Trường tư thục đồng loạt “kêu cứu” trước nguy cơ bị mất quyền tự quyết

Trong kỳ họp Quốc hội tới đây, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua, sẽ tác động và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống giáo dục, trong đó có hệ thống trường tư thục.

Bên cạnh điểm sáng về quy định học phí trường tư thục, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi phiên bản ngày 12-4-2019 cũng đang khiến không ít trường tư thục lo lắng, hoang mang về một số điều khoản liên quan đến quyền sở hữu, quyền điều hành của nhà đầu tư đối với trường tư thục.

Nhà giáo Hoàng Xuân Khóa, Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng trường Marie curie Hải Phòng chia sẻ: Điều 56 Dự thảo Luật giáo dục sửa đổi 2019 đã tước quyền điều hành của nhà đầu tư; đã tạo ra mâu thuẫn mà ai cũng thấy, đó là “những người bỏ tiền thì không có quyền, còn những người có quyền thì không bỏ tiền”.

Mâu thuẫn này đã xuất hiện trước năm 2005 trong hầu hết các trường dân lập thời đó. Để mở trường dân lập phải do một cơ quan hoặc một tổ chức đứng tên, làm Chủ tịch HĐQT, có quyền quyết định mọi hoạt động của nhà trường. Nhưng tiền đầu tư xây dựng trường dân lập hầu hết là của Ban giám hiệu và của giáo viên. Nhiều trường dân lập đã phải giải thể vì mâu thuẫn này. 

Các nhà đầu tư không giám đầu tư cho trường dân lập vì không có quyền quyết định các hoạt động của nhà trường. Chỉ từ khi các trường ngoài công lập chuyển thành tư thục với cơ cấu tổ chức và quyền hạn của HĐQT được quy định trong điều 53 Luật Giáo dục 2005 thì nhiều nhà đầu tư mới mạnh dạn đầu tư lớn để xây dựng nhiều trường tư khang trang hiện đại như hiện nay ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác. 

“Nếu điều 56 của Dự thảo luật Giáo dục 2019 trở thành hiện thực thì riêng cá nhân tôi sẽ xin giải thể nhà trường và chuyển mục đích sử dụng. Tôi xin giả định một tình huống: Một nhà đầu tư thế chấp tài sản của mình để vay ngân hàng một số tiền lớn để xây dựng một trường tư thục. Hội đồng trường với thành phần tạp nham như quy định trong Dự thảo Luật Giáo dục 2019 điều hành hoạt động nhà trường một thời gian rồi sa sút và bị giải thể. Khi đó ai sẽ là người trả tiền vay cho ngân hàng? Các thành viên Hội đồng trường có bỏ tiền túi của mình để cùng nhà đầu tư trả tiền cho ngân hàng không? Chắc chắn là không”- ông Khóa nêu quan điểm.

Những điều khoản về quyền sở hữu trong dự thảo luật giáo dục sửa đổi đang khiến các trường tư thục hoang mang, lo lắng.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Trường Mericurie Hà Nội cũng khẳng định: Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, với Khoản 3, Điều 56 gần như tước đoạt quyền điều hành nhà trường của các nhà đầu tư. 

Thêm nữa, Điều 100 của dự thảo còn “vô tình hay hữu ý” đã tước đoạt quyền sở hữu của nhà đầu tư bởi khái niệm hoàn toàn xa lạ so với luật hiện hành đó là, quyền sở hữu trường tư thục thuộc thuộc về pháp nhân nhà trường. “Nếu quy định này được đưa vào thực tế, tôi sẽ giải thể hoặc buộc phải trường”-ông Khang chua chát nói.

TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy Hà Nội cũng cho rằng: Những quy định về quyền sở hữu tài sản và tài chính của các trường tư thục trong Luật Giáo dục hiện hành, Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, là cơ sở pháp lí và sự mở cửa để các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực giáo dục, giảm gánh nặng ngân sách và biên chế cho nhà nước, giảm sĩ số trường công, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân và tạo ra diện mạo mới cho giáo dục nước nhà, bởi quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư được luật pháp bảo hộ. 

“Tại sao chúng ta lại không tiếp nối, kế thừa những ưu điểm nổi bật, những quan điểm tiên bộ đã được thực chứng là sáng suốt và phù hợp với thực tiễn suốt 14 năm của luật giáo dục hiện hành về quyền sở hữu tài chính, tài sản của trường tư thục. Tại sao những sửa đổi trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi về quyền sở hữu tài sản, tài chính các trường tư thục sắp được đệ trình Quốc hội lại có một bước thụt lùi như vậy”- ông Hòa nêu quan điểm.

Sau khi nghiên cứu một số điều khoản trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, các nhà đầu tư của nhiều trường phổ thông tư thục gồm Trường THCS và THPT Marie Curie – Hà Nội, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng-Ba Đình, Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy, Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, Trường THCS và THPT Lômônôxôp, Trường THPT Bình Minh, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường THPT Kinh Đô, Trường THPT Marie Curie – Hải Phòng đã gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị về các điều 49, 56 và 100. 

Qua đó, nhóm kiến nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi điều chỉnh nội dung các Điều 56, Điều 100 trong Dự thảo Luật Giáo dục, phiên bản ngày 12-4-2019. Cụ thể, giữ nguyên quy định về Hội đồng quản trị trường tư thục trong Điều 53 Luật Giáo dục hiện hành, thay cho Khoản 3 Điều 56 Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Cùng đó, giữ nguyên nội dung Điều 67 Luật Giáo dục hiện hành, thay cho Điều 100 Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.

Hùng Quân

Nguồn: Báo CAND

Nguồn tin: Báo CAND

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More