, Nghị định 176 của Chính phủ cũng quy định mức xử phạt đối với các cơ sở y tế có hành vi tự tiêm thuốc, tự truyền dịch mà chưa được cấp phép thì sẽ bị phạt hành chính với mức phạt cao nhất là 70 triệu đồng và bị tước giấy phép hoạt động từ 3-6 tháng. Do vậy, cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc các cơ sở y tế tư nhân, ngăn chặn tình trạng tiêm, truyền tùy tiện, vượt quá giấy phép hành nghề. Sở cũng yêu cầu các bệnh viện kiểm tra, xử lý nghiêm các điều dưỡng, bác sĩ tùy tiện tiêm, truyền dịch tại nhà khi người dân có yêu cầu.

Báo Hải Phòng 3/11/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Truyền dịch tùy tiện: Hậu quả khó lường
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác