Theo Tổng cục Quản lý thị trường, hoạt động mua bán hàng hóa đang dần trở lại nhịp độ thường ngày, kéo theo các hoạt động kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng diễn biến vô cùng phức tạp, thậm chí có sự lợi dụng nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội để thúc đẩy các hoạt động này.
Cụ thể ngày 22.5, Tổ công tác về Thương mại điện tử (Tổ 368) thuộc Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục QLTT TP.HCM tiến hành kiểm tra tại 6 tụ điểm kinh doanh tại quận 1 và quận 10, TP.HCM. Đoàn kiểm tra phát hiện hàng chục ngàn mặt hàng thời trang quần áo, giày, ví da, túi xách, thắt lưng… có dấu hiệu làm nhái, làm giả các thương hiệu lớn thế giới đã được bảo hộ ở Việt Nam như Gucci, D&G, LV… Bên cạnh đó, có nhiều loại hàng thực phẩm chức năng, rượu ngoại nhập lậu và thuốc lá điếu (hàng cấm) nhưng chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ mua bán, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm gồm 20.876 sản phẩm thực phẩm chức năng các loại, nước hoa, túi xách, thắt lưng, ví, giày, quần áo, để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định.
Chỉ 1 ngày trước đó, Tổng cục QLTT đã phối hợp với các đơn vị thuộc Cục QLTT Hà Nội kiểm tra đột xuất tại 7 điểm nóng Hàng Ngang, Hàng Điếu, Hàng Bông, Hàng Cân, Hai Bà Trưng, Hàng Cá, Hàng Đường, phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đoàn kiểm tra phát hiện và tạm giữ 2.374 đơn vị sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng và hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Trong đó có 1.626 sản phẩm túi xách, ví da, phụ kiện thời trang, thắt lưng, quần, mũ, dép, áo sơ mi, giày, xăng đan có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Burberry, Lacost, Fendi, Nike, Adidas, Gucci, Chanel, LV, Hermes, Dior, Valentino, Ferragamo, LV, Salvatore Ferragamo, Goyard, Louboutin, Lascote, Versace, Polo, Calvin Klein, Montblanc và 748 sản phẩm quần áo, dây lưng… không có hóa đơn, chứng từ.
Đặc biệt theo Tổng cục QLTT, người tiêu dùng dường như không thể biết được mình đang xem và mua phải những hàng giả nhãn hiệu lớn. Thậm chí có cửa hàng còn quảng cáo bán và vận chuyển loại hàng giả này đi toàn thế giới. Các cơ sở kinh doanh này đã lợi dụng mạng xã hội, Internet để quảng cáo và bán ra thị trường các sản phẩm trên trong một thời gian dài. Chủ các cơ sở này thừa nhận dùng những hình thức phổ biến như livestream trên Facebook để bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Mỗi lần livestream, các cơ sở đã thu hút hàng ngàn lượt người xem, chia sẻ và hỏi mua. “Qua đợt kiểm tra này, lực lượng chức năng nhận thấy kinh doanh trên thương mại điện tử là một mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Người dân cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, người bán, đặc biệt khi mua hàng trên Internet để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang bày bán trôi nổi”, Tổng cục QLTT nhận định.
Từ nay đến hết năm 2020, cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
An Yến
Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…
Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…
Sáng 18/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực…
Chiều 18/12, UBND thành phố tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây…
Chiều 18/12, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp, Thành ủy, HĐND, UBND,…
Sáng 18/12, theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Hải…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More