Print Chủ Nhật, 17/04/2022 21:00 Gốc

Đến đảo tiền tiêu phía Đông Bắc Tổ quốc trong một ngày nắng đẹp, chúng tôi tìm đến Trường Tiểu học-Mầm non Bạch Long Vĩ, ngôi trường nhỏ nằm ngay sát bờ biển. Do là vào kỳ nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương (10/3) nên các em học sinh đều đang được nghỉ học, nhưng với huyện đảo, các em vẫn đến trường để vui chơi.

Cô và trò trong giờ học trải nghiệm.

Trở lại đảo lần này, đoàn chúng tôi ai cũng vui vì đời sống của bà con nơi đây đã đổi thay và phát triển hơn nhiều. Với tổng số dân đến thời điểm hiện tại trên 600 người, “Đuôi rồng trắng” đến nay đã có trên 100 công dân mới được sinh ra.

Các thầy cô nhà trường vẫn luôn nỗ lực giữ tiếng trẻ học bài trên vùng trời vùng biển tổ quốc.

Gặp Nguyễn Tuấn Anh, học sinh lớp 5 của nhà Trường đang đá bóng cùng hai bạn, tôi lại gần hỏi và được em cho biết: lớp học của em ít bạn lắm, chỉ có hơn 10 đứa. Mấy hôm nay, trong lớp có 4 bạn bị nhiễm Covid-19 nên đã tạm nghỉ học để vào đất liền chữa bệnh. Tuấn Anh cũng như các bạn cùng lớp rất thích đến trường để học cùng thầy cô giáo và chơi đùa cùng nhau. Ở đây, thầy cô giáo cũng rất yêu quý và hòa đồng với học sinh, coi các em như con.

Ngoài việc dạy học văn hóa, truyền tải kiến thức cơ bản thì các em cũng được học nhiều kỹ năng về sinh tồn trên đảo, được thầy cô dạy cách trồng cây, trồng rau, tạo không gian xanh… Với Tuấn Anh thầy cô giáo như những người cha, người mẹ thứ hai của em vậy. Thật ấm áp và hạnh phúc khi được thầy cô coi như con, luôn ứng xử đầy yêu thương, qua từng bài học, nét chữ, dìu dắt nhiều thế hệ chúng em nên người.

Cô giáo Phạm Thị Ngoan, giáo viên lớp mầm non thì chia sẻ: Học xong THPT cô xung phong xin ra đảo. Khi đó, tại Tổng đội TNXP cũng lập một nhóm trẻ và anh chị em trong Tổng đội thay phiên nhau trông trẻ, nhưng không có chuyên môn. Với bản thân cô Ngoan rất yêu trẻ nên sau khi hết nghĩa vụ, cô đi học lớp mầm non với mong muốn được trở thành cô giáo mầm non. Ước mơ thành hiện thực và cô đã chính thức là người mẹ thứ 2 của trẻ trên đảo 5 năm qua.

Một giờ học của trẻ mầm non.

Theo cô Ngoan, việc chăm nuôi trẻ ngoài đảo có nhiều khó khăn hơn đất liền, vì cha mẹ các em làm nghề biển. Trường Tiểu học-Mầm non Bạch Long Vĩ chỉ có lớp mẫu giáo 3 tuổi, không có lớp nhà trẻ. Do vậy đối với trẻ mới đến trường, các em chưa biết tự xúc ăn, chưa quen với môi trường đi học nên quấy khóc. Thời gian đầu, các cô phải chia nhau đút ăn cho từng cháu. Sau khoảng 2 tháng trẻ dần đi vào nền nếp, trẻ ở lại trường cả ngày cùng cô.

Về việc chăm sóc chế độ dinh dưỡng cho trẻ trên đảo cũng được nhà trường và các cô chú trọng, quan tâm hàng đầu. Cũng theo cô Ngoan: chăm sóc dinh dưỡng phát triển triển thể chất cho trẻ ở độ tuổi mầm non là một trong những nội dung góp phần giáo dục toàn diện cho trẻ. Chính vì lẽ đó, trong những năm qua nhà trường luôn chú trọng đến chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên quan tâm đến việc xây dựng thực đơn cho trẻ, xây dựng khẩu phần ăn đảm bảo về chất và cân đối về lượng. Bữa ăn của trẻ thường xuyên được đảm bảo 4 nhóm thực phẩm gồm chất đạm, chất béo, rau xanh, tinh bột… đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ phát triển.

Không chỉ riêng cô Ngoan, cô giáo Nguyễn Thị Chiều, giáo viên Tiểu học của nhà trường cũng cho hay: huyện đảo tuy xa xôi với nhiều người, nhưng với các thầy cô giáo thì đây là ngôi nhà thứ hai của mình, học trò và người dân trên đảo đều là người thân. Trường học ít trò, mỗi em có một hoàn cảnh, đa phần bố mẹ các em đều lênh đênh trên biển ít có thời gian chăm sóc cho con. Biết trò thiệt thòi nên đội ngũ giáo viên ở đây ai cũng thương yêu, dạy dỗ các em đủ điều. Sau mỗi buổi học, chúng tôi không quên dặn các con khi tan học về nhà cần làm giúp bố mẹ những công việc vừa sức của mình. Em nào cũng chăm ngoan, chịu khó và rất lễ phép.

Lớp học tuy ít học sinh nhưng em nào cũng ham học.

Được biết, cô Chiều từng là giáo viên dạy tại Trường Tiểu học Tam Cường huyện Vĩnh Bảo theo chồng ra đảo được 12 năm và gắn bó luôn với mảnh đất đầu sóng ngọn gió này. “Ban đầu ra đây thiếu thốn đủ thứ. Nhưng hơn chục năm sống và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, tôi thêm yêu và thương bọn trẻ vô cùng”. Cô tâm sự: dạy môn Mỹ thuật-Âm nhạc nên cô Chiều tham gia dạy các độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5. Cơ sở vật chất được thành phố, huyện quan tâm đầu tư, tuy không bằng đất liền nhưng dụng cụ dạy và học cũng khá đầy đủ. Học trò ở huyện đảo được cái đều ham học. Khi hết cấp 1 các con gửi vào đất liền đều theo kịp các bạn.

Ngày đến trường đầu năm học mới của học sinh huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Thầy giáo Ngô Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học-Mầm non Bạch Long Vĩ cho biết thêm: Trường Tiểu học-Mẫu giáo huyện được thành lập năm 1999 theo quyết định của UBND huyện. Tuy nhiên hoạt động dạy và học đã được triển khai trên đảo từ năm 1994. Nhà trường có 2 bậc học gồm Tiểu học và Mầm non với 9 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó giáo viên Tiểu học 4 người, 2 giáo viên Mầm non, nhân viên thư viện, văn thư, kế toán kiêm nhiệm 1 người, nhân viên cấp dưỡng 1 người.

Trong những năm học vừa qua, Nhà trường luôn được đánh giá là đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. 3 giáo viên được ngành giáo dục tuyên dương trong dịp biểu dương, ghi nhận những đóng góp của thầy cô giáo đang công tác tại vùng biển đảo Tổ quốc; 4 giáo viên và tập thể nhà trường được Chủ tịch UBND Thành phố tặng Bằng khen.

Học kỳ I, năm học 2021-2022 Trường Tiểu học-Mầm non Bạch Long Vĩ đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ học kỳ I với những nội dung cơ bản, trọng tâm đảm bảo thực hiện nội dung chương trình năm học. Cán bộ giáo viên chấp hành nghiêm quy định về đạo đức Nhà giáo, quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Điều đáng ghi nhận nữa là trên địa bàn huyện không có học sinh bỏ học hay không được đi học. Năm học 2021-2022, tổng số học sinh toàn trường có 46 học sinh. Trong đó, Mẫu giáo ghép có 28 học sinh, Tiểu học 18 học sinh. Năm học này cũng là năm học đầu tiên nhà trường triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 và lớp 2. Các thầy cô luôn phát huy tính tích cực của học sinh, khuyến khích giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong các tiết dạy… Về cơ sở vật chất phục vụ chương trình giáo dục mới tuy đã có sự bổ sung nhưng chỉ đáp ứng tiết dạy cơ bản, nhà trường còn thiếu phòng chức năng, thiếu giáo viên ngoại ngữ, tin học.

Giờ đọc sách của học sinh trường Mầm non-Tiểu học Bạch Long Vĩ.

Trong năm học 2020-2021, nhờ huyện đảo xiết chặt đầu ra trong thời điểm dịch bùng phát trong đất liền nên việc học tập của các cháu không phải tạm dừng. Sau Tết Nguyên đán 2022, nhân dân trên đảo về quê đón Tết và trở lại nên mới xuất hiện những ca bệnh ở tháng 2. Tuy nhiên, thời điểm này, dịch đã bị đẩy lùi. Chỉ có điều do xa đất liền nên chương trình Sóng và máy tính cho em cũng như triển khai việc dạy và học trực tuyến nhà trường không triển khai do đường truyền internet yếu và số lượng học sinh ít. Nói chung, các thầy cô cùng các em vẫn còn rất nhiều thiếu thốn, thiệt thòi nhất là chưa được tiếp cận với hai môn học gồm Tin và và Ngoại ngữ. Bù đắp lại sự chăm lo thiết thực từ thành phố cùng các cấp ngành, đặc biệt là ngành giáo dục, Trường Tiểu học-Mầm non Bạch Long Vĩ với sự cống hiến không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường sẽ luôn luôn giữ tiếng trống, tiếng trẻ học bài trên vùng trời,vùng biển tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiên An

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Trường Tiểu học-Mầm non Bạch Long Vĩ vang tiếng trống, tiếng trẻ trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác